Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

QUẢNG BÌNH, TRONG MÙA TRĂNG THÁNG BẢY



Những ngày đầu tháng 9- 2017, nhằm vào mùa Vu Lan, ngay sau ngày 16 âm lịch, cùng với Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng (CTVCĐ) và Hiểu & Thương (H&T) chúng tôi lại lên đường về miền Trung.  Vào mùa thu năm ngoái cũng vào tháng 9 là chuyến đi khánh thành nhà bán trú trường PTCS Dân tộc Trà Thanh ở huyện Tây Trà, một huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi, thì năm nay chúng tôi về khánh thành điểm trường Hưng trường mầm non số 1 Xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình.
Buổi chiều ngày 7/9, đáp máy bay Vietnam Airlines khởi hành 6:00 pm từ Sài Gòn và đến Đà Nẵng sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi dùng cơm tại Đà Nẵng rồi đi ngay ra Huế lúc 8 giờ tối. Dừng chân ở Huế lúc nửa đêm, chờ xe đi Quảng Bình 2 tiếng đồng hồ, đoàn đã có một đêm không ngủ ngắm trăng khuya tháng 7 bên bờ sông Hương. Đến Huế nhiều lần, với tôi đây là lần đầu tiên được lang thang trên cầu Trường Tiền lúc nửa đêm, ăn bún bò Huế và chè khuya dưới chân cầu, được bất ngờ chứng kiến một không khí mua bán nhộn nhịp nơi đây nửa đêm về sáng. 

Điểm trường Xuân Nam, Trường Mầm non Hoa Thủy, xã Hoa Thủy, Lệ Thủy

5 giờ sáng đến Quảng Bình, khi mặt trời chưa lên và vầng trăng khuya vẫn còn vương vấn chưa tàn trên bầu trời ửng hồng có nhiều mây bay qua. Ngày đầu tiên của chuyến đi đoàn chúng tôi đã đi thăm và trao tặng sách, dụng cụ học tập ở điểm trường Xuân Nam trường Mầm non Hoa Thủy, xã Hoa Thủy huyện Lệ Thủy và trường Mầm non Hưng Thủy xã Hưng Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông bà, cha mẹ các cháu là nông dân trong huyện, hàng ngày đầu tắt mặt tối làm lụng nuôi gia đình nên các em cần một nơi bán trú như ở đây, được các cô giáo dạy dỗ chăm sóc. Xã đã hỗ trợ cho các em hơn 70% của số tiền học phí khoảng 110 ngàn đồng/tháng. Ở điểm trường Mầm non Hoa Thủy, chúng tôi chú ý có một bé gái, gầy gò và rất nhỏ so với bạn bè đồng trang lứa. Cô giáo cho biết cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam đã 3 đời từ thời ông nội. Cháu không phát triển được như các bạn, nhưng cũng phải đến trường để được hòa nhập vào cuộc sống.

Trường Mầm non Hưng Thủy, xã Hưng Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Rời Lệ Thủy, xe đưa chúng tôi đi Trọng Hóa sau khi ghé Phong Nha, huyện Bố Trạch dùng cơm trưa. Đoạn đường từ đây đi bản Hưng mất hơn 3 tiếng đồng hồ, đường đi gian nan vì phải vượt đèo. Xe đi qua đèo Đá Đẽo, biên giới Lào – Việt Nam, trên con đường Trường Sơn năm xưa, nơi đã có không biết bao nhiêu con người đã chết mà nay hồn thiêng vẫn còn vất vưởng đâu đây. Cái tên đèo Đá Đẽo đã hình thành từ việc những người đi đầu vượt tuyến phải đẽo từng tảng đá vôi để xe đi qua cung đèo, giữ thông suốt huyết mạch giao thông.
Đoạn đèo dài 17 km quanh co ngoằn ngoèo hiểm trở, ngày xưa bom đạn cày nát nghe nói cây cỏ còn sống không nổi, nay đã là rừng xanh bạt ngàn, có những con suối dòng thác chảy mãi về cửa sông. Dưới ánh nắng trưa gay gắt, xe chúng tôi băng qua con đường rừng và đã đi nhầm đường phải quay trở lại. Càng lên cao, con đường lên miền núi càng hiểm trở, chỉ thấy rừng trùng trùng điệp điệp, những ngọn núi đá đục đẽo thành bậc thang, và đất sỏi khô cằn. Thỉnh thoảng thấp thoáng vài căn nhà sàn gỗ của người dân tộc Bru-Vân Kiều nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Chung quanh hoang vắng, nhưng cũng có một “cây xăng” nhỏ là một túp lều gỗ ở giữa rừng. Một người phụ nữ dân tộc thấy xe dừng hỏi đường, lật đật chạy vào trong lấy ra vài nải chuối rừng bày trên cái sạp trống rỗng.
Khoảng 4 giờ chiều chúng tôi đến bản Hưng. Cái bản làng nhỏ này ngày nay đã có một ngôi trường tiểu học khang trang. Có hơn 70 trẻ em đến tuổi vào mẫu giáo. Trước đây các em học tạm ở nhà cộng đồng của làng. Hội tình nguyện Chung Tay vì Cộng Đồng đã đi tìm hiểu nghiên cứu tình hình từ một năm nay, vận động mạnh thường quân chung tay đóng góp xây dựng tặng cho bản Hưng một ngôi trường mầm non gồm có 4 lớp học, 2 nhà vệ sinh và một sân chơi. Vì không có đất rộng trong bản, xã đã cho cắt một quả đồi để xây trường. Do thời gian nhiều người trong đoàn bận rộn không đến đúng dịp ngôi trường hoàn thành cần phải thêm vài ngày nữa mới xong, vì vậy khi chúng tôi đến, khoảng sân trường vẫn còn đang được tráng xi măng và các lớp học đang được thợ xây dựng tất bật sơn quét bên trong. 

Điểm trường Hưng, Trường Mầm non số 1 xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.

Đứng trên ngọn đồi cao nhìn xuống thung lũng hun hút thấy dòng sông Khe Rào lững lờ trôi qua những bờ đá sỏi bên dưới và chiếc cầu treo Ông Tú bắc qua con suối rộng 20 m như gọi mời chúng tôi đến thăm. Một thanh niên trong xã nói gì đó với trưởng đoàn của chúng tôi. Tiến Danh hăng hái đề nghị: “Chúng ta sẽ chia ra làm 2 nhóm: 1 nhóm vào bếp phụ các cô giáo lặt rau nấu nướng cho bữa ăn tối nay ở bản. Nhóm còn lại theo em trai này ra suối tắm rửa. Ai muốn ra suối nào?” Danh đánh trúng tim đen của nhóm tình nguyện thành thị, nghe đến tiếng “suối” là gần hết cả đoàn giơ tay lên. Trưởng đoàn nói tiếp: “Em trai này đang cần trồng 10 cây mít giữ đất cho sân trường mé sát dốc đồi, vậy đề nghị các cô chú anh chị trả phí cho em ấy dẫn đường xuống suối”. Mọi người đều hoan hỉ góp tiền để được xuống suối. Cuối cùng số tiền góp đủ để trồng 20 cây mít! Thế là vì lòng yêu thiên nhiên hơn ẩm thực đã lôi kéo 2/3 đoàn đi xuống suối. 

Nhà sàn gỗ của người dân tộc Bru-Vân Kiều bản Hưng.

Và kìa là chiếc cầu treo nối liền 2 bản Hưng và bản Ông Tú, được đặt tên là Cầu Khuyến học & Dân trí.
Có lẽ mọi người còn nhớ loạt bài báo Đại Đoàn Kết, Vnexpress viết vào tháng 9 -2011 về thảm cảnh “Học sinh miền núi bơi đến trường”. Đây là tình trạng của học trò vùng miền núi bản Ông Tú và Ka Oóc, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình. Hằng ngày để đến trường các em đều phải bơi qua sông Khe Rào nước sâu và chảy xiết vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Cách trung tâm xã Trọng Hóa chừng 7 km, bản Ông Tú có 20 hộ dân với 106 nhân khẩu, trong đó có 14 em đang học tiểu học. Bản Ka Óoc gần đó cũng có hơn chục em học tại trường THCS Trọng Hóa. Hai bản này cùng nằm bên kia sông Khe Rào (thượng nguồn sông Gianh), biệt lập với thế giới bên ngoài. Mỗi sáng các em phải thức dậy thật sớm vượt quãng đường đồi dốc xuống sông Khe Rào. Các em cho cặp sách, quần áo vào vào túi nylon rồi cùng bơi qua sông. Có em không mang theo bao nylon thì bơi một tay, tay còn lại giơ cao cặp sách lên đầu cho khỏi ướt. Vào mùa lũ, các em phải nghỉ học chừng một tháng vì nước sông Khe Rào chảy xiết, không thể bơi qua được. Các em đều sợ bơi qua sông, nhưng vì muốn học “cái chữ” nên phải cố vượt qua những đoạn nước sâu chảy xiết. Vào mùa đông giá buốt, nước sông cạn hơn nhưng cũng phải lội qua những chỗ nước sâu. Với các học sinh nam thì việc bơi qua đoạn sông rộng 20 m chỉ mất vài phút, nhưng với các em bé gái là cả một thử thách lớn. Có một số học sinh nhỏ học mẫu giáo tại bản, giáo viên từ nơi khác phải tìm cách qua sông để đến trường dạy. Xã cấp cho một chiếc thuyền thì vào mùa lũ, thuyền lại bị trôi mất. Kể từ ngày đó học sinh trong bản muốn đi học thì phải biết bơi để qua sông.

Cây cầu treo nối liền bản Hưng và bản Ông Tú

Tháng 10-2011 một cây cầu treo đã được xây dựng nơi đây bắc từ bản Hưng qua bản Ông Tú. Cầu có chiều rộng 2.7 m, dài 105 m với tổng trị giá 9.8 tỷ đồng (nguồn vốn của Chương trình 30a và bạn đọc Báo điện tử Dân trí đóng góp).
Từ con suối nhìn lên chiếc cầu treo chênh vênh, chúng tôi rất xúc động. Đẹp làm sao những tấm lòng vàng! Giữa núi rừng xanh thẳm vây quanh, dòng sông vắt qua như giải lụa mềm bên dưới, chiếc cầu treo vừa hùng vĩ và hiên ngang xiết bao. Bao nhiêu con người, các em nhỏ học sinh không còn phải bơi qua sông để đến trường, ra phố thị mua bán. Có chiếc cầu thông thương, mọi liên lạc dễ dàng hơn rất nhiều, hy vọng đời sống dân bản sẽ khá hơn, các em học sinh kiếm được con chữ đi vào tương lai tươi sáng hơn.

Người phụ nữ dân tộc bản Hưng đi rẫy về.

6 giờ chiều, sau khi làm lễ khánh thành trường Mầm non bản Hưng cùng với các đại diện huyện, xã, các thầy cô giáo, đoàn chúng tôi có một buổi ăn tối, giao lưu với người dân bản. Một bữa ăn đậm chất núi rừng với thịt heo rừng, gà rừng, măng rừng … Ở đây người ta không làm món cơm lam như người Ê Đê ở Daklak. Họ cũng nấu cơm, loại gạo dẻo như xôi. Cơm dọn ra giữa sân trường tiểu học và thực khách cùng ngồi xuống đất. Không có đèn bên những mâm cơm nên chúng tôi phải soi ánh sáng từ điện thoại. Ngó lên bầu trời, đêm nay trăng mọc muộn nhưng đã thấy rất nhiều vì sao nhấp nháy trên bầu trời. Sống ở thành phố đã lâu, đêm nay tôi cảm thấy mình như trở lại tuổi thơ ngày nào đêm thường nhìn lên trời đếm sao. Tôi tìm chùm sao Bắc đẩu và thấy cả sao Hôm. Sao nhiều quá trên nền trời đen thẫm như trong một bức ảnh nào đã chụp được giải Ngân hà. Một lát thì trăng lên cao, từ trên đỉnh núi. Trăng hôm nay đã già nên ánh trăng vàng hơn, nhưng thật là đẹp khi trăng chiếu xuống dòng suối. Những viên đá cuội có màu tím, màu bạc tha hồ lấp lánh. Tiếng suối róc rách. Vài cánh chim đêm vút bay lên cao. Hương hoa rừng thoang thoảng đâu đây…
Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của sư Giới Đức của Huyền Không Sơn thượng:
“Nghe đạo hương rừng theo gió đến,
Đọc thơ, trăng sáng vượt non về”…
Ôi, như một giấc mơ thần tiên!  

Bắt cá tôm trong dòng suối Khe Rào

9 giờ tối, chúng tôi về huyện Minh Hóa, nghỉ trong một khách sạn dưới chân núi. Sáng hôm sau thức dậy rất sớm để tiếp tục di chuyển qua huyện Quảng Trạch thăm mái ấm Hy Vọng Vincent, một cơ sở từ thiện của các nữ tu dòng Mến Thánh giá ở xã Quảng Phương. Đây là ngày thứ ba của cuộc hành trình, và cũng là ngày cuối của đoàn chúng tôi ở đất Quảng.
Quảng Bình là nơi hứng chịu nhiều hàng ngàn tấn bom đạn trong chiến tranh. Đến nay chiến tranh đã qua đi nhưng dư chấn và ảnh hưởng của nó vẫn còn ở lại với niềm đau thương dai dẳng không cùng. Năm 2007, mười nữ tu sĩ của nhà thờ xã Quảng Phương đã xin phép thành lập mái ấm để nuôi dưỡng hơn 70 cháu, trong đó có 12 cháu mồ côi,  61 cháu khuyết tật, bại não, thần kinh, bị ảnh hưởng chất độc da cam, bị cha mẹ bỏ rơi được các xơ đem về cưu mang chăm sóc. Để có tiền trang trải mọi chi phí trong việc nuôi dưỡng các cháu, các xơ đã sắp đặt vừa chăm sóc các cháu vừa làm ruộng, chăn nuôi vịt, gà… 

Mái ấm Hy vọng Vincent ở xã Quảng Phương, huyện Bố Trạch.

Chúng tôi đã từng đến một số trung tâm nuôi dưỡng các cháu khuyết tật nhưng có lẽ nơi đây tập trung nhiều hơn cả. Trong phòng, có 2 xơ đang ẵm vào lòng và đút cho 2 cháu ăn. Một cháu bị thần kinh ốm trơ xương nhỏ như một đứa bé 2 tuổi, hỏi xơ thì được biết cháu đã lên 9. Đôi mắt cháu có hàng lông mi cong vút, nước da trắng, không ai có thể ngờ cháu đã 9 tuổi. Một xơ chỉ cho tôi thấy hai cháu gái chừng 12, 13 tuổi đang đứng ngoài hành lang, có cháu đang bế một em nhỏ. Xơ nói: “Các cháu cũng bị thần kinh, nhìn thì thấy bình thường như vậy đó, nhưng dạy hoài vẫn không biết tự mặc áo quần”… Giữa phòng chờ của trung tâm, một số cháu đang ngồi trên xe lăn, trên khuôn mặt dại khờ nở những nụ cười ngu ngơ. Các xơ ở đây đều có trình độ  đại học và cao đẳng, tốt nghiệp ngành Công tác xã hội ở Đại học Quốc gia Tp HCM hoặc Đại học Y Dược Huế nên việc chăm sóc các cháu được tốt, phòng ốc đều thoáng mát sạch sẽ, vệ sinh.  

Trao quà cho Mái ấm Hy Vọng Vincent

Rời mái ấm Hy Vọng, mỗi người mang một nỗi niềm riêng nhưng cùng tâm trạng là chua xót trước những mảng đời bất hạnh. Khi thấy chúng tôi lên xe, các cháu dù không nhận thức được gì nhưng vẫn khóc đòi theo, có cháu vừa khóc vừa ôm chầm lấy các cô chú trong đoàn không chịu buông ra. Dù sao đi nữa, trong trái tim của mỗi con người được sinh ra đều có chỗ cho tình thương yêu, một thứ vô hình nhưng vô cùng quan trọng và cần thiết để sống trên đời này.
Đã vài lần đến Quảng Bình, với tôi đây là một vùng đất có nhiều màu sắc của cuộc sống nhất. Giữa một không gian mênh mông bao bọc bởi núi rừng, những ngọn núi già và hang động thạch nhũ kỳ ảo như thiên đường đã hình thành từ hàng triệu năm dọc theo dãy Trường Sơn như động Phong Nha, động Thiên Đường, Sơn Đòong và còn nhiều hang động khác chưa được phát hiện, Quảng Bình còn có một hệ thống sông suối khá lớn với 5 dòng sông chính mà nổi tiếng nhất là sông Gianh và Nhật Lệ, 160 hồ tự nhiên và nhân tạo, nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, chì, kẽm... hay khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Thêm vào đó là bờ biển dài hơn 116 km, chung quanh có những hòn đảo che chắn diệu kỳ, nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền đã tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn, phong phú những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô… Trên suốt đường đi qua nhiều thị trấn, làng xã của Quảng Bình, tôi không ngủ để chỉ ngắm bên đường những rặng núi phủ đầy cây xanh kéo dài như không dứt, những dòng sông, con suối óng ánh trong nắng, biển rất xanh và cát thật trắng, những con thuyền chiếc tàu ngoài khơi xa, những cánh đồng lúa bất tận, đồng quê êm đềm dưới hàng dừa, bóng tre… Thế nhưng, có một điều tưởng chừng như nghịch lý giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và khoáng sản trời cho là thiên tai và cái nghèo. Màu sắc đó còn trộn lẫn cả những khổ đau cùng hy vọng của con người. 

Bến thuyền động Tiên Sơn, Phong Nha, Quảng Bình.

Cuối cùng, là lời cảm ơn gửi đến Hội tình nguyện Chung Tay Vì Cộng đồng cùng nhóm từ thiện Hiểu & Thương của các cựu nữ sinh trường Gia Long – Sài Gòn đã hợp tác tổ chức chuyến đi công tác từ thiện đầy màu sắc này. Cảm ơn và chúc các mạnh thường quân, các nhà bảo trợ, các anh chị em tuổi từ đôi mươi đến U70, 80 đã cùng tham gia chuyến đi một trái tim khỏe trẻ mãi cùng chân cứng đá mềm để tiếp tục cuộc hành trình khó dứt của chúng ta đến với những mảnh đời bất hạnh.

Tháng 9 – 2017
Nguyễn Diệu Tâm