Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

CỔNG LÀNG XƯA

Tôi đã nhìn thấy một cái cổng làng xưa ở Kim Long trên đường vào một khu nhà vườn ăn bánh bèo nậm lọc xứ Huế quán O Lé. Cổng bằng gạch đã quá cũ, xiêu vẹo và nhiều chỗ bể nát. Trên cổng có những chữ Hán đắp nổi mờ mờ, không rõ ngày xưa tên làng là gì. Từ địa chỉ của quán cũng không thấy tên đường, chỉ là một cái "kiệt" thuộc đường Kim Long. Nhưng cái cổng làng xưa này lại làm cho tôi bâng khuâng muốn hiểu thêm về nó.

Cổng làng cổ trong một kiệt khu nhà vườn Kim Long, Huế.
Đường vào nhà vườn Kim Long, Huế

Những vườn rau Kim Long cung cấp rau ngon cho cả thành phố Huế.
Quán bánh bèo - nậm - lọc O Lé nhìn về phía cổng làng

Và tôi tìm được một bài viết về cái cổng làng. Xin chia sẻ cùng các bạn.
Theo bài viết, "hiện nay, các làng quê Việt Nam và các làng xã ngoại ô thành phố đang nở rộ phong trào phục chế lại hay xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống".
"Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng. Ở các vùng quê xưa đồng bằng Bắc Bộ, cùng với sự phát triển của dân cư, làng được xây dựng theo một cấu trúc chặt chẽ với lũy tre và lạch nước, ao sâu bao bọc quanh làng.Có thể ban đầu cổng làng chỉ là những cái cổng sơ khai làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong nhiều gai nhọn để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách. Về sau, cổng làng mới được xây dựng ngày càng bền vững bề thế hơn, mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc từ các loại vật liệu xây dựng phổ biến ở nông thôn ta như đá ong, gạch ngói, vôi vữa…
Qua tìm hiểu, phần lớn cổng làng truyền thống ở vùng Hà Tây được xây dựng ở thời Nguyễn thế kỷ XIX đến 1945. Song cũng có nhiều cổng được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVII, như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm-Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai.
Về kiến trúc, cổng làng truyền thống là những công trình kiến trúc cổ, có sự đan xen giữa kiến trúc đình, chùa. Thông thường, cổng làng có 4 mảng kiến trúc nhưng không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa.

Cổng làng Đường Lâm - Sơn Tây, Bắc Việt Nam

Vòm cổng thường xây cuốn hình vòm parabol. Tuỳ theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô bề thế khác nhau, nhưng đều phải hài hòa đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả làng".
Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên hai trụ thường đắp nổi câu đối. Liên kết với vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng, trang trí đắp nổi những chữ đại tự là tên của làng, hoặc các cụm chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế và mang cốt cách của làng.
Phần trên cùng là mái lợp. Mái cổng xưa thường lợp ngói che chắn cho cổng và che mưa cho người qua cổng. Nhiều nơi có cổng làng lớn như Uớc Lễ (Thanh Oai), Thượng Hội (Đan Phượng), Tảo Khê (Ứng Hoà)… trên cổng còn có Vọng lâu với 2, 3 lớp mái, mỗi góc mái đều có đầu đao, dáng dấp như những ngôi đình chùa cổ.
Có thể nói cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nó còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam, cần được bảo tồn và lưu giữ.
Làng quê xưa khi nước có giặc, cổng làng, luỹ tre xanh trở thành những chiến luỹ. Khi thanh bình, cổng làng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng. Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước:
“Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi…”
(Thơ Bàng Bá Lân)
Trích nguồn:
http://danviet.vn/net-viet/cong-lang-hon-viet-xua-nay-vuong-van-86108.html
* Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
Tháng 3-2015