Tháng 12. Mùa cuối năm. Mùa Giáng
sinh. Tôi vẫn thích gọi đây là mùa Giáng sinh hơn mùa cuối năm, một phần vì cuối
năm của người Việt vẫn là tháng chạp, tháng chuẩn bị cho mùa Tết, nhưng rõ ràng
vào mùa này đi đến đâu, không chỉ ở những đất nước tận trời Âu rộn ràng cho mùa
lễ Giáng sinh mà ở Việt Nam cũng vậy, phố phường xôn xao mua bán, trang trí, nhất
là khi bạn vào khu xóm đạo nơi luôn có một ngôi giáo đường dù nhỏ hay lớn, cũng
sẽ thấy một bầu không khí trong sáng và thiêng liêng bao trùm. Những ngày còn
nhỏ, gia đình tôi sống nhiều năm ở nơi mà phần lớn là tín đồ đạo Phật nên đền
chùa rất nhiều, đến hàng trăm ngôi chùa trong đó có những ngôi cổ tự hơn 300
năm. Cách nhà tôi không xa lắm chỉ có một ngôi giáo đường, hàng năm khi mùa
Giáng sinh về nhà thờ thường trang trí nhiều đèn hoa rực rỡ, trong đó có một
hang đá Bê Lem lớn với tiểu cảnh Chúa sinh ra đời. Tôi thường chạy bộ đến đó
cùng ông anh, ngắm mải mê những tượng Thánh, Chúa, thiên thần trong hang đá.
Tôi thích những vì sao lớn lấp lánh, và dường như rất sáng trong đêm Noel… Cho
đến bây giờ, hàng năm đến mùa Giáng sinh, tôi cũng vẫn còn thích ngắm hang đá
và những vì sao sáng đó.
Có một điều gì đó đặc biệt hơn cả
với tôi trong năm là đi đâu đó xa nhà trong mùa Giáng sinh. Năm nay có một bất
ngờ khi tôi được gia nhập đoàn đi Gia Lai phát quà cho các trẻ em Tây nguyên. Vẫn
không biết trước chương trình sẽ đi đến đâu nhưng quả thật tôi không ngờ mình
được sống trong một không khí đúng nghĩa Giáng sinh hơn cả. 5 giờ sáng thức giấc
trong tiếng chuông nhà thờ đổ, tôi nhìn thấy một bầu trời với luồng ánh sáng
tinh khôi của một ngày mới. Chóp nhọn của nhà thờ vươn cao trên nền trời nơi
màu cam đỏ đang ửng dần lên. Và những vì sao sáng rực đằng đông, phía trên tháp
chuông và rừng thông, đẹp đến ngất ngây như một bức tranh.
Cùng với cha Hải, linh mục giáo xứ Hiếu Đức Pleiku, thưộc giáo phận Kontum, chúng tôi khởi hành đến làng Plơi Nu cho kịp giờ lễ sáng lúc 6:00 g. Đó là một “vương cung thánh đường” nhỏ bé ở một ngôi làng nghèo xa xôi, tuy rất nhỏ và đơn sơ nhưng vẫn toát lên vẻ nghiêm trang, uy nghi giữa núi rừng. Mái lợp bằng tôn, vẫn dựa theo cấu trúc của nhà thờ với mái nhọn và cao nhưng tô điểm, trang trí với những hoa văn J'rai. Chính giữa trên cao là tượng Chúa trên cây thập tự giá, hai bên là tượng thánh Giu Se và đức mẹ Maria. Tôi cũng chú ý đến một vài vòng hoa giấy kim tuyến đơn sơ quấn quanh một thanh tre đặt gần cửa sổ, nơi có một cây thánh giá chỉ là 2 mẩu gỗ ghép lại và một cái đinh đã mòn đóng giữa, có lẽ là trang trí cho mùa Giáng sinh của một người nghèo khổ nào đó có tấm lòng dâng lên Chúa.
Khi mặt trời vừa lên, từ trong bản
dân làng lần lượt đến nhà thờ. Họ cung kính cúi đầu chào cha Hải rồi những người
đàn ông lặng lẽ vào cửa ngồi phía bên phải, trên những chiếc chiếu trải dài dưới
đất. Phụ nữ bên trái, là bà lão lưng còng tay dắt đứa cháu nhỏ, những người đàn
bà rất trẻ địu con sau lưng và trẻ con cùng ngồi theo hàng ngang. Yên lặng và
trang trọng trong suốt hơn một tiếng đồng hồ đọc kinh, hát thánh ca và nghe cha
giảng đạo. Ngôn ngữ là tiếng Jrai.
Khi tan lễ, mọi người còn dừng lại tụ tập ngoài sân. Khuôn mặt họ hân hoan vui vẻ, đám trẻ con cũng thân thiện vì biết đoàn do cha xứ đưa đến, là “người quen” của cha. Những người phụ nữ được nhận mỗi người một sợi dây chuyền mặt thánh giá. Họ vui vẻ đeo cho nhau. Một bà lão mân mê mặt dây chuyền, tỏ vẻ xúc động. Bọn trẻ con thì mỗi đứa một gói bánh kẹo to. Già làng và vài người đàn ông đứng nói chuyện cùng cha Hải. Tôi nghe loáng thoáng tiếng già làng nói: “Có vài người không đến. Bảo đi họp, không đi”… Tôi nhớ đến ngôi nhà rông khá lớn và đẹp của làng, cách nhà thờ không xa, nghe nói đó là nhà rông do xã dựng lên cho bà con trong xã tụ tập theo truyền thống của người dân tộc. Nhưng dù là ngôi nhà rông khang trang, dân trong xã vẫn chưa có thói quen đến đó mỗi lần xã gọi họp. Còn hôm nay đến lễ ở nhà thờ dân làng khá đông, cũng gần trăm người.
Rời làng Plơi Nu, chúng tôi đi qua làng Plơi Ó ăn sáng. Nhà thờ nơi đây cũng do cha Hải thành lập và các soeurs phụ trách. Nhà thờ ở đây khang trang hơn, đẹp hơn bên Plơi Nu và có một bộ cồng chiêng. Một xơ (soeur) đang bế một bé gái 9 tháng tuổi có đôi mắt tròn xoe kháu khỉnh trên tay. Cha Hải cho biết đó là một đứa bé mồ côi nhà thờ đang nhận nuôi. Xơ nói cuối năm sẽ về Bắc và xơ đã xin cha Hải cho đem theo đứa bé về cùng. Hỏi chuyện xơ, tôi nghe được một câu chuyện thương tâm: Mẹ đứa bé là một người phụ nữ Gia Rai bị tâm thần. Mang thai hoang, làng họp bắt cô ta phải phá thai. Theo phong tục, người Gia Rai không đến bệnh viện mà người mẹ của cô gái sẽ tự bóp bụng con cho trụy thai. Trước đây, chính người mẹ ấy cũng đã mang thai hoang và bà ngoại cô gái đã bóp bụng con để trục thai. Không chết trong bụng mẹ, cô gái ra đời và mang di chứng từ đó, tâm thần và mù một con mắt. Thai đã 4 tháng, nhà thờ xin nhận về nuôi đứa bé từ lúc còn trong bụng mẹ. Ơn Chúa, đứa bé ra đời kháu khỉnh, linh hoạt. Xơ nâng niu ẵm bồng từ lúc mới sinh ra nên thương yêu như con đẻ. Xơ khoe “Bé có thể cầm dùi đánh chiêng rất giỏi đấy các bà ạ!” Nhìn cách xơ trìu mến nhìn bé, hôn và âu yếm bé, tôi xúc động quá. Đứa bé may mắn hơn mẹ nó nhiều khi được nhà thờ nuôi, có xơ yêu thương nhận nuôi dưỡng suốt đời. Hỏi xơ về số phận người mẹ điên, xơ bảo: “Nó có biết gì đâu! Lúc khóc lúc cười, bỏ đi đâu mất, có lần về lại nhà thờ, xơ đưa con bảo bế, nó vùng bỏ chạy, đi mất rồi”…
Chúng tôi được các xơ đãi món bún
riêu ăn sáng. Các xơ nấu rất ngon. Ngồi trên nhà sàn, cha Hải ôm bé vào lòng và
hỏi: “Chúa đâu con?” Con bé ngước lên nhìn vào mặt cha chăm chăm, đôi mắt trong
veo. Cha cười chỉ lên cây thánh giá trên tường bảo: “Chúa ở trên kia, không phải
ở đây!” Mọi người cùng cười. Ai cũng xúc động.
Đi loanh quanh trong làng, trong lúc tôi đi tìm chụp ảnh những bông hoa cà phê trắng ngần trong các vườn cà phê nơi đây, các bạn kể đã gặp một phụ nữ chưa đến tuổi 30 nhưng đã đẻ đến 9 đứa con. Cha Hải cho biết đó không phải là trường hợp duy nhất. Người dân tộc họ sống tự nhiên giữa núi rừng, cái ăn cái mặc mọi thứ đều đơn giản, đơn giản đến độ … không cần gì. Họ không biết phòng tránh thai. Cứ đẻ, “trời sinh voi sinh cỏ” thôi! Cha kể: “Họ nghèo lắm. Đến nhà thăm, họ bảo mời cha ở lại ăn cơm với chúng con. Không có một cái chén. Cơm bày ra dưới đất thì cứ lấy tay mà bốc. Cha hỏi cho cha cái ly uống nước, họ đưa cha trái bầu hồ lô khô”…
Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi còn
đi thăm ngôi làng JRai thứ ba, là làng Plơi Bô, và ăn trưa ở nhà cha Hải. Buổi
chiều ghé các làng Sê Đăng: Ealuh, K’Mông, Ku Tong. Điểm cuối là Vườn Mít, nơi
cha ở lúc ban đầu trước khi về nhà thờ Hiếu Đức ở phố Pleiku. Nhưng quen rồi,
cha thích ở trong làng hơn ngoài phố. Hàng ngày cha vẫn cọc cạch trên chiếc xe
gắn máy cũ đi từ làng về phố rồi đi qua các nhà thờ ở bản làng xa xôi khác để
làm lễ. Có đêm về khuya, đường vào nhà vắng tanh nơi khu dân cư còn thưa thớt,
qua một con suối bỗng thấy có hai mẹ con đứng bên đường. Đi qua rồi cha tự hỏi
ai mà đứng giữa rừng trong đêm khuya thế kia, quay lại thì không thấy họ nữa.
Sau đó mới nghe dân làng kể, đó là nơi có một người mẹ đau khổ đã ôm con nhảy
xuống suối tự tử mà chết.
Ở các làng chúng tôi đã đến đều có những điểm trường mầm non. Các nơi này tuy đơn sơ nhưng đều rất sạch sẽ và các cô bảo mẫu có khi vừa địu các cháu nhỏ trên lưng vừa chăm sóc các cháu lớn. Đứa thì tè hay ị ra quần, đứa đòi ẵm, đứa khóc la nhặng xị cả lên. Cũng như đa số các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hay Tây Bắc theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ cưới chồng về để giữ nhà. Ngoài chuyện sinh đẻ, người phụ nữ còn phải làm lụng cực khổ để nuôi gia đình. Họ lên rừng nhặt củi, ra nương rẫy trồng trọt, xuống suối bắt cá tôm, đi đâu cũng phải địu theo con nhỏ trên lưng. Thương đám trẻ phải dầm mưa dãi nắng theo mẹ ngoài đồng hay trong rừng sâu, cha Hải lập các điểm trường giữ trẻ. Các cô bảo mẫu cũng là người Gia Rai được đào tạo để chăm sóc các cháu. Các cháu sẽ ở trường suốt ngày, trưa được ăn và ngủ đúng giờ. Chiều cha mẹ các cháu đến đón về nhà. Hỏi kinh phí ở đâu để cha làm tất cả những việc này. Cha trả lời cha vẫn tự xoay sở là chính. Còn “học phí” của các cháu bé, thì phụ huynh muốn đóng góp ngô khoai, lúa gạo gì thì tùy hỷ, ai nghèo quá thì được miễn.
Trong suốt 12 năm sống ở Tây Nguyên, cha Hải đã thành lập được 17 giáo điểm nhà thờ và 6 điểm trường mầm non để giữ trẻ. Đó là một kỳ tích. Theo tìm hiểu tôi thấy cha đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để có được thành quả như ngày nay. Người dân tộc không dễ tiếp cận. Tôi nghe nói nơi đâu họ đang sống, có người Kinh đến là họ bỏ đi. Họ vốn thật thà, không biết nói dối, không quanh co mưu mẹo lừa gạt ai. Có lẽ vì theo bản năng của một dân tộc mà ngày xưa vào cuối thế kỷ 15 từng một thời là tiểu quốc J'rai lẫy lừng nên họ đâm ra cảnh giác, muốn sống riêng rẽ để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng một khi đã làm cho họ tin tưởng rồi thì họ rất chân thành và cởi mở. Khi đi qua những đoạn đường đèo hiểm trở, nhìn xuống thung lũng sâu hút bên dưới, thường thấy những mái nhà nhấp nhô của những bản làng người dân tộc, bao quanh một cái hồ, hay một dòng suối nào đó. Họ sống như thế, lặng lẽ và đơn giản với thiên nhiên, rừng núi, đơn sơ như bản chất tự nhiên của họ. Rất ít người biết tiếng Việt. Vì vậy, ngoài những ngôn ngữ cha đã học như tiếng La tinh, Pháp và Anh, cha còn lặn lội học thêm tiếng Gia Rai (J'rai) và Sê Đăng (Sedang) để đến với họ.
Thấy cha đi đâu cũng chỉ sử dụng chiếc xe gắn máy cũ, chúng tôi hỏi sao cha không đi bằng xe hơi cho an toàn vì đường xá quá xa xôi, hiểm trở và nhiều nơi còn rừng rú hoang vắng, cha trả lời: “Đến với người nghèo mình phải và nên như thế”. Hơn nữa, đường vào các bản làng xa xôi thường là xuyên qua rừng, rất khó đi nên phương tiện của các cha dòng thánh Phanxico (Francisco) mà tôi gặp trong lúc đến thăm các nhà thờ cũng chỉ là chiếc xe gắn máy cũ. Khi đến nhà thờ lớn và đẹp nhất ở xứ đạo làng Sê Đăng, lúc mời đoàn uống trà, cha xứ cho biết hôm nay vừa đi vào một bản rất xa để làm lễ sáng, khi về cha và thầy phó tế lạc đường, loanh quanh trong rừng sâu hơn 3 tiếng đồng hồ mới tìm được lối ra đường cái. Tổng cộng gần 7 tiếng đồng hồ để đến bản ấy. Chúng tôi lo âu nhìn cha hỏi nếu vậy thì mất nhiều thì giờ quá và sẽ trễ nãi những công việc khác cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe các cha. Cha chỉ cười không nói.
Ngoài 6 điểm trường mầm non, cha
Hải còn xây thêm phòng ở nhà thờ Hiếu Đức nuôi dạy khoảng 50 cháu người Gia
Rai, Sê Đăng ăn học cho đến lớp 12. Các cháu đi học trường nhà nước và về ở
đây, cùng nấu cơm và tự dọn dẹp lấy. Từ phòng ăn, phòng khách, các phòng ngủ,
nhà bếp, sân vườn, tất cả đều sạch sẽ tươm tất. Chúng tôi đã ở 3 đêm tại nhà thờ,
không thể tin nổi là chỉ có cha Hải và một thầy quản lý tất cả. Một bầu không
khí năng động vui vẻ nơi đây. Đêm nào tôi cũng thấy sau khi ăn cơm, các cháu tập
múa hát trước sân chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh. Đám trẻ con trong giáo xứ
chơi đùa trong sân, dưới ánh sáng của những ngọn đèn từ khu vườn tượng Đức mẹ
và từ những cây thông cao trong sân.
Chỉ nhìn những nhà thờ trong làng đã đi thăm, những ngôi trường cha Hải đã gầy dựng, sinh hoạt của các con em Gia Rai nơi đây, chúng tôi cũng hiểu được những gian khổ cha đã trải qua. Trong góc sân sau của khuôn viên nhà thờ, có một “bảo tàng dân tộc” nhỏ. Khi vào tham quan tôi rất xúc động. Nơi đây cha gìn giữ những kỷ vật mà dân làng vì yêu quý cha mà đem đến tặng người. Từ những cái hũ, bình gốm, các tượng nhỏ mô phỏng tượng nhà mồ, những nông cụ họ dùng trong công việc đồng áng, còn có một tủ cha cất giữ các “bùa phép” mà người Gia Rai khi vào đạo đã tình nguyện đem đến nhờ cha giúp “diệt” dùm, vì “chúng con không làm được”, đó là những cái hũ đựng ngãi mà “khi bỏ một con gà vào nó cũng tự tiêu ra thành nước” v.v…
Trong góc phòng, có một cái quan
tài mà dân làng đã yêu quý tặng cha Hải. Quan tài bằng gỗ được bào láng khá đẹp,
dài 3 m, ngang hơn 3 tấc, giữa khoét một lỗ dài chỉ rộng chừng gang tay. Nhìn
thì thấy … ghê ghê nhưng thật cảm động khi vào “bảo tàng” nhỏ bé này ai cũng nhận
ra tình cảm yêu quý chân thành dân làng dành cho cha. Và đó chính là tình yêu
và hạnh phúc đã giữ cha ở lại với họ.
Đêm cuối trước khi rời Pleiku, tôi cũng đứng lặng nhìn những ngôi sao trên trời một lần nữa như trước khi đến. Bầu trời cao nguyên trong vắt. Có một vầng trăng non mỏng như chiếc lưỡi liềm vắt qua trời bên cạnh những vì sao long lanh trong đó có một vì sao sáng lạ thường. Tôi bỗng nhớ đến ngôi sao sáng đã dẫn ba Vua đến hang Bê Lem trong đêm Chúa sinh ra đời…
Tháng 12- 2017
Nguyễn Diệu Tâm
Những Vì Sao Đêm Giáng Sinh I.:
https://www.facebook.com/ ngdieutam/posts/ 1648731631857260
https://www.facebook.com/