Đầu xuân năm 1977, khoa Ngữ Văn ĐHSP được đưa về xã Long Khánh, thị trấn Cai Lậy thực tập 1 tháng. Tôi không nhớ chính xác ngày tháng ra đi vào ngày mồng mấy tháng 2, chỉ nhớ ngày về lại Sài Gòn sau 1 tháng thực tập là vào ngày 6/ 3/ 1977. Thầy trò chúng tôi được chia nhau ra cùng ăn, ở, làm việc cùng dân. Khoa Ngữ Văn gồm 3 lớp A, B, C. Lớp A ( Việt Hán I ) chúng tôi được tập trung ở ấp Hòa Trí. Ngoài những giờ lội ra trường cấp 3 thị xã dự các buổi kiến tập, những đêm thắp đuốc mò mẫm trên bờ ruộng đi dạy bình dân học vụ, còn lại là nhiều sinh hoạt cùng với các hộ dân trong các ấp. Nhờ vậy mà bao công tử tiểu thơ của chốn thành đô sau một tháng bỗng dưng thành thạo việc nông thôn như cắt lúa, bơi xuồng, nấu dầu dừa, xay bột làm bánh bằng cối đá, vét mương làm thủy lợi v.v... Một tháng trôi qua thật nhanh, cuộc sống tạm thật cực khổ nhưng không hiểu vì sao kỷ niệm lưu luyến của lớp chúng tôi với nơi này vẫn luôn đong đầy. Mọi người đều luôn nhắc đến sẽ cùng nhau trở về thăm chốn cũ người xưa. Ngoài một số bạn vẫn còn liên lạc với những nhà dân địa phương nơi đã tạm lưu trú ngày ấy, còn đa số thì ra đi không hẹn ngày trở lại.
Chuyến về thăm Cai Lậy lần này được vợ chồng một anh bạn khởi xướng. Sau đó là những rộn ràng qua email nhắc nhở về kỷ niệm. Hình như chưa có cuộc gặp gỡ, họp mặt và chuyến đi nào làm xôn xao bao trái
tim của lớp Việt Hán I chúng tôi như lần này.
Qua bao nhiêu email trao đổi về ngày đi, số lượng người tham gia cứ giảm rồi
tăng, rồi giảm do người bận việc này kẻ việc khác, cuối cùng danh sách gút lại
thật phấn khởi : 16 người.
Đầu tiên phải ghi công vợ chồng anh Tổng đã tổ chức xe cộ, hành trình một cách chu đáo, còn nhờ một người địa phương biết đường dẫn chúng tôi đến những nhà đã ở ngày ấy. Kế đến là công lao tập họp, tốn tiền điện thoại kêu réo, phải nói đến cô bạn dễ thương Kim Loan của chúng tôi.
7 giờ sáng ngày 7/7/2012 cả lớp tập trung tại nhà Lê Nga ở đường Lý Thái Tổ, Q 10. Xe đi theo đường đại lộ Đông Tây, cao tốc Trung Lương thẳng tiến quốc lộ 1. Một ngày thời tiết khá đẹp.
|
Cổng vào thị trấn Cai Lậy ( Ảnh: Wikipedia ) |
Đến Cai Lậy lúc 9.00 g., hơi muộn một chút do đoàn phải chờ Phước Lộc tại một ngã ba trên đại lộ Đông Tây. Từ cổng chào vào thị trấn Cai Lậy, tôi còn nhớ ngày xưa là chợ , nơi tôi vẫn ghé mua thực phẩm mỗi lần chúng tôi có dịp ra trường cấp 3 dự kiến tập. Vì không có thời gian ghé chợ, tôi không rõ có phải đó là cái chợ nghe nói đã bị thiêu rụi sau một trận hỏa hoạn vào năm 2000, về sau được di dời vào khu I thị trấn. Cũng khá tiếc vì không được đi một vòng tham quan xem thị trấn có đổi mới nhiều không.
Xe vừa rẽ trái từ thị xã vào đã thấy anh Năm, người sẽ hướng dẫn chúng
tôi vào ấp đang ngồi chờ sẵn trước một quán nhỏ bên đường. Tôi không nhớ rõ lắm ngày xưa con đường từ thị xã vào ấp như thế nào, chỉ nhớ phải đi trên những con đường đất, bờ ruộng có hàng trâm bầu. Đường đi loanh quanh khúc khuỷu. Nay thì được đi trên con đường nhựa, tuy nhỏ và khá gập ghềnh nhưng so với trước vẫn là quá tốt.
Chúng tôi bắt đầu cuốc bộ vào ấp Hòa Trí, nơi mà lớp chúng tôi được ở trong các hộ dân nhiều nhất. Rưng rưng nhìn lại chốn cũ.
|
Đầu ngõ Ấp Văn hóa Hòa Trí |
Trên con đường nhỏ dẫn vào ấp dài khoảng hơn một cây số, vẫn là những loại cây thân quen của đồng quê miền Tây Nam bộ là những hàng dâm bụt, rặng tre, dừa, mận, bưởi, mít, xoài ... tỏa bóng mát. Nhà quê vùng sông nước thì nhà nào cũng có ao. Tuy nhiên hai bên đường bây giờ không thấy trâm bầu nữa mà người dân trồng nhiều cây tràm, có lẽ để chận bờ đất vì vẫn có rất nhiều những ao, đìa cá. Một thay đổi nữa là những chiếc cầu khỉ chênh vênh bắc qua con rạch ngày ấy nay đã có những chiếc cầu bê tông thay thế. Trên con đường từ đầu đến cuối ấp, cứ cách vài mét là có một chiếc cầu. Có nhà còn cẩn thận làm cổng vào, nhưng cổng đơn giản chỉ là hai cánh cổng sắt đơn sơ không cần hàng rào, thêm con chó mực nằm nghênh ngang đằng trước. Có lẽ chỉ để ngăn trộm ... thành phố, dân không biết lội ao!
|
Rặng trâm bầu ngày xưa nay thay thế bằng cây tràm |
|
Một chiếc cầu bê tông |
|
Cầu bê tông và cổng nhà |
Các bạn kéo nhau đi đã xa, còn tôi vừa đi vừa tìm cảnh để chụp hình nên luôn là người đi sau. Qua những hàng cây rậm rạp, đã thấy lác đác có những mái nhà tranh chen giữa những căn nhà ngói hay nhà gạch mái tôn. Tôi nhìn quanh quan sát xem có gì như xưa và có gì đổi mới. Vẫn những chiếc lu đựng nước mưa. Vẫn còn rất nhiều ao như trước. Những cái ao tối đen đầy bùn sình, lá khô, rác rưởi. Có ao xanh ngắt bèo hoa dâu. Vài chiếc xuồng cập sát bờ để đi lại trên sông rạch. Mấy nhành bình bát sà xuống là đà. Chợt thấy vài bông hoa súng tươi thắm ngoi lên trên sình lầy. Lích chích có tiếng chim kêu. Đàn vịt xiêm lao nhao lội tới lội lui trong cái ao chật chội. Vài con bướm vàng bay lượn trên hàng rào dâm bụt. Thoang thoảng trong gió có mùi hương cỏ, có cả mùi thức ăn tỏa lên theo khói bếp từ những mái tranh, cái mùi rất quen như từ 35 năm trước thoảng về, hình như là mùi cá lóc, cá kèo kho tiêu hay là mùi nước mắm kho quẹt chấm ăn với bầu bí rau luộc. Nắng chen trong đám lá rắc vàng dưới mặt đường óng ánh. Vừa đi vừa ngắm nhìn. Lâu lắm rồi tôi mới có được cảm giác thong dong nhàn hạ khi đi giữa đồng quê thanh tịnh.
|
Một mái nhà tranh và ... vài lu nước lạnh |
|
Xóm nghèo |
|
Ao bèo xanh ngắt |
|
Hoa súng nở trong đìa |
|
Đôi vịt xiêm hạnh phúc |
Qua bao nhiêu năm trời không trở lại chốn này, nhiều chuyện đã quên nhưng không hiểu vì sao dường như tôi vẫn còn nhớ mãi đến tương tư những rặng trâm bầu được nhìn thấy trên con đường vào làng ngày nào. Hồi đó nơi này là những cánh đồng lúa mênh mông. Qua một đêm thức dậy, cánh đồng trước mắt nhà bà cụ đêm qua còn xanh sáng hôm sau đã chuyển màu vàng rực đẹp lạ lùng. Dưới ánh nắng ban mai, màu vàng ấy quyến rũ như màu rừng lá vàng mùa thu. Và rặng trâm bầu trên những bờ đất, tôi không biết vì sao lúc đó những hàng cây tôi nhìn thấy đã không có lá mà chỉ có cành khô xen vào nhau, vươn trên nền trời càng thêm đẹp như tranh. Có lẽ tôi thích vì đã thấy nó giống như trong những bức tranh tôi vẽ thời còn nhỏ là cây không có lá, chỉ có cành. Đến lúc giáo sư hướng dẫn cho chúng tôi làm báo tường tại chỗ ở đây, tôi cũng vẽ vào trang báo tường hình ảnh cánh đồng lúa vàng và rặng trâm bầu. Hình ảnh này đeo đuổi tôi đến bây giờ, có vẻ như đó là một trong những lý do đã lôi kéo tôi đi chuyến này để tìm lại hình ảnh rặng trâm bầu năm xưa. Vậy mà nghe nói bây giờ người ta không trồng trâm bầu. Vì sao thì không biết. Ngày xưa đó là một loại cây mọc hoang thường chỉ có ở vùng đồng bằng miền Nam. Về sau trâm bầu được trồng nhiều để ngăn bờ, thân để dựng chòi tranh, hạt làm thuốc. Hạt, lá, vỏ cây và cả rễ trâm bầu đều có thể sử dụng làm các vị thuốc dân gian chữa sốt rét rừng, trị đau bụng, ngừa phong thấp, tẩy giun v.v... Quả là một loại cây có ích. Vậy mà ngày nay chẳng ai muốn trồng nữa, càng ngày hình ảnh trâm bầu càng trở nên hiếm hoi. Tìm hình ảnh cây trâm bầu với những nhành khô như tôi từng thấy qua Internet cũng không có, chỉ có hình lá trâm bầu hoặc loại cây bụi thấp và rậm. Không chừng sau này, cây trâm bầu chỉ còn trong bài hát "Rặng trâm bầu" của nhạc sĩ Thái Cơ:
"Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu, Bát ngát trông xa những rặng trâm bầu"...
|
Lá và trái trâm bầu ( Ảnh: Wikipedia ) |
Buồn vì không còn nhìn thấy lại rặng trâm bầu ngày nào. Buồn vì dù chỉ mới đi chưa hết xóm cũ đã cảm thấy dường như nơi đây không khá hơn xưa. Đi trên con đường trải đầy lá tràm khô, tôi lại nghĩ đến "Tống Biệt" của Tản Đà, cũng là bài hát "nền" trong trang multiply của động tiên Việt Hán:
Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
....
35 năm trở về chốn cũ, thấy mình không khác gì Lưu, Nguyễn lạc Thiên thai nay về lại trần gian xưa thật! Tuy chưa đến nỗi xa cách đến 7 đời như trong hoàn cảnh của Lưu, Nguyễn, nhưng nhìn lại tóc mình đã bạc, những người năm cũ nay đã quy tiên, còn lại là đám con cháu hậu duệ mà vào thời ấy có đứa chưa được sinh ra, nay tay bồng tay bế! Cảnh xưa lại như không mấy thay đổi, vẫn những cái ao bèo dâu lẫn rong rêu xanh um, vẫn những mái nhà tranh nát thấp lè tè, vẫn đùn đùn lục bình kéo nhau từng đám trôi về nơi xa nào đó. Những bụi tre um tùm, lẫn tre già cùng măng non dưới gốc đang mọc, mà không biết rồi đây măng non có khá hơn đời tre già hay không! Dọc con đường thấy có những cột điện. Nghe nói sắp đến con đường nhỏ vào ấp sẽ lên đường nhựa lớn. Hy vọng rằng lúc đó những cái ao tối tăm đầy bùn sình và muỗi mòng đó rồi sẽ được nạo vét, đặt cống, lấp đất lên vườn để cuộc sống người dân trong những xóm nghèo như thế này khá hơn? Vào thăm một vài nhà, tôi thấy người dân ở đây vẫn dùng những lu chứa nước mưa để uống dù đã có nước máy. Hỏi vì sao vẫn uống nước mưa mà không dùng bình lọc nước máy nấu sôi để dùng, họ trả lời: "Nước mưa ngọt, uống quen rồi, còn nước máy lạt nhách, mà cũng ... không sạch!" Họ có biết những cái ao tối tăm và những lu nước mưa này chính là nơi chứa vô số mầm bệnh? Biết làm sao, khi những lu nước mưa thường đi cùng với túp lều tranh rách nát cùng những điều kiện vệ sinh thiếu thốn. Mà cái ấp này đâu có xa xôi gì. Nó chỉ cách thị trấn khoảng 3 cây số. Chợt nghĩ, vậy thì những ấp ở xa hơn thì thế nào?
Có người dẫn đường, chúng tôi bắt đầu chia nhau ra đi tìm nhà những người quen cũ. Do không nghĩ là có thể gặp lại ai trong căn nhà bà cụ mà tôi đã ở, tôi đi theo Kim Loan ghé vào căn nhà quen của Phước Lộc. Ông bà cụ đã mất, chỉ còn người con trai, và chị con dâu ăn chay trường đón tiếp. Trong gian nhà cũ kỹ, chị con dâu lăng xăng xẻ bưởi da xanh hái trong vườn cho chúng tôi
ăn, chấm với muối tôm ớt. Tấm lòng hiếu khách của người dân xóm nghèo
thật thương! Trong lúc các bạn ngồi lại ở đây, tôi lại đi lòng vòng xem tiếp những căn nhà khác trong ấp. Vẫn thấy như những gì đã thấy từ ngoài cổng ấp vào.
Ngôi nhà bác Hai Thế, nơi cô bạn Kim Loan đã ở thì nằm cuối ấp, rất xa. Tìm được đến nơi thì hai bác không còn, chỉ còn người con út. Căn nhà cũng tiêu điều xơ xác hơn xưa. Cô bạn Hoàng Diệu cũng tìm được đến nhà bác Năm Chiêu, nay những ngôi nhà này là con cháu đang ở. Cô bạn Lê Nga thì cho biết nhà bác Hai Tiễn ngày ấy thấy thật thơ mộng và thẩm mỹ như một ngôi nhà Nhật bản dù nhà lợp mái lá dừa nước, phía trước có ao nhỏ, trồng nhiều bông trang, trâm ổi, sau là vườn dừa, được chăm sóc một cách kỹ lưỡng. Nay ngôi nhà hoang tàn, dừa không thấy, ao đã bị lấp, thay vào là ngôi mộ của bác Hai. Hai cô con gái nhỏ dịu dàng khuê các ngày nào thì một người về Mỹ Tho, lại ốm đau bệnh tật, còn người ở lại quê nhà thì đi bán vé số. Riêng ngôi nhà bà cụ mà tôi và hai bạn Nguyệt, Trang cùng ở thì cụ đã mất từ năm 1996. Ngôi nhà cũng không còn vì ngày đó nó đã tan nát lắm rồi. Khi bé Mười dẫn đi, tôi đến chỉ thấy một khu vườn hoang thấp thoáng vài ngôi mộ, chung quanh cây lá um tùm. Một cô cháu gái của cụ đưa chồng con về xây ngôi nhà gạch kế bên. Trên bàn thờ ông bà cha mẹ và cả một người chị, nghe nói rất xinh đẹp nhưng năm 16 tuổi đã uống thuốc rầy tự vẫn do nợ nần sao đó.
|
Mái tranh và sân nắng |
|
Cầu ao rửa chén |
|
Võng đưa trưa hè |
|
Ruộng bắp và đàn vịt bầu |
|
Giàn hoa mướp trước hiên nhà |
Tôi đã ngồi khá lâu trước sân nhà cô cháu của bà cụ dưới giàn hoa mướp vàng nhìn ra cánh đồng trước mặt. Vẫn y như ngày ấy nhưng bây giờ không còn là đồng lúa nữa mà là cánh đồng bắp. Bắp đang trổ trái xanh ngắt nhìn rất đẹp. Cánh đồng đã thu hút làm cho tôi không thể ngăn mình không đi tiếp con đường nhỏ về phía cuối ấp. Xa xa thấp thoáng có bóng người lui cui đào xới giữa một cánh đồng cỏ nở đầy hoa dại tím và bông huệ trắng. Dưới nắng trưa, một đôi vợ chồng đang nhổ gốc cũ và chuẩn bị chôn củ huệ để trồng cho mùa sau. Tôi dừng lại chụp hình vì thấy cảnh đẹp quá và làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi người đứng trên bờ, kẻ dưới ruộng. Tôi hỏi họ sao bây giờ lại trồng bắp và bông huệ. Họ trả lời: Vì nay trồng lúa không có ăn bằng trồng bông. Trong cánh đồng rộng 2 công đất này ngày xưa trồng lúa nay họ đã bỏ lúa để trồng huệ. Chôn củ huệ xuống rồi 3 tháng sau bắt đầu thu hoạch quanh năm. Bông huệ cứ thế mà "giựt" lên, bông khác sẽ nở tiếp. Huệ lại dễ trồng. Tôi nhớ đến những làng hoa ở Đà Lạt và hỏi họ có che chắn gì cho hoa trong mùa mưa bão hay không. Họ lắc đầu bảo không cần. Về khoảng tưới nước thì xen kẽ giữa những luống huệ là những khe nước từ ao có thể chảy vào, cứ lấy nước ở đó mà tưới. Đến mùa thu hoạch, huệ có thể bán được giá gấp 10 lần trồng lúa. Mà bán huệ, cỡ nào người ta cũng lấy. Tôi hơi ngạc nhiên, nghĩ có lẽ vì miền Tây nhiều chùa chiền, hoa huệ bán cho nhà chùa và người đi cúng chùa?
|
Ruộng bắp thay thế cho cánh đồng lúa năm xưa |
|
Trồng bông huệ |
|
Hạnh phúc giữa nắng trưa |
|
Giải thích cách trồng huệ |
Cánh đồng bắp kế bên là của người khác, anh nông dân giải thích, Ở đó họ
đang trồng mít chen vào, đến mùa thu hoạch bắp rồi họ sẽ bỏ bắp mà trồng mít. Đó
là một loại mít "siêu sớm" giống Thái Lan, dễ trồng, chỉ cần hơn 10
tháng là ra hoa đậu trái quanh năm, lợi nhuận cao, hiện nay bán rất được
giá, có người bán một trái mít vài chục ký cả triệu đồng, người khác
khoe có 3 công đất trồng mít mà năm rồi bán đến 350 triệu đồng. Nông dân
thấy ham nên nay nhà nhà trồng mít. Thêm vào đó, nhà nước khuyến khích
nông dân trong xóm này làm vườn chứ không trồng lúa như xưa. Tôi hỏi vậy
thì lúa sẽ trồng ở đâu. Họ trả lời: Chỗ khác! Lúc đó tôi mới nhận ra
đúng là đâu đâu trong cái ấp Hòa Trí này cũng thấy trồng nhiều mít thật.
Đối với tôi, loại mít Thái này không ngon bằng mít Việt nam, không hiểu
sao lại bán được như vậy. Lòng tôi chợt dâng lên nỗi lo lắng, nghĩ thầm, không chừng sau này dân không
có gạo ăn mà phải ... ăn mít thay cơm!
|
Vườn mít |
|
Ao cá nhà bác Tư |
Một bác nông dân nghe chúng tôi nói chuyện đã đi đến và rủ tôi qua vườn mít nhà bác để khoe. Cả khu vườn bác trồng toàn mít. Bác cũng có cả một ao lớn nuôi cá rô phi, cá tra trước mặt nhà. Có lẽ nhờ vậy mà ngôi nhà của bác trông khang trang hơn hẳn nhiều nhà khác. Bác mời tôi vào nhà uống nước nói chuyện nhưng tôi phải chào bác đi về khi nghe điện thoại các bạn tìm. Trên đường về lại nhà bác Hai Oanh, nơi các bạn đang tập trung để ăn trưa, bất ngờ tôi nghe tiếng gọi: "Chị Tâm phải không?" Quay lại, một người phụ nữ nông dân chừng 50 tuổi, cô ta ôm chầm lấy tôi mừng rỡ, miệng nói tía lia: - "Chị không nhớ em hả, Sáu đây nè! Chị mới dìa hả? Chèn ơi, chị hổng khác xưa bao nhiêu, em thấy chị cười cái em nhận ra liền! Sao lâu quá chị hổng dìa? Tụi em nhắc chị hoài. Hồi đó nhờ chị dạy mà em biết chữ. Hồi đó chị vẽ hình em, hình bà ngoại búi cục tóc, hình con nhỏ Dung ôm rổ vú sữa đi qua cầu khỉ. Chị còn hứa sẽ dìa chơi. Rồi nghe em nói em chưa biết thành phố, chị hứa mai mốt làm ăn khá khá chị sẽ dìa dẫn em đi thành phố cho biết. Mà em chờ hoài hổng thấy chị dìa, em nghĩ chắc bà này làm ăn hổng khá rồi!"
|
Cháu ngoại bà cụ và đứa con trai 2 tuổi |
|
Gặp lại Bé Sáu |
|
Bé Sáu |
|
... Và món ăn bữa trưa của Sáu |
Trong lúc Sáu nói luôn miệng, tôi đứng ngẩn người ra, ngạc nhiên hết sức vì không hiểu sao tôi chẳng nhớ gì nhiều. Chỉ nhớ nhà bà cụ có một vườn vú sữa bao quanh, một giàn bầu, một gian chứa gạo trong cót tre ăn cả năm không hết. Nhớ ngày ấy bà nấu cơm thường đổ đi lần nước đầu vì sợ cơm nhão do nấu bằng củi. Thấy nước gạo bị đổ tràn ra đất, tôi tiếc quá lấy ca hứng rồi đập hột gà vào, nêm chút muối để uống. Bà cụ bảo: "Ừa, uống nước gạo bổ lắm nghen con!" Một tháng qua, tôi lên được mấy ký! Lúc đó bà cụ có mấy đứa cháu nhỏ hay đến chơi. Còn Sáu là cô bé hàng xóm 14 tuổi hay qua phụ bà cụ nấu cơm, rửa chén. Tôi hỏi Sáu chồng con gì chưa, nay làm gì. Sáu hồn nhiên trả lời: "Em có hai con rồi. Em đi làm mướn!" Nhìn Sáu tay cầm liềm cắt cỏ, tay kia xách con ếch mới bắt dưới ruộng, tôi đoán đó là bữa ăn trưa của cô và gia đình. Lòng cảm động vì sao 35 năm rồi mà Sáu vẫn nhớ đến chúng tôi, và cảm thấy ray rức vì lời hứa hão của mình: "Mai mốt làm ăn khá khá chị sẽ dìa dẫn em đi thành phố chơi!".... Trời ơi, tại sao tôi lại có thể hứa như vậy chứ để cho một cô gái quê phải chờ đợi trong 35 năm trời và mong ước tôi "khá" lên để đưa cô về thành phố chơi! Có lẽ vì lúc chia tay thấy Sáu bịn rịn quá tôi đã hứa đại cho cô bé đỡ buồn! Giờ thì ... Sáu ơi, chị không dám hứa nữa! Mà cũng phải nói "Thôi lần này gặp nhau rồi, biết em ở chỗ nào rồi, bao giờ lớp tổ chức đi lần nữa chị lại về thăm! Bây giờ có điện thoại rồi, rảnh thì nhá máy chị gọi lại nghen!" ... Lòng lại thầm nghĩ, hic, không biết đó có phải lại là lời hứa hão nữa không?!
|
Nhà bác Hai Oanh |
|
|
|
|
|
|
|
Trong bếp |
|
Vườn bưởi da xanh |
|
Lu chứa nước mưa |
|
Bên cầu ao |
Về đến nhà bác Hai Oanh thấy trước hiên nhà mọi người đang quây quần ăn uống. Từ ngày về đây, anh Tổng được bác Hai thương yêu như con trai. Vợ chồng anh cũng thường xuyên về thăm bác nên rất thân thiện với gia đình. Ngày ấy, bác thuộc hạng nông dân giỏi trong ấp. So với nhiều nhà trong xóm, nhà bác Hai khang trang hơn nhiều, và cũng hơn người khác cái khoản dù vất vả nhưng đã nuôi các con ăn học thành bác sĩ, kỹ sư. Nhưng khi ra thăm phía sau vườn, tôi vẫn thấy những cái ao tù. Khu vệ sinh cũng để mấy cái lu và một vòi nước to vắt lên máng, khi dùng thì lôi xuống nước sẽ chảy ào ào, xong lại vắt lên để ngắt nước. Tôi xài không quen nên khi lôi ống nước xuống, nước đã văng tung tóe ra sàn. Nhà bác có tủ lạnh, bếp ga, nhưng phía sau bếp chính nồi thịt kho tàu nước dừa đang sôi trên cái cà ràng đỏ lửa và một hàng lu nước mưa chừng chục cái sắp lớp gần bếp. Hỏi chuyện các cô các chị trong bếp một lúc, vẫn gặp những suy nghĩ rất nông thôn: "Nước mưa uống mát, ngon hơn!"
Các chị nhắc lại lúc chúng tôi về cái ấp này rồi được chia ra ở nhà dân. Một chị chép miệng: "Hồi đó ở đây dân còn cho các anh chị ở chung chứ bây giờ chắc khó à!" Tôi hỏi vì sao, chị nói: "Thì vì bây giờ cực quá. Cực hơn trước nữa! Khó có ai gánh nổi!" Nghe câu này sao tôi thấy khó chịu quá, dù lúc đó chúng tôi cũng có đóng gạo, tiền và gửi phần nhu yếu phẩm của mình, nhưng chắc đã làm phiền người ta! Lại nghĩ vậy "Bị làm phiền", mà sao ngày về lại Sài Gòn, cả xóm đi theo chúng tôi có người khóc, người nắm tay bịn rịn dặn dò nhớ trở lại, người leo tót lên cây dừa thả một buồng dừa xuống tặng, quyến luyến như chia tay người thân ruột thịt?! Vậy thì điều gì đã làm cho chúng tôi được "thương" đến như vậy? Có phải vì khi cùng sống trong nhà, chia xẻ công việc, tình thân mà chúng tôi đã được "đánh giá cao"?
Các chị cũng than bây giờ ở xứ này còn nghèo lắm. Nhà ai có người đi nước ngoài thì mới khá hơn. Tôi lại chạnh lòng khi nghĩ đến những cô gái miền Tây đua nhau đi lấy chồng xa xứ để đổi đời, để giúp đỡ gia đình. Dù có người không phải đã thực hiện được ước mơ đổi đời mà còn phải bỏ mạng rất thương tâm ở xứ người.
Một cô hỏi tôi: "Hồi đó mấy chị xuống đây ở chắc thấy khổ lắm phải không?" Tôi trả lời: "Không khổ gì mấy, chắc tại hồi đó còn nhỏ, lại đi cùng bạn bè, vui quá nên chẳng thấy khổ gì!" Kể lại cho các bạn nghe, các bạn kêu lên: "Trời ơi, khổ muốn chết!" Anh Tổng nói thêm: "Hồi đó cứ nghe mấy bà than thở ... mấy ngày không được tắm!" Tôi nói: "Các bạn nghĩ xem, nhà ai cũng vây quanh mấy cái ao, ao tắm giặt, ao rửa chén, ao ... cầu cá tra... Nước ở ao tắm đen thủi đen thui, tắm cho mà bị ghẻ! Sợ nhất là cái cầu tõm ..". Các bạn cũng nhắc lại chuyện Tuyết Mai ban đêm lò dò đi đâu mà bị ngã xuống ao cá tra, la um sùm, bạn bè chạy ra kéo lên tắm cho 5 lần chưa hết mùi ...
|
Chụp hình kỷ niệm trước sân nhà bác Hai Oanh |
|
Đoàn "nhà báo" tham quan trại rắn Đồng Tâm |
Cách chuyến đi 2 ngày, tôi vừa kết thúc khóa đào tạo chương trình Sản xuất Sạch hơn ( Cleaner Production ) do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc ( UNIDO ) phối hợp với Trung tâm Sản xuất Sạch hơn VN và Phòng Thương Mại Công Nghiệp VN. Chúng tôi cũng được tìm hiểu về dự án SPIN thiết kế lại D4S ( Design For Sustainability ). Đây là chương trình dành cho các ngành Thủ công mỹ nghệ nhắm đến mục đích giảm thiểu chất thải, phòng ngừa ô nhiễm, tăng năng suất cho sản phẩm tốt hơn, ít tác động hơn tới môi trường, mang lại lợi nhuận cho cộng đồng, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Trong những cuộc thảo luận bao gồm nhiều vấn
đề, có một chủ đề được đưa ra:
An toàn lao động và những sai sót trong quản lý sản xuất. Trong nhóm có một chàng trai trẻ làm việc cho tập đoàn Nike, tại Việt Nam số lượng công nhân của Nike lên đến 300.000 người, trong đó rất nhiều xưởng đã thành lập ở miền Tây, quy tụ công nhân miền Tây. Anh chia xẻ: Đa phần công nhân miền Tây không có học vấn hoặc ít học, khó để huấn luyện mọi người có ý
thức để thay đổi thói quen xấu có từ lâu chỉ trong một sớm một chiều. Nhưng phải tìm mọi cách để thuyết phục hay bắt buộc để ngăn chận. Chỉ có mỗi chuyện đi vệ sinh, Nike đã mất 3 năm để huấn luyện hàng ngàn công nhân miền Tây vốn quen đi "cầu
tõm" biết cách ngồi cầu trong toilet mà không vác cả guốc dép leo lên bồn cầu. Tôi cũng đã có kinh nghiệm trong việc này khi huấn luyện công nhân làm sơn mài ở Bình Dương của mình trong các bữa ăn trưa, dù có bàn ghế, họ vẫn thích ngồi bệt dưới đất mà ăn, "khỏe hơn"! Và dù làm sẵn toilet nam, nữ, họ vẫn thích ra ngoài hàng rào, "cho mát"! Phát áo thun mặc cho lịch sự, vẫn thích ở trần, cũng không chịu đeo khẩu trang, mang găng tay, "dễ làm"!
Đến Hòa Trí, một
trong những quan tâm của tôi cũng là cái toilet. Nhiều nhà đã xây nhà vệ
sinh, tuy nhiên vẫn còn rất thô thiển, dù sao cũng đỡ hơn cái "cầu tõm"
ngày nào. Ông anh con bác tôi từ miền Trung vào đã kể: "Dân miền Tây vui thật! Anh đã thấy một cô
gái ngồi bên cầu tõm phía này thò đầu nói chuyện với một anh chàng ở cầu
tõm bên kia"...
|
Một người mẹ quê gặp trên đường làng |
|
Đường làng bên ao bèo dâu xanh |
|
Đàn vịt xiêm tắm mát |
|
Lên bờ |
|
Lũy tre |
|
Cánh đồng và hàng dâm bụt dưới nắng trưa hè |
|
Trên đường về |
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa được nhắc nhở, có chuyện buồn chuyện vui, cười ra nước mắt. Lần này khi chia tay, chúng tôi cũng được các chú bác, anh chị ở ấp Hòa Trí ôm chầm bắt tay lưu luyến hẹn ngày tái ngộ. Hình như trước chuyến đi, đã có thông tin chúng tôi kéo nhau về lan ra khắp xóm nên trên đường đi, có nhiều người không quen cũng cười chào và hỏi có phải chúng tôi là lớp sinh viên năm ấy không. Sáu ở đâu lại chạy theo đưa tôi đi thêm một quãng, tay vẫn cầm liềm cắt cỏ: "Đưa chị ra một khúc rồi em dìa đi mần tiếp." Khi đã ra xe, lại thấy người xách ra buồng dừa, bao bố đầy bưởi da xanh "ăn lấy thảo" mà đầy ắp tình người.
......
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi (*)
Trên con đường làng, có rất nhiều lá tràm, lá me rơi. Lá rơi là hình ảnh của chia tay, của ly biệt. Chia tay với kỷ niệm, với những ngày thơ ngây trong quá khứ, lòng bỗng nao nao như cánh hạc chao đảo. Cổng vào ấp Hòa Trí giờ là cổng ra. Bỗng thấy nó như là cái cửa động "thật" chứ không phải "ảo" của các "tiên" Việt Hán. Và lại sẽ nhớ sẽ thương sẽ mong ước cho đời sống của cái xóm nghèo này, những bác Hai anh Năm, Bé Sáu ... sẽ khá hơn. Không biết đến bao giờ ...
NGUYỄN DIỆU TÂM
(*) Tống Biệt - Thơ Tản Đà