Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

LỊCH SỬ CHIẾC MÁY KHÂU

Khâu tay là một hình thức nghệ thuật đã có hơn 20.000 năm tuổi. Kim khâu đầu tiên được làm bằng xương hoặc sừng động vật và sợi chỉ ban đầu được làm bằng dây gân động vật. Vào thế kỷ 14 thì kim khâu bằng sắt được phát minh. Kim khâu có mắt đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 15. 

Chiếc máy khâu ngày xưa - Ảnh: Facebook

Sự ra đời của máy khâu:
Bằng sáng chế đầu tiên liên kết với ngành may cơ khí là một bằng sáng chế của Anh vào năm 1755 cấp cho một người Đức tên là Charles Weisenthal. Weisenthal đã được cấp bằng sáng chế cho một cây kim được thiết kế cho một cái máy, tuy nhiên, bằng phát minh này đã không mô tả phần còn lại của cái máy khâu.
Nỗ lực của một số nhà phát minh để cải thiện ngành may:
Một nhà phát minh người Anh là Thomas Saint đã được cấp bằng sáng chế đầu tiên cho một máy khâu hoàn chỉnh vào năm 1790. Người ta không biết Saint đã có thực sự xây dựng một nguyên mẫu cho phát minh của mình. Bằng sáng chế của ông mô tả một cái dùi để đục một lỗ trong miếng da và một cây kim xuyên qua cái lỗ đó. Về sau người ta đã thử sản xuất một cái máy khâu từ phát minh của Saint dựa trên bản vẽ của ông nhưng cái máy này đã không sử dụng được.
Năm 1810, một người Đức là Balthasar Krems phát minh ra một cái máy khâu mũ tự động. Krems không được cấp bằng sáng chế nên phát minh của ông đã không được sử dụng.
Năm 1804, một bằng sáng chế được cấp cho người Pháp - Thomas Stone và James Henderson cho "một máy khâu được mô phỏng theo cách khâu tay." Cùng năm đó một bằng sáng chế đã được cấp cho Scott John Duncan cho một "máy thêu với nhiều mũi kim". Cả hai phát minh đều thất bại và đã sớm bị công chúng lãng quên.
Năm 1818, máy khâu đầu tiên của Mỹ được phát minh bởi John Adams và John Knowles Doge. Máy khâu của họ đã thất bại khi không may được vải.
Barthelemy Thimonnier – Bộ máy nhiều chức năng và bánh xe quay đầu tiên:
Chiếc máy khâu đầu tiên được phát minh bởi một thợ may người Pháp là Barthelemy Thimonnier vào năm 1830. Máy của Thimonnier sử dụng chỉ có một sợi chỉ và cây kim thực hiện được các chuỗi tương tự như thêu tay. Nhà phát minh đã suýt bị chết khi một nhóm thợ may người Pháp đốt cháy xưởng may của ông vì sợ phát minh mới này có thể khiến cho họ thất nghiệp.
Walter Hunt & Elias Howe :
Năm 1834, Walter Hunt đã phần nào chế được máy khâu thành công của nước Mỹ. Sau đó, ông còn quan tâm đến bằng sáng chế vì ông tin rằng phát minh của mình sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. ( Máy của Hunt chỉ có thể may bằng hơi nước.) Nhưng Hunt đã không bao giờ được cấp bằng sáng chế mà sau đó vào năm 1846, bằng sáng chế đầu tiên của Mỹ đã được cấp cho Elias Howe cho "một tiến trình sử dụng sợi chỉ từ hai nguồn khác nhau."
Máy khâu của Elias Howe đã có một cây kim với một mắt ở đầu. Mũi kim được đẩy đi xuyên qua vải và tạo ra một vòng ở phía đầu bên kia; rồi thì một con thoi phía trên sẽ trượt sợi chỉ thứ hai xuyên qua cái vòng, tạo ra cái được gọi là mũi thắt móc (lockstitch). Tuy nhiên, về sau Elias Howe lại gặp trục trặc trong vấn đề bảo vệ và tiếp thị cho bằng sáng chế của ông.
Trong chín năm tiếp theo Elias Howe đã đấu tranh, đầu tiên để thu hút sự quan tâm đến loại máy khâu của ông, rồi sau đó bảo vệ bằng sáng chế của mình từ những người mô phỏng. Cơ chế lockstitch của ông đã được những người khác tiếp thu và đổi mới phát triển theo cách riêng của họ. Isaac Singer đã phát minh ra cơ chế chuyển động lên và xuống, và Allen Wilson thì phát triển con thoi quay.

* Tam Nguyen dịch theo inventors.about.com

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

SÀI GÒN VÀ NỖI NHỚ

..."Tôi nghĩ đến đời người và cối xay gió. Thời gian chẳng chờ đợi ai… Nửa đêm về sáng, khi viết những dòng chữ này từ Hamburg, chợt thấy nhớ và thương Sài gòn lận đận của tôi, nơi tôi sinh ra, lớn lên và sống gần hết cuộc đời mình. Đêm Hamburg mưa nhẹ. Sài gòn giờ này trời sáng tỏ rồi, nhưng chắc Sài gòn sẽ không mưa buổi sáng đâu, phải thế không?" (*)
Một người bạn vừa gửi cho mình đường link bài viết "Một Chút Sài Gòn Trong Lòng Hamburg" của tác giả Vũ Thế Thành. Mình thích và đồng cảm với tác giả đoạn cuối bài đã trích trên đây. Ai có đi xa Sài gòn mới biết, "nhớ và thương Sài gòn lận đận" ... dù không sinh ra ở Sài Gòn, nhưng mình đã sống ở đây hơn 40 năm... Nhớ lắm mỗi khi đi xa!
20 năm trước đến Mã Lai, nhớ câu nói của một người phụ nữ Kuala Lumpur ngậm ngùi nhắc về một Sài Gòn rực rỡ ánh đèn trước 1975, khi những ngọn đèn đường ở thành phố của bà vẫn còn thắp bằng đèn dầu.
Một năm sau đó, mình đếm 6 lần trăng tròn sáng rực ở Sydney, mà nhớ những đêm trăng vàng vọt Sài Gòn.
Gần 10 năm sau nữa, lạc bước đến Las Vegas, Los Angeles, San Francisco ... không nhớ gì, lại nhớ ... dĩa rau muống xào và những món ăn Sài Gòn.
Thêm 3 năm nữa, đến Đức vào cuối mùa đông, khi đi ngang qua vùng Rhur - gồm 3 thành phố lớn Cologne, Dusseldorf và Essen, chợt nhớ Sài Gòn đang chuyển mình tưởng như sẽ thay đổi, mà mơ về con rồng đang cất cánh bay từ phương trời châu Á ...
Mình cũng nhớ cả lần đi du ngoạn bằng tàu trên sông Sài Gòn với vợ chồng anh Cao T. Cô vợ nhìn thành phố đang lên đèn và hỏi mình có thích Sài Gòn không? Mình nói "đi xa nhớ nó lắm". Chị quay lại chồng hớn hở khoe "Anh nè, chị T cũng thích Sài Gòn nè!"
Cho dù Sài Gòn xô bồ, cho dù lắm chuyện bị chê trách, nhưng với mình, tình cảm vẫn rất đầy, khó đổi thay!
Vài người bạn cũ của mình đã đi xa cũng thường trầm ngâm khi nói đến Sài Gòn:"Về SG ồn ào, bụi bặm, đông đúc, thoạt đầu tưởng có thể không chịu nổi, nhưng lạ khi xa nó, anh nhớ vô cùng. Nhớ cái ồn ào, đụng chạm va quẹt trên đường, nhớ ..."... Có khi tự dưng điện thoại cho mình chỉ để nói câu: "Nhớ cái nóng hâm hấp của SG. Em nên biết rằng, khí hậu SG rất tuyệt vời. Có đi xa mới thấy. Nơi anh ở mùa thu rất ngắn mà mùa lạnh kéo dài. Nhớ SG không chịu được"... Ngay cả chị M mình, mỗi lần đi du lịch trong hay ngoài nước, khi trở về SG, xe vừa vào thành phố là chị thở phào "Chẳng có nơi đâu bằng ... Sài Gòn!"
Bây giờ, mình đang ở Sài Gòn mà cũng thấy ... nhớ nó.
Khó hiểu thật! :-((

Mời các bạn cùng đọc:
(*)http://khoahocnet.com/2014/07/07/vu-the-thanh-mot-chut-sai-gon-trong-long-hamburg/#more-13315

Sài Gòn bên sông - Ảnh: AK