Thời gian gần đây tôi được gặp lại nhiều bạn cũ thời trung học, đại học, những tưởng đã mất dấu từ sau nhiều biến cố, đổi thay hoàn cảnh. Kể cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện từ ngày xa cách nhau, chuyện gia đình chồng con, công việc, nhưng dường như đối với tất cả mọi người, kỷ niệm ngày còn cắp sách đến trường vẫn là những lưu luyến khó phai nhất, đẹp đẽ nhất. Từ chuyện những cái hộc bàn chứa đầy cóc, ổi, những thứ lương thực học trò; tấm bảng đen và những trò nghịch ngợm, sân trường với giờ ra chơi nhộn nhịp nhảy dây, banh đũa; tình bạn với những giận hờn yêu ghét như trẻ con, đến tình yêu đầu đời thơ dại qua những trang thơ tình viết bằng mực tím... Thật vô cùng dễ thương...
Ảnh minh họa: vnexpress.net
Có lẽ ai cũng khó mà quên mối tình đầu, cũng khó quên cả những tình cảm chỉ là rung động đầu đời, chưa biết chắc đó có phải là tình yêu? Để gọi là "mối tình đầu" thì còn phải xem xét lại thế nào mới được gọi là tình đầu, và thường chỉ có một. Nhưng những rung động thì có khi .. khá nhiều. Tôi có một cô bạn có thói quen liệt kê danh sách những người bạn trai, lần lượt từng người một dài lên đến .. 2 trang vở. Đến lúc cô đi lấy chồng thì tên người chồng tất nhiên là người .. cuối danh sách, với chữ STOP to tướng. Tôn trọng bạn, tôi chưa bao giờ hỏi bạn qua 2 trang vở ấy ai mới chính là người cô yêu, và là người yêu cô. Nhưng tôi không tin là .. tất cả. Trái tim con gái có thể yêu một lần, hay hai ba lần trong đời, nhưng nhiều quá thì rất khó. Bởi vì mỗi lần yêu là một lần .. rất mất thì giờ, nào là chỉ thích ngồi viết nhật ký nếu không viết thư tình; bâng khuâng với bất cứ hình ảnh gì lãng mạn, một chiếc lá rơi, một làn gió nhẹ; nhớ nhung dù chỉ mới gặp nhau đó thôi; nghi ngờ ghen tuông mỗi lần người ta lỗi hẹn, giận hờn không thèm trả lời thư đến, nước mắt ngắn dài trên gối, có khi không muốn làm chuyện gì khác vì hình ảnh người ấy cứ lảng vảng trong đầu ... Khổ nhất là thời gian chờ đợi giảng hòa, sao mà nó dài thế, mệt mỏi thế. Và khủng khiếp nhất là tâm trạng khi chia tay, tốn biết bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu nước mắt, trái tim như tan nát còn cơ thể thì rã rời! Ôi biết bao nhiêu là "tổn thất" như cản trở việc học hành, việc nội trợ giúp mẹ ở nhà. Vì vậy mà không ít cha mẹ đã rất lo lắng khi biết con gái mình đang yêu một ai đó..
Đang tuổi mới lớn không nhiều thì ít bạn nào cũng bắt đầu nghĩ đến bạn trai. Trước tiên là bạn cũ từ thời cấp 1, bạn hàng xóm, bạn của anh chị, cứ thế mà chọn lọc ra người nào .. đáng yêu nhất. Ngày ấy, vì học trường nữ sinh chúng tôi ít có cơ hội gặp các bạn nam sinh khác trường nên hình ảnh người nam bị để ý nhất là các thầy trẻ mới ra trường, còn độc thân. Thầy là hình ảnh một người đàn ông học thức, từng trải. Đứng trên bục giảng thầy càng uy nghi hơn trong mắt học trò. Thầy càng giảng bài hay và càng .. đẹp trai thì càng được ái mộ. Không ai dám nói ra nhưng tôi nghĩ rằng thầy giáo rất dễ được các cô học trò mơ tưởng.
Chúng tôi đi học ở trường nữ suốt ngày, ngoài các bạn có điều kiện đi chơi đây đó nhiều hoặc tham gia các sinh hoạt thanh niên, ban đêm nếu thường đi học ở những lớp học thêm về ngoại ngữ, toán, lý hóa v.v.. thì mới được quen nhiều bạn nam.
Và tôi cũng vậy. Năm 16 tuổi, trong lớp học thêm Pháp văn ban đêm, một hôm đang giờ học có một người mới vào. Nhìn thoáng qua thấy anh ấy dáng dấp thanh nhã, cao ráo, tất nhiên liền được "lọt vào mắt xanh" của tôi và cô bạn thân học cùng. Anh lại chọn chỗ ngồi ngay phía sau lưng tôi. Dần dần hơi quen quen, anh hay mượn tập vở chép lại những lời thầy giảng mà anh ghi chép thiếu, khi thì mượn cây bút, khi thì mượn cục gôm.. Mượn thì tôi cho, rồi thôi, không có gì hơn, dù trong lòng cũng đã cảm thấy có gì đó vương vấn. Đêm đi học về loáng thoáng thấy có bóng người đi theo đằng sau, tôi chỉ biết cắm đầu cắm cổ đi thật nhanh về nhà. Đường tối thui, dấu luôn tông tích người đi theo mình hằng đêm, cho đến hơn một năm sau, mới biết là .. anh ấy. Đó là vào năm 1972 mùa hè đỏ lửa cả nhà tôi tạm thời di tản vào Nha Trang, tình cờ tôi gặp lại anh ngoài phố, lúc ấy mới bắt đầu quen nhau và anh mới viết một lá thư thật dài .. thú tội việc "theo dõi" tôi suốt năm qua và cũng để tỏ tình. Tôi còn nhớ mình đã xây xẩm mặt mày, đọc đi đọc lại lá thư ấy không biết bao nhiêu lần, suốt mấy đêm khó ngủ, trằn trọc vì không biết trả lời ra sao. Ôi cái lần đầu tiên viết thư tình, sao mà khó dễ sợ! Giờ Việt văn trong lớp, tôi không sợ làm luận, mà sao trước một lá thư tưởng chừng đơn giản lại cứ loay hoay thở ra thở vào chẳng viết được thông suốt. Sau này đã lớn, tôi vẫn cảm thấy là viết thư tình khó! nhất là khi người ta đã bày tỏ tình cảm, và muốn biết "đối phương" nghĩ sao về mình. Khi bạn yêu, cũng khó trả lời liền "Em cũng vậy". Trong trường hợp bạn không hoặc chưa yêu, mà chỉ có cảm tình, hình như .. càng khó. Bởi vì nếu trả lời "không", bạn có thể sẽ mất người ấy trong lúc bạn đang cần phải xem xét lại con tim của mình, hoặc có khi không yêu nhưng đó là một người bạn tốt, bạn muốn giữ anh ấy như là một "người bạn đúng nghĩa" mà thôi. Tôi nghe nhiều người nói rằng "Giữa con trai và con gái không thể có tình bạn", thật là một câu nói "ám ảnh". Suy đi nghĩ lại, hay là "đối phương" muốn mình "kết thúc" sớm câu trả lời "Yêu hay là Không Yêu"?
Thời đó có 2 bộ phim mà tuổi học trò chúng tôi mê chết đi được, là "Roméo và Juliet" và "Love Story". Chúng tôi khóc vì nhân vật của Shakespeare và Erich Segal. Chúng tôi sưu tầm ảnh của Olivia Hussey và Léonard Whiting, Ali MacGraw và Ryan O'Neal cùng bài hát "A time for us", "Love Story". Một số trong những câu "học thuộc lòng" là "Love means never having to say you're sorry" ( Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc ) hay từ câu "To be or not to be" của Shakespeare trong vở kịch Hamlet, ai đó đã sửa thành "To love or not to love, that's the problem" ( Yêu hay không yêu, đó mới là vấn đề ). Tất cả cứ như là "kinh nhật tụng" của chúng tôi.
Tôi bắt đầu thích nghe nhạc Pháp, loại nhạc tình yêu. Những bài hát Aline, Je t'aime, Tous les garcons et les filles, Quand le film est triste. Ca sĩ Christophe, Adamo, Francoise Hardy, Sylvie Vartan .. thời ấy là thần tượng. Như các bạn cùng trang lứa, tôi cũng nghiền ngẫm Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, đọc truyện Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, chép thơ Nguyên Sa, Từ Kế Tường, Mường Mán... Hình như biết thế, anh thường tặng cho tôi những cuộn băng cassette nhạc Pháp, những cuốn truyện tình yêu của tuổi mới lớn. Rồi lần đầu tiên trong đời, tôi được một người con trai mời đi uống café ngoài biển. Cũng như Qui Nhơn, Nha Trang có bãi biển dài và đẹp. Ngôi nhà chúng tôi đang ở có giàn hoa hoàng anh vàng trước ngõ, nằm gần bờ biển, nhưng tôi không dám ra gặp anh. Lại nát óc suy nghĩ : "Đi, hay không đi"! Mẹ tôi bắt đầu nghi ngờ tôi có bạn trai nên tôi không dám mở miệng xin phép mẹ. Trời, chắc là "khủng khiếp" lắm nếu mẹ nghe được lời xin phép ấy. Nghĩ mãi không tìm ra cớ gì để chuồn ra khỏi nhà ngày hôm ấy, tôi đành lỗi hẹn.
Mùa hè ở Nha Trang qua đi, gia đình tôi về lại Qui Nhơn và tôi bắt đầu vào năm học mới. Đây là năm mà chúng tôi phải ra sức học tập để chuẩn bị cho kỳ thi Tú tài Bán phần. Đó cũng là năm có nhiều sự cố về chiến sự xảy ra. Thanh niên bị gọi động viên. Nhiều người phải tạm ngưng việc học để tham gia quân ngũ. Những cô gái bấy giờ không ít thì nhiều đều dính đến "tình yêu của lính". Dù các khu căn cứ quân sự nằm xa thành phố nhưng cuối tuần rất nhiều lính Không quân, Hải quân, Bộ binh .. đổ về. Có cả lính Mỹ, lính Đại Hàn.
Giáng sinh năm ấy, có nhiều lính "mũ xanh" về thành phố. Chúng tôi gọi là "mũ xanh" vì không biết họ thuộc binh chủng nào, sau đó mới biết là các anh đang trong giai đoạn huấn luyện tại Đồng Đế, Nha Trang. Buổi sáng ngày Giáng sinh, một người lính mũ xanh đến nhà thăm cha tôi, đưa một lá thư của bố anh, là bạn cha tôi đang ở Sài gòn. Cha tôi vui lắm và thân tình mời anh trong những ngày lưu lại ở Qui Nhơn thì cứ tự nhiên đến nhà chúng tôi chơi. Chị tôi mời anh tối hôm ấy đến nhà ăn tiệc cùng chúng tôi. Đêm ấy anh đến cùng một người bạn thân cùng là sinh viên trường Luật Sài gòn bị tổng động viên, cùng binh đoàn "mũ xanh". Tôi cũng có mời 3 cô bạn gái. Bữa tiệc rất vui vẻ. Sau đó tôi và anh bỗng dưng trở thành "anh em kết nghĩa".
Những buổi sáng chiều còn lại trước khi binh đoàn "mũ xanh" rời Qui Nhơn, anh và người bạn thường đến trường đón tôi và cô bạn thân. Trời tháng 12 khí hậu ở Qui Nhơn khá đẹp và se se lạnh. Đi học tôi vẫn mặc áo dài trắng, nhưng có thêm áo khoác màu tím. Sau này màu áo tím ấy đi vào .. những lá thư của anh. Anh gửi cho tôi rất nhiều thư. Chữ anh đẹp, văn anh viết hay nên những lá thư từ chiến trường gửi về càng thêm quý. Trên đường hành quân, dừng chân đâu đó ngồi buồn anh lại viết. Qua những lá thư này, tôi được theo dõi tin tức chiến sự từ xa qua lời kể của một người lính. Anh vẫn lãng mạn kể cho tôi nghe cả vầng trăng non và những vì sao lấp ló qua mảnh ngói vỡ của những ngôi nhà hoang trên đường hành quân ghé tạm qua đêm, rằng "anh ước gì đó là ánh mắt của em". Anh tưởng tượng cả hình ảnh chiếc áo khoác tím đứng trên đỉnh đồi Lang Biang và đoàn quân đi ngang qua trong một buổi sáng nào đó mà bất chợt ngẩng đầu lên anh bỗng nhìn thấy. Anh còn nhắc lại hình ảnh tôi "ác như một pho tượng" khi có hôm anh đến nhà nhưng tôi để anh ngồi nói chuyện với chị tôi, còn mình thì ngồi thản nhiên học bài bên cửa sổ, chỉ vì tôi sắp thi học kỳ.
Từ năm lớp 10 C chúng tôi ra tập san Phù Sa. Lúc ấy cô bạn Lưu Ly làm trưởng ban báo chí. Qua năm lớp 11 thì đến phiên tôi. Vất vả nhưng cũng rất vui. Khi tập san in xong, chúng tôi phân công nhau đi bán trong trường, vào từng lớp, rồi kéo nhau đi qua các trường khác mà bán. Sợ nhất là đến các trường có đông nam sinh như Cường Để, La San. Cũng may chúng tôi được ủng hộ nhiệt tình nên rất phấn khởi. Tôi gửi cho ông anh "kết nghĩa" một cuốn. Vài tháng sau, tôi nhận được một cuốn tập san mà binh đoàn của anh làm, có mấy bài viết mà dù anh dùng bút hiệu, tôi vẫn đoán ra là anh, vì có .. màu áo tím của tôi trong đó cùng giọng văn quen thuộc.
Năm học lớp 12, những người "em gái hậu phương" vẫn được bình yên đến trường mỗi ngày, còn đa số các anh trai đều phải ra tiền tuyến. Người bạn trai của tôi lúc đó cũng đã nhập ngũ sau khi anh thi đậu Tú tài Bán phần. Lúc chia tay anh gửi cho tôi một lá thư buồn bã bi quan, rằng không biết còn có ngày gặp lại. Tôi gắng tìm lời an ủi anh, nhưng cũng nằm vùi mất mấy ngày.
Nhà tôi ở ngay Ty Ngân khố nên thường ngày ra vào gặp rất nhiều lính, nhất là vào ngày cuối tháng. Lúc ấy Ty Ngân khố Qui Nhơn là nơi chi tiền cho vùng 2 chiến thuật bao gồm các tỉnh Bình Định, Pleiku, Lâm Đồng, Di Linh, Phú Yên, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận v.v. nên hình ảnh người lính càng gần gũi vì ngày nào cũng thấy. Chiến sự càng khốc liệt, những người quả phụ chít khăn tang đến lĩnh tiền tử tuất càng nhiều. Nhìn quanh, tôi thấy các bạn tôi quen và yêu lính khá nhiều. Chị tôi đi dạy xa nhà, tận miền rừng núi Lâm Đồng. Chị cũng quen nhiều lính, toàn các anh Không quân, Võ bị Đà Lạt. Có anh chàng pilot đẹp trai hay lái chiếc máy bay quân sự vòng vòng trên bầu trời ngay sân trường để tìm chị. Đám học trò tiểu học hớn hở kéo nhau ra xem. Còn chị sợ hiệu trưởng phát hiện mình là nguyên nhân đã trốn mãi trong lớp không dám ló mặt ra. Tình yêu con gái vào thời chúng tôi lúc ấy đang đến gần với giai đoạn có nhiều rủi ro. Vài người bạn của chị có chồng là lính, có người đã thành quả phụ. Một người anh con bác, rất thân với tôi, cũng đã tử trận trong khoảng thời gian ấy. Một người anh lớn của bạn tôi, chuẩn bị đi Đức du học, cũng phải nhập ngũ, một năm sau anh tử trận, chôn vùi luôn tương lai rạng ngời. Người dì út còn giữ những lá thư anh viết về cho gia đình từ chiến trường, đưa cho tôi đọc: "Viết lá thư này không biết ngày mai con còn được viết nữa hay không? Đồng đội con mới hôm qua thôi nay đã nằm xuống. Ở đây cái chết thật dễ dàng dì ơi!..."
Thi đậu Tú tài Toàn phần, tôi vào Sài gòn thi đại học Sư phạm, trước tiên phải lấy bằng Văn chương Quốc âm ở Văn khoa. Người bạn trai cũ lúc ấy đã ở một nơi xa, chúng tôi dần ít gặp nhau dù thỉnh thoảng buồn anh vẫn viết thư cho tôi. Những lá thư ngập mùi thuốc súng, đạn bom. Riêng ông anh "kết nghĩa" vì gia đình ở Sài gòn nên thường về phép thăm nhà, lần nào cũng ghé lưu xá sinh viên thăm tôi. Có hôm đến không gặp, anh viết vội cho tôi vài dòng trên tờ giấy phép được về nhà 24 giờ. Có lần anh gửi một xấp thư dày cộm, mở ra đọc thì đó là nhiều lá thư anh viết hàng ngày cho tôi như nhật ký. Thỉnh thoảng từ trong giảng đường Văn khoa nhìn ra cửa sổ thấy anh đứng hút thuốc chờ tôi giờ tan học. Rồi anh rủ tôi đi uống café La Pagode. Ở đó có máy hát dĩa tự chọn. Chúng tôi cùng chọn những bài nhạc Pháp quen thuộc. Buổi sáng mùa thu lá me rơi nhiều trên đường Tự Do, nhìn ra khung cửa kính thấy công viên đầy lá vàng bên kia đường thật đẹp. Những giây phút ngồi bên nhau trong quán café chia xẻ chút tâm tình, chợt thấy thời gian quá ngắn và cuộc sống quá mong manh.
Rồi tôi có nhiều bạn mới, cùng trường có, khác trường có, và cũng có nhiều bạn là lính. Đi đâu cũng gặp lính. Tôi ở cùng phòng với 3 cô bạn khác, hết 2 cô có người yêu là Hải quân, một cô yêu Bộ binh, còn tôi đang quen một người bạn Không quân. Đêm Giáng sinh năm đầu tiên ở Sài gòn, "tứ cô nương" chúng tôi được các chàng lính mời đi party. Tiệc tan muộn quá, trên đường về đã đến giờ thiết quân luật, chúng tôi bị hốt hết vào đồn cảnh sát ngay bùng binh Quách thị Trang. Trong đồn cảnh sát, tấp nập và tha thướt những áo đầm dạ hội rực rỡ cùng màu xanh áo lính. Các ông bạn lính phải đứng ra bảo lãnh đến 4 g sáng chúng tôi mới được cho về. Thật là một đêm Giáng sinh nhớ đời. Thời gian ấy cô gái nào có người yêu là lính, đều sống trong lo sợ cho người yêu không biết sống chết xa nhau lúc nào. Ngày mai sẽ ra sao, chẳng ai trả lời được.
Tháng tư 1975, chúng tôi đã thực sự sống trong chiến tranh và mất mát. Tôi và các bạn cùng phòng đều lạc mất hết người yêu. Ngay cả các bạn gái cũng kẻ mất người còn. Nhiều biến cố dồn dập xảy ra làm chúng tôi phải mất một thời gian khá lâu mới bình tĩnh trở lại.
Nhiều năm đã trôi qua, bao nhiêu cay đắng dần phôi phai, bây giờ nhớ lại tình yêu thời con gái, vẫn thấy đầy ắp nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. Nhiều bạn gái của tôi tâm sự: "Tụi mình không may mắn khi tuổi trẻ rơi vào giai đoạn này". Có lẽ đó là tâm trạng chung cho con gái thời của chúng tôi. Nhưng rồi tất cả cũng qua, tôi luôn tự an ủi có thể mình mất cái này nhưng lại được cái khác. Biết đâu được rèn luyện thử thách qua nhiều cam go như vậy chúng tôi mới "lớn" hơn?
Tôi có may mắn là những người bạn trai cũ ngày nào của mình đều được thoát khỏi cái chết từ chiến trường trong những năm tháng chiến tranh ấy, nay sống an vui bên gia đình và công việc ổn định. Tôi cũng được gặp lại vài người trong số này, có khi tại Việt Nam, có khi tại nước ngoài, những gặp gỡ rất đỗi tình cờ và cũng rất lạ vì đã hơn 20, 30 năm qua không có tin tức, địa chỉ của nhau. Một người tìm đến nhà tôi ở Sài gòn qua bao nhiêu chỉ dẫn của bạn bè. Một người bay từ Mỹ qua Úc khi nghe tin tôi vừa đến Sydney. Một người lái xe từ Los Angeles đến San Francisco gần 7 tiếng đồng hồ chỉ để cùng nhau đi ăn một bữa cơm tối trong dịp tôi qua Mỹ làm hội chợ thương mại. Và khi gặp lại nhau, dường như thời gian xa cách đã biến mất, nhường chỗ cho tình cảm thật chân thành như đã từng có trong quá khứ.
Tôi lại nhớ đến câu "Giữa con trai và con gái không thể có tình bạn". Tôi nghĩ, đúng hay sai tùy trường hợp. Nhưng có phải tình yêu và những nghĩ suy thời con gái không giống với khi mái tóc bạn đã bạc mầu?
NGUYỄN DIỆU TÂM