Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

MỘT CHUYẾN ĐI


Có những chuyến đi bình thường không gây ấn tượng gì, mà cũng có những chuyến đi lại làm cho người ta nhớ. Chuyến đi mà tôi sắp kể cho các bạn nghe là một. Vì sao nhớ, có lẽ vì … đó là một “phiêu lưu ký” đáng nhớ đối với tôi.
Tháng 4 năm 2003, lần đầu tiên tôi đi Trung quốc và bằng đường bộ. Một công ty Anh đặt hàng khăn voan theo mẫu bán ở cửa hàng may mặc. Đó là hàng trôi nổi nên chúng tôi không tìm ra nguồn gốc. Sau vài cuộc hội ý, chúng tôi được lệnh sếp bảo đi Trung Quốc tìm nguồn hàng. Chuyến đi kéo dài khoảng 2 tuần. Tôi và Thanh, một cô bạn đồng nghiệp, đi máy bay ra Hà Nội, ở lại một đêm, buổi sáng hôm sau đi xe đò lên Lạng Sơn, trưa đến nơi thì phải vội vã xin giấy thông hành tại Lạng Sơn cho kịp đi Trung Quốc trong ngày. Thanh làm những chuyện này rất nhanh nhẹn vì cô nàng đã đi chuyến trước cách đây một tháng rồi. Khi có giấy thông hành, chúng tôi gọi xe ra cửa khẩu Hữu Nghị. Làm thủ tục xuất cảnh xong ở cửa khẩu Việt Nam, chúng tôi đi bộ sang cửa khẩu Trung Quốc. Ngày hôm ấy mát trời, vị trí cửa khẩu hai nước nằm ở ven rừng nên vừa đi chúng tôi vừa được nghe chim rừng hót. Xa xa đã thấy Hữu Nghị Quan với bức tường thành kiên cố.
Đường lên cửa khẩu Hữu Nghị

Hữu Nghị Quan

Làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi ra khỏi cửa. Có rất nhiều xe taxi đậu ở bãi chờ và các gánh hàng rong tụ tập bên ngoài. Chỉ mới bước chân qua cửa khẩu là đã thấy khác. Khung cảnh khác. Con người khác. Rõ nét nhất là qua cách ăn mặc. Tôi thấy mọi người nhất là các bà các cô cứ nhìn chằm chằm xuống chân tôi và cười cười nói với nhau cái gì đó làm tôi hơi khó chịu. Nhìn lại, dường như họ thấy tôi mang giày có quai gót thấp, để chân trần. Còn tất cả họ đều mang giày kín chân có tất. Tôi thắc mắc, điều đó là do thói quen vì khí hậu lạnh họ phải mang cho ấm chân hay do ảnh hưởng từ phong tục bó chân ngày xưa? Có lẽ cả hai lý do, vì sau đó đi đến đâu tôi cũng bị những ánh mắt nhìn xuống hai bàn chân của mình, cười như thấy chúng tôi … không giống ai, biết không phải là người địa phương!
Chúng tôi tìm xe về nhà Chế Hòa ở tỉnh Bằng Tường. Đấy là một phụ nữ Trung Quốc mà Thanh đã quen từ chuyến đi trước cách đó vài tháng. Tiếc là ngày xưa học Hán văn tôi chỉ được học viết, không học nói, mà đã lâu trả hết chữ cho thầy nên nay khi dùng tiếng Anh các tài xế taxi không hiểu chúng tôi muốn gì. Thanh, người bạn đi cùng tôi giỏi tiếng Anh và Nhật, gắng sức diễn tả nơi chúng tôi muốn về bằng vài tiếng Tàu học được từ chuyến đi trước. Vẫn không ai hiểu dù chúng tôi có đưa cả sơ đồ vẽ tay bằng tiếng Việt! Đang ngao ngán nhìn quanh quất không biết làm thế nào thì có một phụ nữ người bản xứ bán hàng ở cửa khẩu biết chút ít tiếng Việt chen vào giúp đỡ. Chị bán hàng rong trở thành phiên dịch bất đắc dĩ của chúng tôi, lúc này càng thấy qua nước người, hiểu và nói được ngôn ngữ của người ta quan trọng đến chừng nào! Chúng tôi cảm ơn chị rồi lên xe.
Bắt đầu chiêm ngưỡng cảnh quan Trung Quốc. Đầu tiên là cảnh đồng quê. Những ngôi nhà vách đất tường khá cao và dày, cửa sổ nhỏ xíu, có lẽ vào mùa đông lạnh quá nên họ phải xây nhà kiểu như vậy cho ấm hơn. Trên đường vài người nông dân đầu đội nón mê, dắt trâu đi. Không biết ở đây loài trâu có cùng một loại như thế không, nhưng những con trâu tôi nhìn thấy là loại trâu tôi thường thấy trong tranh Tàu, thuộc loại trâu cộ, mình thô, đen bóng, giữa hai sừng có xoáy màu đen sậm. Cây cối thì nhiều loại, nhưng nhiều hơn hết vẫn là những rừng trúc và liễu rủ thơ mộng bên sông.
Đường đi bắt đầu quanh co theo triền núi. Trước mặt chúng tôi là một con sông rất lớn tưởng chừng như xe đang lao xuống vực và bên dưới là một lòng sông rộng. Qua đèo, bên trái là con sông lớn đổ ra biển, bên phải là núi non trùng trùng. Tôi nhận ra khi từ miền Nam đi dần về phía Bắc, hình thù những ngọn núi dần khác đi.  Qua đến Trung Quốc, sự khác biệt càng rõ rệt. Núi thấp và tròn. Người ta bảo đó là núi già. Không sao nói được cảm xúc của tôi lúc đó. Ôi đúng là "sơn thủy hữu tình", đẹp như một bức tranh mênh mông không giới hạn mà khó có tay cọ nào có thể diễn tả hết được vẻ đẹp thiên nhiên như thế này. Tôi thầm nghĩ, cảnh đẹp như thế thảo nào mà họa sĩ Tàu vẽ tranh thủy mặc quá đẹp!



Non xanh nước biếc như tranh họa đồ


Sau quãng đường đèo dài đầy ắp cảnh đẹp nguyên sơ của núi non và sông nước, Bằng Tường hiện ra trong cảnh quan của một thành phố mới đang xây dựng. Đây là một thị xã thuộc thành phố cấp địa khu Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Quảng Tây là vùng núi, đỉnh núi cao nhất là Miêu Nhi Sơn, thuộc dãy Việt Thành Lĩnh, nhánh ngắn của Nam Lĩnh, cao đến 2.241 m. Có nhiều con sông cắt ngang qua các dãy núi tạo thành các thung lũng. Hầu hết các con sông này đều thuộc lưu vực sông Tây Giang. Vì vậy mà chúng tôi trên đường đi chỉ thấy toàn sông nước và đồi núi nhấp nhô xa xa nhạt nhòa trong màn sương mù càng tăng thêm vẻ kỳ ảo.
Chế Hòa ở trong một ngôi nhà 3 tầng nằm trong dãy phố đang được xây cất theo mô hình kiến trúc giống nhau. Trước nhà có treo hai chiếc đèn lồng đỏ lớn. Bộ salon trong phòng khách bằng gỗ chạm trổ rồng phượng rất quen mắt. Tôi hỏi bộ bàn ghế này được mua ở đâu, chị bảo thợ Việt Nam làm. Đa số hàng trang trí nội thất ở đây đều mua từ Việt Nam. Thời gian này có nhiều làng gỗ chạm ở miền Bắc như làng Đồng Kỵ trở nên giàu có hơn trước hẳn vì nhu cầu hàng gỗ trang trí xuất khẩu rất lớn. Ngôi nhà còn rất mới và khá đẹp, của người chị chế Hòa đang làm ăn ở Thẩm Quyến và chúng tôi đang nhờ họ tìm nguồn hàng vải. Chế Hòa dành cho chúng tôi một căn phòng nhỏ trên lầu 3 trong thời gian chúng tôi lưu lại.

Dãy nhà phố Bằng Tường
Trước nhà Chế Hòa
Buổi sáng chúng tôi theo chế Hòa ra chợ bằng xe lôi. Đường sá khá rộng rãi và vẫn còn đang trong thời kỳ quy hoạch. Có lẽ vài năm nữa khi trở lại nơi này sẽ lột xác hoàn toàn. Chợ ở đây cũng giống như chợ ở Việt Nam, tôi để ý đến khu bán đồ vàng mã rất đẹp với những tờ giấy tiền in màu công phu, thời điểm đó Việt Nam chưa có. Bánh trái và nhang đèn bày bán rất nhiều. Các chuyến xe lôi tấp nập ngược xuôi chở người đi tảo mộ chất đầy nhang đèn, bánh trái. Tôi sực nhớ ra bây giờ đang là tháng ba âm lịch, "Thanh Minh trong tiết tháng ba, Lễ là Tảo mộ hội là Đạp thanh"... những câu thơ Kiều văng vẳng bên tai. Tôi cảm thấy thú vị khi được đến vào mùa tết quan trọng của người dân bản xứ. Đối với Đài Loan, Hồng Kông hay Ma Cao thì tết Thanh Minh là ngày quốc lễ. Và nói đến Tết Thanh Minh là phải nói đến lễ tảo mộ, hội đạp thanh. Mọi người trong các gia đình sẽ cùng nhau đi viếng mộ người thân, và ai ai cũng sẵn lòng thắp một nén nhang trên các nấm mồ vô chủ. Còn hội Đạp thanh, từ Hán Việt nghĩa là giẫm lên cỏ, thì dành cho nam thanh nữ tú nhân dịp này đi du xuân, vì đây cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm với hình ảnh "Cỏ non xanh rợn chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"... mà trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã chọn làm thời điểm gặp gỡ của Kim Trọng và chị em Thúy Kiều, khởi đầu cho một mối tình định mệnh. Phong tục từ ngày xưa vẫn còn lưu lại ít nhiều đến ngày hôm nay.


Chợ Bằng Tường


Buổi sáng nào chế Hòa cũng dẫn chúng tôi ra chợ đi ăn sáng. Chế Hòa nói được tiếng Việt nên nhờ chị, chúng tôi đi đây đó cũng dễ dàng. Có nhiều món ngon quen thuộc như há cảo, bánh bao, bánh cuốn, đặc biệt phở không phải phở bò hay gà mà là phở vịt quay. Thoạt tiên ăn tôi thấy ngon, nhưng hôm sau ăn nữa lại thấy ngán, có lẽ vì mỡ vịt quay và dầu hào nhiều quá. Người Trung quốc rất chú trọng đến việc ăn uống tẩm bổ theo quan điểm của họ, không chỉ giai cấp thượng lưu mà người dân bình thường cũng thích ăn uống bổ dưỡng. Có hôm về đến nhà chị, vừa mở cửa đã nghe mùi thuốc bắc xông lên nồng nặc. Vào bếp thấy chồng chị đang lui hui trong bếp nấu một nồi to giò heo hầm thuốc bắc. Cái nồi này nếu ở nhà tôi có lẽ ăn phải mất đến cả tuần mới hết! Nhưng hầu như cứ 1, 2 ngày là anh ta làm một nồi. Và thường trong nhà luôn có nồi cháo đậu. Chưa kể bao nhiêu thứ bánh ngọt, trái cây tươi hay khô lúc nào cũng để sẵn trên bàn. Anh ta là người chồng thứ hai của chế Hòa, người tròn quay cục mịch nhưng tánh tình khá xởi lởi và nhiệt tình.
Chế Hòa là một phụ nữ hiền hậu, xinh đẹp. Chị có một đứa con gái với chồng trước và đứa bé đang sống với cha nó ở Long Châu, cũng thuộc tỉnh Quảng Tây. Một buổi sáng chị rủ chúng tôi đi thăm con gái. Chúng tôi lên xe đò đi, đến nơi ngồi chờ trước một con hẻm nhỏ, còn chị đi vào bên trong. Lát sau chị trở ra với một đứa bé gái trạc 5, 6 tuổi, mặt mày xinh xắn. Chị dẫn bé đi học. Chúng tôi cùng đi bộ đến cổng trường tiểu học gần đó. Cô bé vừa đi vừa ríu rít với mẹ như con chim non. Tôi nhìn hai mẹ con, cảm nhận được niềm hạnh phúc hiếm hoi khi thỉnh thoảng họ mới được gặp nhau. Trước cổng trường, chị ôm siết lấy con mà hôn, rồi lại dặn dò, ve vuốt một hồi lâu. Cô bé cũng quấn quýt không muốn rời mẹ. Trống trường vừa điểm, cô bé chào mẹ vào lớp. Nhìn theo đứa con gái bé bỏng lưng đeo ba lô lủi thủi đi vào trường, chị quay mặt đi dấu những giọt nước mắt.

Một góc phố Long Châu

Ngôi trường tiểu học và mẹ con chế Hòa


Chờ vải chuyển về khoảng một tuần. Trong những ngày này chế Hòa dẫn chúng tôi đi tham quan một vài điểm ở Bằng Tường và Long Châu. Những điểm tham quan này thuộc tỉnh xa nên còn rất hoang sơ. Thời đó muốn đi đâu cũng phải leo lên xe lôi hay xe đò nhỏ, phương tiện thô sơ. Chị nói nếu còn thời gian chúng tôi có thể đi Quế Lâm hoặc Nam Ninh - Quảng Tây, nơi có động Y Lĩnh lung linh huyền ảo mà bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng đã quay ở đó. Chị cũng có thể xin visa cho chúng tôi đi Bắc Kinh tham quan Vạn Lý Trường Thành. Nhưng không còn thời gian, chúng tôi phải về lại Sài gòn để thực hiện đơn hàng cho kịp giao và cũng vì đã đặt vé máy bay khứ hồi.

Ngọn núi phía sau nhà chế Hòa


Phố Bằng Tường năm 2003 và bản đồ quy hoạch

Cảnh đẹp thiên nhiên Quảng Tây


Thăm danh lam thắng cảnh Quảng Tây

Buổi sáng về lại Việt Nam, chúng tôi cám ơn sự nhiệt tình và lòng tốt của chế Hòa, mong có ngày chị qua Việt Nam. Chị rất quyến luyến cầm tay chúng tôi nói bằng thứ tiếng Việt hơi lơ lớ: "Các chị dễ thương, Hòa rất thích. Người Trung quốc thích làm việc với những người tử tế, có chữ tín. Hồi đó người Trung quốc thích buôn bán với người Việt Nam, nhưng nay ít hơn "...  Chị bịn rịn không muốn rời, cứ dặn đi dặn lại là phải trở lại Trung Quốc chơi lần sau.
Trở về lại Việt Nam, hành lý của chúng tôi bây giờ gồm có 6 va ly. Chế Hòa nói chúng tôi cứ về Lạng Sơn trước rồi chị tìm cách gửi hàng về sau vì sợ không đem được nhiều hành lý quá và thời gian này hải quan kiểm soát rất nghiêm nhặt. Chúng tôi đành đi qua cửa khẩu chỉ với túi hành lý nhỏ. Đúng như chế Hòa lo sợ, lúc qua cửa khẩu Trung quốc, hải quan xét hành lý rất kỹ. Một nhân viên hải quan nói với tôi một tràng tiếng Hoa. Tôi nói bằng tiếng Anh rằng tôi không hiểu. Anh ta lại làm thêm một tràng nữa trong đó loáng thoáng có chữ "visa". Tôi liền đưa giấy thông hành ra. Anh ta xét hành lý của tôi không thấy gì, định cho qua thì bỗng ngăn lại, chụp lấy cuốn truyện trong xách tay của tôi, rồi lật từng trang như muốn tìm xem tôi có dấu vật cấm gì trong đó không. Cuối cùng không tìm thấy gì anh ta mới khoác tay bảo tôi qua.
Qua khỏi cửa khẩu Việt Nam, chúng tôi gọi taxi về Lạng Sơn. Anh tài xế taxi trẻ nhìn chúng tôi và hỏi :"Các chị từ Sài gòn ra à? Đi du lịch à?" Tôi hỏi "Phải, sao anh biết?" Anh ta nói :"Vì trông các chị .. khác dân buôn lắm". Tôi hỏi lại:"Khác là khác thế nào?" Anh ta trả lời: "Các bà đi buôn từ Nam ra, người nào cũng đeo vàng đầy tay đầy cổ"... Chúng tôi chỉ cười không nói gì.

Đường về Lạng Sơn
Phố Lạng Sơn

Chúng tôi lưu lại Lạng Sơn một ngày. Đúng ra hôm ấy phải về lại Hà Nội rồi sáng hôm sau ra sân bay về lại Sài gòn, nhưng vì hàng chưa có chúng tôi phải chờ. Thanh vội vã chạy ra phòng vé xin hoãn lại ngày về nhưng không được, chúng tôi bắt đầu như ngồi trên đống lửa. Suốt buổi sáng 2 đứa cứ lòng vòng quanh chợ Lạng Sơn và Thanh cố tìm người quen để nhờ vả làm sao đem được hàng về sớm hơn. Ghé một hàng quán ăn trưa, lại cũng có món vịt quay. Có vẻ như vì gần biên giới Trung quốc nên dân Lạng Sơn cũng ảnh hưởng nhiều hơn các vùng khác trong nước. Ngay cả món vịt quay, da giòn và hương vị đậm đà, tôi cũng thấy ngon hơn ở Sài gòn. Tối hôm ấy một người bạn trai quen Thanh lần trước rủ chúng tôi đi thử discothèque Lạng Sơn cho biết và cũng đỡ buồn, vì buổi tối phố Lạng Sơn rất vắng vẻ. Khuya về đến khách sạn, hai đứa cũng không ngủ được vì sốt ruột. Thiếp đi một lát thì có tiếng điện thoại reo. Một người quen của chế Hòa gọi Thanh đi ngay Đồng Đăng nhận hàng. Lúc đó gần 5 g sáng.
Chúng tôi vội rời khách sạn, gọi taxi đi Đồng Đăng. Thanh ngồi trong xe, mặt mày căng thẳng vì sợ trễ giờ về lại Sài Gòn, lại thêm sợ hàng trục trặc không gửi về kịp, sợ hàng mất. Tôi thì không mấy lo lắng vì nghĩ có lo cũng chẳng làm thế nào được, lại thêm cứ cảm thấy mong ngóng một điều khác khi bên tai luôn văng vẳng "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh"...
Làm sao mà không mong ngóng khi tôi đang ở một nơi có nhiều địa danh nổi tiếng trong ca dao! Đâu phải mà dễ lạc đến nơi này? Tôi hỏi anh tài xế rằng nay còn phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị nữa hay không. Anh nói "Phố Kỳ Lừa, động Tam Thanh thì còn, nhưng nàng Tô Thị đã bị sụp đổ vào năm 1991!"... Tôi thở ra thất vọng. Vậy là tiêu tan dấu tích về một truyền thuyết nàng chinh phụ bồng con chờ chồng mỏi mòn đến hóa đá! Vậy là nàng Tô Thị, nhân vật nữ chính trong bao nhiêu thi ca, bài hát về Hòn Vọng Phu, nay đã chết. Sau này nghe nói người ta đã làm một bức tượng nàng Tô Thị bằng xi măng để thay cho tượng đá, tuy nhiên có lẽ linh hồn tượng đá của nàng cũng đã biến mất cùng với truyền thuyết rồi!
Đến thị trấn Đồng Đăng lúc 6 g sáng. Hàng vẫn chưa về. Tôi nói với Thanh là cố gắng làm thế nào để về kịp sân bay Nội Bài trước giờ bay 11.30 g. Chúng tôi nhẩm tính, nếu rời Lạng Sơn lúc 8 g thì về đến Hà Nội lúc 11 g trưa vẫn còn kịp. 7 g hàng về đến nơi thì gọi xe không được. Chờ mãi, lúc có một xe đến, Thanh đi trước để gửi bớt hàng ở một chuyến bay khác giờ đem về sau, và cũng vì hàng đến 6 cái va ly nhiều quá không nhét hết vào 1 xe được. Còn lại tôi chờ lâu quá nên phải gọi 3 xe honda "ôm" chở tôi và 3 cái va ly đi ngược lên cửa khẩu đón xe. Đi đến cửa khẩu thì xa, họ bảo tôi dừng lại đứng chờ bên đường đèo, khoảng 15 - 20 phút gì đó sẽ có xe du lịch về. Lúc đó mới thấy sao mình liều lĩnh quá khi đã theo những người xa lạ đến một chỗ hoang vu! Con đường đèo dẫn đến cửa khẩu vắng ngắt không một bóng người, bên là vực sâu bên là núi đá chỉ có một mình tôi với .. 3 gã đàn ông xa lạ và 3 cái va ly! Kiểu này gặp kẻ gian đập cho một cái rồi xô xuống vực sâu dưới kia để lấy hàng thì đâu còn mình nữa! Tôi nhớ lại câu chuyện Thanh kể trong chuyến đi trước, Thanh cũng đã phải lâm vào một tình huống gay cấn, suốt tuần không liên lạc được về công ty do phải ở lại một vùng núi xa xôi thiếu phương tiện. Đoàn người đi cùng lại chia ra ở nhiều nhà, Thanh phải ở cùng nhà với một người đàn ông. Thời gian đó đã có phong phanh những chuyện phụ nữ Việt Nam bị lừa đưa qua Trung Quốc bán. Thanh kể lại: “Sợ quá, đêm đó em không ngủ được, phòng lại không có khóa, em phải kê nhiều cái ghế, lôi cả một cái tủ nhỏ chèn ngay cửa ra vào!” May mà không có chuyện gì đã xảy ra!
Tuy có hơi run trong bụng nhưng ngoài mặt tôi vẫn gắng giữ bình tĩnh. Nửa giờ đứng chờ xe là cả … một thế kỷ đằng đẵng đối với tôi! May sao họ là những người tử tế. Thấy chờ mãi không có xe về, họ bàn nhau chở tôi về lại Đồng Đăng, giúp tìm cách liên lạc với xe và cuối cùng tôi rời Đồng Đăng lúc 8 g đúng. Chiếc taxi phóng như bay trên đường. Tôi chợt nhớ đến lời anh tài xế taxi ở cửa khẩu "Trông chị không phải con buôn", thảo nào khi xe chạy ngang qua nhiều trạm kiểm soát, xe tôi đi không bị công an chận lại xét trong khi rất nhiều xe khác đang dừng chờ kiểm tra, và chờ là chúng tôi sẽ trễ máy bay ngay lập tức. Hôm ấy lại là một ngày gần cuối tháng 4, việc kiểm soát trên đường càng thêm nghiêm nhặt. Tôi thấy trên đường mặt mày ai nấy đều lộ rõ sự căng thẳng lo lắng.
Vậy mà khi xe chạy ngang qua Bắc Ninh, từ radio vô tình bài hát quan họ đã cất lên "Người ơi người ở đừng về! Người về em vẫn khóc thầm, Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa "... Tôi lại mơ màng đến những hội hè vùng Kinh Bắc và những lứa đôi hát quan họ mượt mà, những thiếu nữ áo tứ thân, quần lĩnh nón quai thao ngày xưa!
Dù đang trong hoàn cảnh nín thở chạy đua cùng thời gian hết sức ngặt, tôi cũng đã cố ngoái nhìn ra bên ngoài ngắm nhìn phong cảnh miền Bắc. Có nhiều hình ảnh khá quen thuộc, hình như do tôi đã được xem nhiều trong phim ảnh. Những cánh đồng, đập nước, bờ đê, mái tranh, con đường làng. Lúc đó tôi đã ước gì tôi có thể vất hết hàng hóa, hủy chuyến bay để lưu lại Bắc Ninh thăm xứ sở quan họ này một vài hôm. Trong lúc tôi mơ màng, anh tài xế taxi vẫn nhiệt tình cắm đầu cắm cổ lái xe không nói tiếng nào, cũng không ngừng dọc đường uống nước (mà tôi cũng không dám mời!). Sau cùng tôi gặp lại Thanh ở  đoạn đường gần Hà Nội nhưng vẫn phải đến hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được sân bay Nội Bài. Thanh thúc hối liên tục "Anh ơi, nhanh lên nhanh lên anh ơi!" Lúc đến nơi, đồng hồ chỉ 11:15g. Hai đứa tôi vừa kéo hành lý vừa chạy vào quầy vé, đúng lúc loa đang gọi tên. Thanh vừa chìa vé ra, cô nhân viên hãng máy bay trách "Sao các chị ra trễ thế? May suýt nữa là em hủy tên các chị rồi!"... Một vài khuôn mặt quay lại nhìn chúng tôi tỏ vẻ thất vọng, hẳn đó là những người sắp được thay thế chỗ hai chúng tôi. Thật hú vía! Tim chúng tôi như đứng lại trên suốt quãng đường dài vừa qua nay mới giãn ra, bắt nhịp đều trở lại. Lên đến phòng chờ tôi mới gọi điện thoại về công ty. Về đến nơi nghe kể lại câu chuyện, bà sếp giật mình "Nếu biết trước khó khăn nguy hiểm như vậy chị đã không để em đi! Lỡ có chuyện gì …"
Đó cũng là lần đầu tiên tôi cùng cô bạn nhỏ … diễn phim "hình sự". Và có lẽ cũng là lần cuối không bao giờ tôi dám ham vui tham gia như kiểu này nữa!

Hồ Tây - Hàng Châu trong sương mai

Vài năm sau đó tôi đã trở lại Trung Quốc, không đi phiêu lưu như lần đầu mà tham gia vào các đoàn du lịch để đến những thành phố khác như Thượng Hải, Hàng Châu và Tô Châu. Những chuyến đi này đầy ắp cổ tích, dã sử Trung Quốc rất hấp dẫn với những hồ Tây cùng truyền thuyết về Thanh Xà - Bạch Xà; Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài; với sự tích Nhạc Phi, Tô Đông Pha; chuyện tình Phạm Lãi và Tây Thi v.v… Và thú vị nhất là được tham quan Tống Thành ở Hàng Châu, hay phim trường Tam Quốc Chí ở Vô Tích. Lại thêm đang là mùa xuân, đâu đâu cũng thấy hoa, đẹp nhất là những vườn hoa đào thơ mộng bên hồ Tây hay trong phim trường Vô Tích. Có lẽ do ảnh hưởng văn hóa phương Bắc từ nhiều nguồn, sách truyện, phim ảnh và những năm học Việt Hán, khi đi du lịch Trung Quốc tôi cảm thấy có nhiều điểm quen thuộc như những gì tôi nhìn thấy đã nằm đâu đó từ rất lâu trong ký ức của mình. Từ những ngôi chùa cổ, bãi cỏ êm mượt, một loại cỏ rất lạ tôi thường thấy trong tranh Tàu, những pho tượng Thập bát La Hán, đến bài thơ Đường “Phong Kiều Dạ Bạc” nổi tiếng của nhà thơ Trương Kế được khắc ở Hàn Sơn Tự vùng Tô Châu:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

Dịch thơ:
Trăng tà tiếng qụa kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San” (1)

Hàn Sơn Tự

Cảnh Trung Quốc đẹp như tranh, văn hóa lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và nhiều mặt khác lại phong phú dồi dào, đối với tôi là sự hấp dẫn vô tận. Ở đây tôi chỉ chia xẻ với các bạn một chuyến phiêu lưu nhỏ của tôi trong những năm cũ, khi Trung Quốc chưa có quá nhiều đổi thay như ngày nay. Có chút gì đó nuối tiếc, vì tôi vẫn muốn đi đến nhiều thành phố khác của Trung Quốc hay viếng thăm lại cô bạn mà chúng tôi gọi là Chế Hòa. Cô bạn đáng yêu này, sau chuyến đi của tôi vài năm, cô có qua Việt Nam. Từ Lạng Sơn, cô gọi điện thoại cho tôi: “Chị Tâm ơi, Hòa nhớ chị! Hòa muốn gặp chị, làm sao bây giờ?” Lần đó tôi không gặp Chế Hòa, cho đến bây giờ, nhiều lúc nghĩ không biết cô bây giờ ra sao, con gái cô thế nào.
Chỉ còn là một kỷ niệm!

NGUYỄN DIỆU TÂM
·         Dịch thơ: Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867)

·         Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

(*) Xem thêm hình ảnh trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh
http://www.youtube.com/watch?v=cuVRldiBlQc
Và tiếng hát Thu Hiền trong "Người ở đừng về":
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=IovY3kHLZY