Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

MAI CHÂU MÙA EM THƠM NẾP XÔI
Khi chọn chuyến đi qua 6 tỉnh Tây Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái mùa thu năm nay, trong lòng tôi những câu thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng lại ngân vang như tiếng chuông vọng về từ ký ức đẹp nào đã xa, mênh mang, tha thiết, bi tráng và kiêu hùng ... với những địa danh lịch sử từng gắn liền với đoàn binh Tây Tiến như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Mộc Châu... Đây là bài thơ mà bao nhiêu con người từ thế hệ cha ông chúng ta đã yêu mến đến thế hệ chúng ta từng say mê những câu thơ tuyệt đẹp nhưng đã mấy ai được diễm phúc đặt chân đến: "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" (*) Từ phi trường Nội Bài - Hà Nội, chuyến xe đã đi qua những ngọn đèo ngoằn ngoèo hiểm trở, những dòng sông, con suối, thung lũng, núi rừng chập chùng và cả những con phố, bản làng ... đến thị xã Hòa Bình, đi tiếp 60 km là đến thị trấn Mai Châu. Đây là một địa danh mà năm xưa đoàn quân Tây Tiến đã sống và chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều người đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đang độ xuân xanh. Hiện nơi đây có 130 ngôi mộ vô danh của chiến sĩ Tây Tiến nằm trong khu nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn. Qua ngọn đèo Thung Khe dài 15 km có lúc như lẫn vào mây trắng đang bay. Vượt con dốc Thung Chuối nhìn xuống là thung lũng Mai Châu tuyệt đẹp như một bức tranh. Thấp thoáng sau những rừng cây, những bờ bãi lau sậy bạt ngàn, thoắt ẩn thoắt hiện những mái nhà nhấp nhô trong các bản làng nằm trải dài bên con suối hay chấm phá theo những triền núi xanh ngắt cỏ cây, thỉnh thoảng từ trên núi đá cao rơi xuống ngọn thác nhỏ mong manh như những dải lụa mềm. Sương mù hay mây trắng cứ quẩn quanh trên đỉnh núi, chốc lát lại tan đi nhường cho nắng vàng mùa thu. Dưới thung lũng Mai Châu này có nhiều dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Thái và Mường, trong đó người Thái trắng chiếm đa số. Có 2 bản của người Thái trắng là bản Lác và bản Pom Coọng sản xuất khăn piêu, áo váy ... bằng thổ cẩm, cùng những đặc sản là rượu cần làm bằng lúa nếp, lá hính ho, mèo, gừng... và cơm lam Mai Châu. Không khí nơi đây mát mẻ, trong lành. Có đi qua đây mới thấy được những hình ảnh trong bài thơ, những "hồn lau e ấp nẻo bến bờ", "dáng người trên độc mộc", "dòng nước lũ hoa đong đưa", hay hình ảnh những "em xiêm áo", "khèn lên man điệu nàng e ấp"... Từ trung tâm huyện Mai Châu đi thêm 14 km sẽ đến Mường Hịch (nay là xã Mai Hịch). Nơi đây từng đặt trụ sở chỉ huy mặt trận, là nơi đóng quân, củng cố lực lượng của Trung đoàn 52 Tây Tiến trong thời kỳ đầu thành lập. Khi xưa Mường Hịch là rừng rậm, cọp, beo về quấy nhiễu liên tục nên nhà nào cũng phải làm thật cao, cắm chông dày đặc xung quanh. Vì vậy mới có hình ảnh "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người" trong bài thơ Tây Tiến. "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"...(*) Qua hết ngọn đèo là đến Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Tỉnh này có 3 cửa khẩu với Lào là Chiềng Khương, Cửa khẩu Lóng Sập và Nà Cài. Có lẽ vì vậy mà trong bài thơ có câu "Khèn lên man điệu nàng e ấp, Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ". Sơn La có 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã. Cùng với Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La là mái nhà của đồng bằng Bắc Bộ. Cũng như Mai Châu, Mộc Châu có nhiều dân tộc nhưng người Thái vẫn chiếm đa số và nơi đây là địa bàn sinh sống của người Thái đen. Chuyến xe đưa chúng tôi đi dọc theo suốt con sông Đà. Sông chảy sâu vào Đà Bắc (Hòa Bình) rồi lại dọc theo ranh giới Đà Bắc (phía bắc) với Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong (phía nam). Phong cảnh ngoạn mục tuyệt vời vô cùng nên thơ. "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi" (*) Trong số những địa danh nói trên trong bài thơ thì dòng sông Mã, đỉnh Sài Khao ở huyện Mường Lát, thuộc tỉnh Thanh Hóa (*). Từ đỉnh Sài Khao có thể nhìn thấy đỉnh Pha Luông hùng vĩ như trong câu thơ: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Chuyến đi của chúng tôi không đi qua khu vực này. Theo sites.google, huyện Mường Lát là một huyện xa xôi nhất của Thanh Hóa, phía Bắc giáp Sơn La. Bản Sài Khao cách huyện Mường Lát khoảng 30 km, núi non hiểm trở, mây mù quanh năm bao phủ. Vùng đất này đến nay vẫn lưu giữ những dấu tích mà bộ đội Tây Tiến đã để lại. Đó là những vườn bưởi trồng trên sườn núi, khu ruộng bậc thang và bờ đá kè suối. Những địa danh này trước đây thuộc bản Sài Khao, sau khi chia tách nay thuộc bản Trung Thắng, xã Mường Lý. Ngày nay khu ruộng này là vựa lương thực của đồng bào Mông. Bản Hin Pén (xã Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La), nằm trên sườn dãy núi Pha Luông, giáp với Lào. Dân tộc của bản là người Mông, di cư từ xã Tân Lập (Mộc Châu). 60 năm sau bài thơ Tây Tiến ra đời, hiện nay bản Hin Pén vẫn còn rất nghèo khó, giao thông không thuận tiện. Bài viết này chỉ nhằm mục đích cho các bạn tôi thấy được những cảnh đẹp quê hương, những địa điểm mà nhà thơ xứ Đoài - Quang Dũng đã nhắc đến trong nỗi nhớ Tây Tiến của ông và chúng tôi đã được đi qua, được nhìn thấy những "hồn lau", "sương lấp đoàn quân mỏi", "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", những "em xiêm áo", "khèn lên man điệu", "Châu Mộc chiều sương"... Và để hiểu hơn về những người lính trẻ Tây Tiến "Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu, anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành" (*) ... Nguyễn Diệu Tâm (*) TÂY TIẾN - Thơ Quang Dũng (1921-1988).