Tôi không biết phải xoay xở thế nào với những gì diễn ra sau cuộc
nói chuyện về cái chết, vì thế mỗi khi nhắc đến chủ đề này, tôi thường
cố gắng hướng sự chú ý của Sonya sang chuyện khác, hoặc trả lời mơ hồ
kiểu như "Ông bà đã đi rất xa con ạ".
Tôi không thích thú gì khi phải chờ 5 năm nữa để nói cho con gái về thế
giới bên kia. Tôi không biết sau cái chết là gì và không nghĩ rằng
chúng tôi cần phải biết, nhưng tôi rất sợ phải nói với con gái về điều
đó. Dì của tôi mất lúc tôi mới 10 tuổi, bố tôi cũng qua đời sau đó một
năm. Bố dượng tôi mất khi tôi 16 tuổi. Tôi nhớ mẹ đã cố gắng giải thích
về cái chết cho tôi, dùng những từ như "yên bình" và "nhẹ nhõm", khiến
tôi càng thêm bối rối.
Tôi biết Sonya rất để ý đến các tiểu tiết nên khó có thể chấp nhận
những mô tả mơ hồ. Nhưng nếu tôi bịa ra một bữa tiệc trên bầu trời hoặc
một vùng đất với những cây kem và các cô tiên, con bé sẽ không hỏi nữa.
Chồng tôi, Jay, chọn cách nói rằng đó là một bí ẩn, rồi sau đó tháo nút
bằng những câu hỏi. Jay là người đã ôm tôi tại lễ tang của mẹ, và vài
tháng sau đó, chúng tôi hẹn hò. Tôi từng hét lên với anh rằng anh không
bao giờ hiểu được thế nào là mất mát cả. Có thể là anh không hiểu thật,
nhưng có phải tôi hiểu nhiều hơn chỉ vì tôi đã trải qua nó trước đó?
Sáng thứ bảy hôm đó, trong khi Sonya đang say sưa vẽ hình trái tim, tôi đã bắt chuyện với con gái:
"Này con gái, con có nhớ mẹ nói là khi nào chúng ta có thể đến thăm bà Jonie và ông Roger không?"
"Có ạ".
"À, mẹ nhầm đấy. Thực sự là chúng ta không thể làm điều đó, vì ông bà đã mất cách đây rất lâu rồi".
Sonya cười và nói: "Không, ông bà không chết".
"Có, họ đã mất rồi con ạ", tôi nói tiếp. "Và sau đó ông bà trở nên vô
hình, nhưng chúng ta có thể nghĩ về họ và ngắm những bức ảnh của họ. Có
người nói rằng sau khi chết rất thú vị, có người lại nói rằng rất yên
tĩnh".
"Nếu con có câu hỏi gì hoặc muốn trao đổi gì về chuyện này thì chúng ta có thể nói vào bất cứ lúc nào nhé", Jay tiếp lời.
Sonya nhún vai và quay trở lại với tác phẩm nghệ thuật của mình. Jay và
tôi chầm chậm đứng lên. Chúng tôi không dám chắc thông điệp của mình đã
được con bé thấu hiểu. Nhìn Sonya không có vẻ gì là buồn bã cả, nhưng
vợ chồng chúng tôi vẫn đập tay nhau ăn mừng phía trên đầu con bé. Khủng
hoảng đã được ngăn chặn.
Cho đến cuối mùa thu năm ngoái, vào sinh nhật 40 tuổi của mình,
Shoshana, bạn tốt nhất của tôi, trèo lên một mỏm đá ở sân sau và giải
thích về một trò chơi cho lũ trẻ con. Shoshana được chẩn đoán đang mắc
bệnh ung thư giai đoạn 4. Tôi đã từng chứng kiến cô ấy chống lại tất cả
các bác sĩ và những chẩn đoán bệnh, nhưng khi nhìn Shoshana loạng choạng
cạnh con lừa bằng giấy, tôi biết bạn mình đang chết dần.
Bằng cách nào đó mà không phải do tôi nói, Sonya cũng nhận thấy điều
đó. Tôi đã cảnh báo con bé về việc Shoshana đội một chiếc mũ lớn và
trông rất mệt mỏi.
Khi chúng tôi trở về nhà sau bữa tiệc, Sonya bắt đầu nhắc đến cái chết bất cứ khi nào có thể.
"Nhà mình chụp ảnh đi", tôi nói.
"Nhưng nhà mình đã chết", Sonya đáp.
Hoặc khi Jay đang ôm con bé trong tay và nói: "Một ngày nào đó bố sẽ nhảy điệu này cùng con trong đám cưới con gái nhé".
"Nếu bố không chết trước lúc đó", Sonya đáp.
Sau đó, khi chúng tôi đang chơi trong công viên, tôi nhận được cuộc
gọi. Shoshana đã qua đời. Nhà của cô ấy bây giờ là bầu trời trong xanh
kia, hoặc cũng có thể cô ấy đang ở dưới những bóng cây.
Đây là câu chuyện mà tôi thực sự rất sợ phải nói. Đó là mất mát đầu
tiên mà tôi và Sonya cùng trải qua. Không ai chịu trách nhiệm và không
ai có lỗi cả. Đó là một phép ma thuật khủng khiếp: vừa ở đây một phút,
thoắt đã sang chỗ kế tiếp, và chỗ tiếp theo sau đó, rồi mãi mãi.
Jay và tôi ngồi trên vỉa hè và giải thích rằng, cô Shoshana đã qua đời.
Điều này giúp cơ thể cô ấy không còn đau đớn, nhưng cũng khiến chúng
tôi không còn được gặp cô ấy nữa. Tôi nghe thấy bản thân mình đang dùng
đúng những từ mơ hồ mà mẹ tôi từng nói với tôi cách đó hàng chục năm:
"yên bình" và "nhẹ nhõm".
Tôi cố gắng thuyết phục mình như khi còn là cô bé 5 tuổi, rằng đó là sự
thật, rằng Shoshana có thể sống ở một nơi tốt hơn. Khi tôi bắt đầu ngập
ngừng, Jay nói rằng tôi có thể buồn một chút. Và một lần nữa, chúng tôi
lại bỏ ngỏ cho Sonya đặt câu hỏi.
Sonya hỏi tôi liệu có thể cho con bé thấy tôi buồn như thế nào bằng
cách dùng tay đo không. Tôi đưa hai bàn tay ra cách nhau một khoảng bằng
vai của mình. Sonya nghiên cứu thước đo nỗi buồn của tôi và gật đầu.
"Ok, chúng ta vẫn có thể ăn kem chứ mẹ?", con bé hỏi.
"Có chứ", tôi buột miệng, dù đó đã là cây kem thứ 10 trong buổi sáng.
Đó là điều duy nhất tôi cảm thấy mình có thể trả lời chắc chắn. Đúng
vậy. Nhìn nụ cười ngọt ngào của con gái, nghe con hát trên vai của Jay,
ngửi mùi lá mới vẫn còn ẩm ướt từ đêm hôm trước. Đúng thế. Đó là những
gì có ý nghĩa để ta tiếp tục sống mà không cần đi tìm những câu trả lời.
ABBY SHER
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/lam-the-nao-de-giai-thich-voi-con-tre-ve-cai-chet-2941859.html
William-Adolphe Bouguereau ( 1825-1905 ) - The Difficult Lesson, Oil 1884 |
Đọc câu chuyện trên đây, tôi nhớ đến bé Sarah con
gái 3 tuổi của cô em gái lúc mẹ tôi mất. Bình thường bé loanh quanh
trong nhà và thỉnh thoảng săn sóc bà ngoại bằng cách gọi người lớn khi
phát hiện có con kiến nào đó đang bò đến gần bà, hoặc
sau khi cô giúp việc cho bà ăn xong thì cháu đòi giúp bà ngoại uống
thuốc. Ngày bà ngoại mất, mẹ cháu cho cháu sang nhà hàng xóm chơi, buổi
tối khi về nhà không nhìn thấy bà trên giường nữa, cháu hỏi cô giúp
việc: Bà ngoại của con đâu rồi? Không ai dám trả lời câu hỏi của bé. Cô
giúp việc nói khe khẽ: Bà ngoại đi chơi rồi con ạ! Nhưng cháu đã phát
hiện ra chuyện khác thường với bà ngoại khi thấy nhà có rất đông người
đến viếng lễ tang. Cháu từ trên lầu nhìn xuống và lại hỏi: "Có phải bà
ngoại đang nằm trong cái hộp đó không? Tại sao ai cũng nhìn vào cái hộp
đó?" Mặt cháu có vẻ lo sợ. Cô giúp việc vội đem cháu vào phòng và khóa
cửa lại. Những ngày sau thì lại càng khó giấu. Nhà luôn đông người và
mọi người trong gia đình đều mặc những chiếc áo "lạ". Có nhiều hoa và
nhang đèn. Hình bà ngoại đặt trước cái "hộp". Cháu không chịu qua nhà
hàng xóm nữa mà đòi được tham gia với mẹ và các dì cậu vì nghĩ rằng bà
ngoại đã ở trong cái hộp ấy. Sau đám tang, cháu nhìn thấy bà trên bàn
thờ lúc nào cũng có nhang khói. Mỗi lần có ai đến nhà, cháu kéo tay đến
bàn thờ và bảo: Thắp nhang lạy bà ngoại đi! Nhưng cháu vẫn thắc mắc: Bà
ngoại đi đâu rồi hở mẹ?
* Nguyễn Diệu Tâm