Hình ảnh : Nguyễn Diệu Tâm
Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh và là một điểm leo núi của tỉnh Bình Thuận.
Nhiệt độ trung bình từ 18 đến 22°C. Xưa kia đây là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur.
Để lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm, du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45°. Hoặc du khách có thể ngồi 10 phút trong cabin "bay" theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, ngắm nhìn khu rừng xanh bao la.
Nằm ở độ cao 563 m (chưa tới đỉnh) là hai ngôi chùa: chùa Trên (Linh Sơn Trường Thọ) và chùa Dưới (Long Đoàn), cùng bậc thang đá cao và những ngọn tháp.
Chùa núi Tà Cú (người địa phương hay gọi đơn giản là chùa Núi) là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao hơn 400 m, là một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam.
Vào giữa thế kỷ 19 nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887) pháp danh Thông Ân, pháp hiệu Hữu Đức từ Phú Yên vào Bình Thuận dựng một thảo am ở làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) vừa tu hành vừa bốc thuốc. Ông đã từng tu hành và góp nhiều công sức chăm lo Phật sự ở nhiều chùa tại Bình Thuận như chùa Cổ Thạch, Linh Sơn (Tuy Phong), Phước Hưng (Phan Thiết) và một số chùa ở đảo Phú Quý. Năm 1872 nhà sư lên núi Tà Cú tu hành trong một hang đá (sau này gọi là hang Tổ). Cho đến lúc mất, sư Hữu Đức không xuống núi nữa. Lúc đương thời nhà sư Hữu Đức là một thầy thuốc giỏi. Năm Tự Đức thứ 33 (1880) hoàng thái hậu bệnh nặng, chư thần tâu xin rước sư về giúp trị bệnh nhưng nhà sư từ chối, chỉ gởi người về triều. Bệnh hoàng thái hậu hết, vua Tự Đức mới ban cho tên chùa là Linh Sơn Trường Thọ và nhà sư là "Đại lão hòa thượng". Đến khi nhà sư Hữu Đức viên tịch (nhằm ngày 5 tháng 10 năm 1887 âm lịch) thì sư Tâm Hiền lập ngôi chùa mới ở phía dưới, sau này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn và chùa Linh Sơn Trường Thọ là chùa Trên.
Phía trên chùa, cách hang Tổ khoảng 50 m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn quét vôi trắng dài 49 m, cao 7 m. Đây là bức tượng lớn nhất Đông Nam Á, lớn hơn tượng Phật nằm, dài 45 m trong chùa Wat Po ở Bangkok. Tác phẩm do ông Trương Định Ý chủ trì, được đúc bằng bê tông cốt thép trong đợt trùng tu năm 1963. Cách pho tượng khoảng 50 m về phía dưới là nhóm tượng Di đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: tượng A Di Đà ở giữa cao 7 m, bên trái là tượng Quán Thế Âm và bên phải tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5 m. Tháp mộ của Tổ và của các nhà sư trụ trì đã qua đời được chia thành hai cụm ở trước điện thờ và sau điện thờ. Tháp Tổ nằm trước điện thờ, bên cạnh có mộ con cọp tương truyền là đã được sư Hữu Đức thuần hóa.
Lên đỉnh Tà Cú, điều thú vị hơn hết là chúng ta có được cảm giác hòa mình với thiên nhiên núi rừng. Khi đi bằng cáp treo ở độ cao 500 m ta có thể nhìn ngắm rừng nguyên sinh bao la từ trên cao. Cảnh vật như rộng mở trước mắt. Càng lên cao, khí trời càng mát mẻ thông thoáng. Vừa ngắm nhìn những cánh chim bay lượn qua rừng cây, nhìn xuống chân đồi và cảnh rừng núi trùng trùng điệp điệp bên dưới với mây trắng vây phủ, sẽ có cảm tưởng ta đang "bay" vào xứ thần tiên.
Ngày trước, đây là nơi hành hương nổi tiếng đã thu hút nhiều thiện nam tín nữ tìm đường đến lễ Phật. Để lên đến đỉnh núi phải đi mất 2 ngày mới đến nơi. Nay đường đi được rút ngắn bằng cáp treo. Khi đến nơi, du khách còn phải vượt đường xa để leo lên đến đỉnh núi.
Đi trong rừng nguyên sinh, nghe chim rừng hót, ngắm bướm núi bay lượn qua các khóm hoa rừng, thật thú vị. Càng lên cao có thể bạn sẽ cảm thấy mệt tim, thỉnh thoảng nên dừng lại để nghỉ mệt, rồi lại đi tiếp.
Xa xa đã thấy thấp thoáng tượng Phật nằm dài 49 m. Lên đến đây, bạn sẽ chỉ nên cầu nguyện cho gia đình và bản thân luôn được sức khỏe, chứ tuyệt đối không cầu xin lương duyên ( đối với các bạn trẻ ) hay cầu tài khấn lộc mua may bán đắt.
Tôi chợt nghĩ, leo được lên đến đỉnh núi là đã "đạt" sức khỏe tốt rồi. Mà chúng ta, ai chẳng nghĩ rằng sức khỏe là quan trọng nhất của mỗi con người? Có sức khỏe, bạn có thể làm được tất cả mà!
NGUYỄN DIỆU TÂM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét