Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

HAPPY NEW YEAR 2013!

Nguồn: facebook.com/olasz.nyelv

Bạn đã làm được gì trong năm vừa qua và chờ đợi điều gì khi năm mới đến?

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

MÙA SĂN VÀ NAI VÀNG NGƠ NGÁC


Khi chiếc lá vàng thứ nhất khẽ khàng rơi xuống mặt đất. Rồi chiếc lá vàng thứ hai. Chiếc lá vàng thứ ba. Ta biết mùa thu đã về!
Cùng với gió heo may, cả rừng lá vàng xôn xao. Thu đã về!
Có những bài thơ về mùa thu, trong đó có Tiếng Thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô ?
Chỉ cần tiếng lá rơi xào xạc thôi là cả một mùa thu lộng lẫy đã trở về.
Và hình ảnh con nai, một con nai vàng ngơ ngác, dường như luôn là hình ảnh đẹp gắn liền với mùa thu và lá vàng.

Animal Story/Face Book

Một buổi sáng, tôi nhận được tấm ảnh người bạn chụp với một con nai vàng. Ồ, một con nai! Hình ảnh con nai uống nước bên bờ suối, dưới ánh trăng đẹp và nên thơ lắm. Thoạt tiên tôi thích thú khi thấy con nai nằm xuống bên anh. Rồi tôi nhìn thấy trong tay anh có cây súng săn. Tôi viết cho anh: "Anh, anh làm gì với con nai vậy?"
Phải vài ngày sau anh mới trả lời: "Anh không nói cho em biết đâu!" Tôi không hỏi nữa, vì cũng có thể đoán ra rồi.
Vào một ngày cuối thu, anh cho tôi biết nơi anh sống đang vào mùa săn. Đầu tiên là săn loài sóc nhỏ, chim trĩ, gà rừng, rồi săn nai. Năm nay, đầu tháng 11 anh sẽ vắng mặt khoảng 10 ngày để tham gia mùa săn này. Vào rừng, ở những khu vực để bảo tồn thiên nhiên nguyên thủy thì không có Internet. Tôi hỏi: Vậy thì làm thế nào anh có thể email cho em biết được mùa săn sẽ diễn ra như thế nào? 
Trong trang web của Cục Tài Nguyên Thiên Nhiên Tiểu bang cho biết năm nay số lượng nai tăng trưởng rất nhiều so với năm trước. Hiện có khoảng 1 triệu con, do mùa đông năm trước không quá lạnh và mùa xuân ấm áp đến sớm ngay sau đó.
Anh giải thích: Đi săn ở đây, không chỉ là thú tiêu khiển như nhiều người vẫn nghĩ, mà còn là một cách để làm "quân bằng thiên nhiên". Em biết không, số lượng nai nhiều và phát triển nhanh nếu không giảm bớt thì chúng sẽ phá hoại vườn tược, mùa màng, hoa màu của nông dân. Có khi chúng ăn hết cả cánh đồng hoa đang nở rộ của mùa xuân, hay làm thiệt hại nặng nề các cánh đồng bắp ngô bát ngát xanh tươi đang chờ đến mùa thu hoạch!
Tôi hỏi: Không có cách nào khác sao anh? Thí dụ các nông trại tìm cách làm hàng rào che chắn lại? Hoặc trồng rau hoa trong nhà kính như Đà Lạt của Việt Nam hiện nay đang làm?
Anh trả lời: Nông trại người ta rộng hàng ngàn hectare, bao la bát ngát, làm sao mà làm hàng rào nổi! Nếu cứ để nai sản sinh thoải mái, lang thang tự do trong rừng thu cho những người như em mơ mộng, làm thơ, thì ... chẳng bao lâu sau, Tiểu bang này chỉ còn toàn là nai sinh sống mà người thì biến mất hết!
Anh bảo, anh chỉ là thợ săn "tài tử". Bên cạnh việc quân bằng thiên nhiên, săn bắn nơi này còn là một trò chơi có luật cho cả người lẫn thú, theo luật của tiểu bang nơi anh ở. Vào mùa săn nai bằng súng chẳng hạn, mỗi ngày bắt đầu vào nửa tiếng trước khi mặt trời mọc và kết thúc vào đúng lúc nửa tiếng sau khi mặt trời lặn, nếu ai bắn trước hay sau giờ đó cũng đều có thể bị phạt nặng, tiền hay tù, có thể cả hai. Không phải mùa săn mà đi săn thì có thể còn bị phạt nặng hơn.

Animal Story/Face Book



Thông tin từ trang The Post Review mà tôi đọc được, vào năm 2011 số thợ săn được cấp giấy phép tham gia trong mùa săn nai là 500.000 người, số nai thu hoạch được là 192.300 con nai. Từ những năm 1960 việc săn nai quá nhiều đến nỗi người ta phải ngưng vào năm 1971 và vào những thập niên 70, 80, 90 các bầy đàn hươu nai được nuôi dưỡng trở lại. Năm 2003 số nai thu hoạch lên đến 270.000 con. Ngày nay, Cục Tài Nguyên Thiên Nhiên quản lý dân số hươu nai dựa trên các mục tiêu của đầu vào.
Tôi yêu thiên nhiên. Yêu những cánh rừng. Dù biết khi vào rừng sâu cũng nguy hiểm như khi xuống biển. Tôi cũng yêu những con thú, kể cả thú dữ, thú xấu. Tôi tin là không có con thú nào dữ, kể cả con cọp. Không có con thú nào xấu, kể cả con đười ươi. Hình ảnh những con thú mà tôi thích nhiều nhất từ lúc còn bé cho đến bây giờ qua những phim, truyện có hình của Walt Disney như nai Bambi, Chú bé rừng xanh Mowgli, Vua Sư Tử v.v... 
Trong những câu chuyện cổ tích mà vai chính là những nàng công chúa, thường xuất hiện những chàng hoàng tử. Người thợ săn chỉ là những vai nhỏ, phụ. Bộ phim Nàng Bạch Tuyết Và Chàng Thợ Săn tôi mới xem cách đây không lâu thì khác, chàng thợ săn chiếm vai trò quan trọng bên nàng công chúa mà không phải là hoàng tử, đem lại sắc màu mới cho câu chuyện, dù tôi không thích lắm hình ảnh nàng Bạch Tuyết ngây thơ đã bị thay đổi thành nàng Bạch Tuyết dũng mãnh cầm đầu cả đội quân chiến đấu lại với bà phù thủy và đoàn binh ma của bà. Trong truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, một người thợ săn được lệnh hoàng hậu lừa Bạch Tuyết vào rừng để lấy quả tim của nàng nhưng vì không nỡ ra tay, người thợ săn đã thả cho nàng chạy trốn vào rừng sâu. Cũng vậy nhưng còn hơn thế, chàng thợ săn trong bộ phim mới của đạo diễn Rupert Sanders đã dũng mãnh chiến đấu để bảo vệ nàng công chúa bé bỏng và còn hướng dẫn nàng cách chống trả lại kẻ ác. Những con thú rừng đáng yêu vẫn bên cạnh nàng. Tuy nhiên, cảnh này vẫn không ấn tượng như những hình ảnh trong phim hoạt họa của Walt Disney mà tôi luôn rất thích, lúc Bạch Tuyết lạc đến nhà 7 chú lùn, thấy nhà bẩn quá nàng ra tay dọn dẹp. Thế là lũ chim, sóc, nai xúm nhau giúp nàng. Sóc thì dùng đuôi quét nhà. Nai thì tha quần áo 7 chú lùn ra suối giặt. Chim ngậm hai đầu vải quay vòng vòng để vắt khô áo. Ôi những con thú nhỏ dễ thương của tôi bây giờ đang bị hàng trăm thợ săn nhắm bắt để quân bằng thiên nhiên.

Bạch Tuyết & Bảy Chú Lùn - Phim hoạt họa của Walt Disney

Nàng Bạch Tuyết ( Rachel Weisz ) - Disney

Tôi nói với anh là ước gì có một nơi khác, một khu rừng thật xa mà các thợ săn không thể đến được cho những con nai xinh đẹp lánh nạn! 
Rồi tôi cũng cầu trời, sao loài nai không chỉ ăn cỏ dại thôi, phá hoa màu mùa màng làm gì cho bị săn bắt, nai ơi!
Mà tôi cũng cầu cho các tay săn ... bắn hụt!
Nhưng người ta có lý. Một triệu con nai thì nhiều quá!
Tôi cứ luẩn quẩn suy nghĩ về các giải pháp. Những ước ao của tôi xem ra chẳng thực tế chút nào, làm gì mà có một nơi xa cho nai ẩn trú, làm gì mà nai chỉ ăn cỏ dại, hay các tay thợ săn ... bắn hụt!
Tôi nhớ đến một bộ phim nào đó xem đã lâu, có một thành phố tràn ngập chuột mà người ta không biết làm thế nào để ngăn chận chúng lại. Một ngày kia có con tàu cập bến, trên tàu có một con mèo hoang. Thủy thủ thả con mèo xuống. Vậy là chuột chạy tán loạn. Nhưng không đủ vì chuột quá nhiều. Thành phố nhập thêm mèo vào, chẳng bao lâu nơi đó bớt chuột. Tôi lại nghĩ, rồi lỡ sẽ có ngày loài mèo sinh sôi nảy nở nhiều quá thì sao nhỉ?
Mà thôi, hãy khoan nói đến chuyện loài mèo. Ở đây, tôi đang nói về chuyện nai. Săn nai về, người ta sẽ làm gì với nai? Tôi hỏi anh có thể nào đừng bắn mà chỉ bắt chúng, rồi đừng ăn thịt chúng mà chỉ bỏ chúng vào chuồng nuôi hay không? Lại nhận được câu trả lời là không. Ở đây người ta không thích nuôi nhốt thú. Thiên nhiên bao la thế kia, hãy để cho những con thú bay nhảy với núi rừng. Và Thượng đế sinh ra loài thú làm gì mà không để cho con người lấy thịt!
Tôi nghĩ, anh nói cũng đúng, không lẽ bắt toàn thế giới ... ăn chay? Có nhiều tôn giáo vẫn khuyên người ta không sát sinh, hoặc mỗi tuần ăn chay 1 ngày, hoặc có nơi không ăn thịt heo, có nơi không ăn thịt bò v.v...


Đôi bạn  Animal Story / Face Book )

Ở xứ sở của tôi, người ta đi săn nai để lấy thịt, lấy gạc nhung chế thuốc bổ, hoặc còn chế biến nhiều món khác. Món cháo nai rất bổ nên đắt tiền.Tôi cũng biết người ta còn lấy đầu con hươu, nhất là những con có nhánh sừng đẹp, phơi khô rồi treo lên tường như một chiến lợi phẩm sau mùa săn. Để chứng minh rằng mình từng là tay thiện xạ, tay súng bách phát bách trúng. Mỗi lần đi đến đâu nhìn thấy những cái đầu hươu nai, đầu gấu hay những con thú phơi khô, tôi không dám nhìn.
Ngày xưa, hình ảnh người thợ săn cũng gần như người chiến binh. Oai hùng lắm. Đẹp lắm. Người chiến binh bảo vệ đất nước, dân tộc mình. Còn người thợ săn góp phần cung cấp thực phẩm cho con người, khi chưa có các nông trại thú nuôi. Ngày nay quan niệm về người thợ săn có khác, nếu công khai như luật của Mỹ, thì là người giúp chính phủ trừ thú hại cho mùa màng, còn lại là không hợp pháp nếu anh ta săn bắt thú để làm thương mại, hoặc phục vụ cho mục đích của những nhà sưu tập nào đó.
Hôm qua tôi vừa xem được trên TV National Geographic Channel bộ phim "Search For the Amazon Headshrinkers" do Piers Gibbon, một nhà thám hiểm người Anh thực hiện, kể lại quá trình đi tìm nguồn gốc nơi có phong tục thu nhỏ đầu người dành cho những kẻ thù của một bộ tộc sinh sống trong rừng Amazon, mà ông ta đã xem được qua một đoạn phim ngắn do nhà thám hiểm Bielawskis quay vào năm 1960. Buổi sáng sớm có nhiều việc để làm, nhưng bộ phim hấp dẫn quá làm tôi phải ngồi xem cho hết. Một phong tục thật dã man rùng rợn đối với thời đại văn minh ngày nay, nhưng đối với bộ tộc đó lại là sự hãnh diện của họ về những chiến binh tổ tiên và phong tục từng có của họ ngày xưa với mục đích bảo vệ lãnh thổ. Khi được hỏi họ thấy "vật phẩm" đó như thế nào, họ trả lời: Rất đẹp! 
Thật ra những suy nghĩ liên hệ của tôi có phần khập khiễng. Con người khác xa con thú dữ. Con thú dữ khác con thú hiền. Con thú rừng khác thú nuôi. Con nai khác con gà... Tuy nhiên, tôi vẫn thường nghĩ nếu người ta có thể làm điều gì đó thật nhỏ, rồi người ta cũng có thể làm điều gì đó lớn hơn, lớn hơn nữa, thậm chí là không được luật pháp cho phép, hay lương tâm con người không chấp nhận. Đã có trường hợp quá đỗi dã man khi một chàng trai ghen quá hóa rồ, sát hại người yêu của mình bằng con dao mổ lợn. Rồi một kẻ sát nhân khác, cũng xuất thân từ một gia đình chuyên làm thịt lợn. Có ý kiến cho rằng đó là những kẻ có vấn đề về thần kinh, hoặc mất nhân tính. Tôi không biết người ta có thể giáo dục con cái mình tốt ngay trong một môi trường mà đứa trẻ nhìn thấy mỗi ngày chuyện cha mẹ mình hoặc người chung quanh làm như một việc tự nhiên hay không? Đứa trẻ có phân biệt được con người khác với con thú?  "Nhân chi sơ tánh bổn thiện". Con người lúc sinh ra tánh vốn thiện. Đến khi tánh không còn thiện thì tại vì sao? Nguyên nhân?
Bà mẹ Mạnh Tử từng tha con đi khỏi căn nhà có người hàng xóm mổ lợn, rồi tha con đi khỏi chợ, cuối cùng chỉ yên tâm khi con được ở gần trường học. Đúng là một bà mẹ vĩ đại của một thánh nhân. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Cho dù ai cũng hiểu Gia đình - Xã hội - Giáo dục cần phải luôn sát cánh bên nhau, liên kết nhau để đào tạo những công dân tốt cho đất nước.

Nai rừng trong mùa đông  ( I love winter / Face Book )

Trở lại với loài nai xinh đẹp của tôi. Tôi đang hình dung ra bìa rừng tuyệt đẹp của một nông trại nào đó phía đông bắc Tiểu bang. Buổi sáng sớm có gió lạnh thổi về và tuyết rơi nhẹ. Rừng cây thưa lá phơn phớt màu tuyết trắng. Có con hươu sao đang nhẩn nha ăn cỏ. Vài con khác đang uống nước bên hồ. Có tiếng động, chúng ngước những đôi mắt nai lên nhìn, ngơ ngác, đúng là "nai vàng ngơ ngác".
Một tiếng súng, rồi tiếng súng tiếp theo, cả khu rừng râm ran như tiếng pháo nổ. Mùa săn bắt đầu. Với con người thì đó là trò chơi, vui như ngày Tết. Với loài nai thì là ngày cuối cùng. Sau đó thì có con còn, có con mất. Những con nai đẹp đẽ đáng yêu trong các bức ảnh này đây rồi sẽ đi về đâu? 
Nai ơi, chạy đi. Chạy thật xa đi! Hãy tìm một cánh rừng nào thật xa và biến đi, đừng quay trở lại nữa. Tôi chợt nghĩ, có bao giờ loài nai sợ hãi quá mà rồi sẽ chẳng còn ai nhìn thấy hình bóng nai vàng uống nước bên bờ suối trong những đêm trăng? Rồi không chừng chẳng còn nghe bước chân nai vàng xào xạc trên lá mùa thu!
Thế nhưng mà, 1.000.000 con nai thì nhiều quá, chiếm gần đến 1/5 dân số của Tiểu bang theo thống kê mà tôi đọc được từ trang Wikipedia mới đây, chưa kể bao nhiêu loài thú khác!




Nai và Hổ trong vườn thú Đại Nam ( Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm )
  
Rồi bỗng dưng mà từ mùa săn tôi vừa được biết, tôi lại thắc mắc thêm nhiều chuyện liên quan về những loài thú khác ở những nơi khác. Không phải chuyện của tôi, nhưng tôi vẫn muốn tò mò được biết các nhà bảo tồn động vật hoang dã sẽ có ý kiến gì. Tôi lại đọc được vài bài báo về chuyện săn bắt thú. Có những nơi khác như Indonesia, ở khu vực Kalimantan trên đảo Borneo, mỗi năm có đến hàng trăm con đười ươi bị săn bắn lấy thịt hoặc để trừ hại cho mùa màng. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học khi ước tính số đười ươi cái và cả đười ươi đực bị giết hại mỗi năm đặt ra vấn đề đười ươi Borneo trước mối đe dọa sống còn.
Theo nhà sinh thái học Amy Dickman, thuộc trường Đại học Oxford (Anh) cho biết bà không hề ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu này, bởi lẽ “con người luôn đặc biệt quan tâm đến việc mất nơi cư trú của mình, nhưng bản thân lại thường là nguyên nhân dẫn tới điểm giới hạn sinh thái (tipping point), buộc các loài động vật hoang dã xâm nhập vào nơi cư trú của mình, gây ra các cuộc xung đột giữa con người và động vật, khiến chúng bị giết”.
Cũng theo bà, để chấm dứt tình trạng xung đột giữa người và động vật, cần chỉ cho con người cách chung sống hòa bình với các loài động vật. Một thí dụ, tại Tanzania, Nhóm Nghiên cứu - Bảo tồn Động vật Hoang dã ( WildCRU ) của bà Dickman đã giúp người dân lập những hàng rào cải tiến bảo vệ gia súc. Giải pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể số cuộc tấn công vật nuôi của những loài thú ăn thịt lớn.Trước đó, các cuộc tấn công thường diễn ra 2 tuần/lần, nhưng đến nay đã không còn xuất hiện nữa. (*)


Nai & Hổ trắng  ( Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm )

 Đọc tin này tôi cảm thấy vui vui. Vậy là ý kiến của tôi khi hỏi anh "Không có cách nào khác sao anh? Thí dụ các nông trại tìm cách làm hàng rào che chắn lại sự đột nhập của thú hoang?" xem ra cũng đã từng được WildCRU áp dụng như một trong nhiều giải pháp của họ rồi, dù tôi hiểu rằng cuộc chiến giữa con người và thú hoang thiên nhiên vẫn còn phải tiếp diễn không bao giờ có thể chấm dứt...


NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh: 1,2,3,4,5,6 Từ Google, Disney, Animal Story & I Love Winter / Face Book 
(*) Nguồn: www.baomoi.com
 

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Chỉ Để Nhớ Một Người

Mưa,
Lũ én nhỏ bay tìm chỗ ngụ,
Trên nóc giáo đường.
Nghiêng nghiêng tìm kỷ niệm,
Vương vãi dưới chân người ...

Mưa,
Đi về đâu, về đâu?
Lời cầu nguyện năm nào có ai còn nhớ?
Không là người có đạo,
Nên em chẳng hề tin...

Anh viết thư từ vùng hoang vắng xa xôi,
Chung quanh chỉ là nắng và cát,
Gió Hạ Lào khô khốc,
Vẫn nhớ ngôi giáo đường,
Lời nguyện cầu có em nghe...

Lá thư viết đi rồi chẳng bao giờ gửi,
Em có nhận rồi cũng không thể hồi âm.
Trái tim chỉ yêu một lần,
Lũ én nhỏ trên nóc giáo đường có biết!

* NGUYỄN DIỆU TÂM

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

LẠC BƯỚC RỪNG THIỀN

Đó là một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây. Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào tiên cảnh với mây trắng mờ ảo phủ vây núi non trùng điệp, rừng thông xanh thẫm, những mặt hồ trong vắt lung linh phản chiếu bầu trời và cỏ hoa tươi đẹp. 


Trước khi đến nơi này, tôi có nghe nhiều người nói về ngôi chùa nổi tiếng cùng cảnh vật thần tiên nơi đây và vị sư trụ trì vô cùng tài hoa. Vừa đi tôi vừa nghĩ đến những câu thơ tuyệt đẹp của thi sĩ Phạm Thiên Thư:
"Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau.
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một giòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông..."
(1)
Không hiểu sao tôi đã quên mất hai chữ "nhớ nhau" mà trong đầu tôi chỉ có hai chữ "ngủ quên". Xin mạn phép nhà thơ Phạm Thiên Thư cho tôi tạm đổi một chút trong hai câu đầu tiên của bài thơ "Động hoa vàng" khi tôi đang trong cảnh giới này :
 "Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ... ngủ quên"!


Thanh tịnh

Tôi không biết vị sư trụ trì chùa, Tỳ khưu Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh, có phải đã là "quan" để "từ" hay không, nhưng chắc chắn một điều là ông đã từ bỏ cuộc sống của con người bình thường đầy hỉ nộ ái ố để bước chân vào chốn Thiền môn thanh tịnh. Tuy nhiên, sau đó khi gặp ông rồi, tôi mới hiểu ông không hề bỏ quên cuộc đời, thân ông bỏ nhưng tấm lòng của ông đối với đời được san sẻ từ bi bao la. Là bậc cao tăng uy tín, đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, ông còn là một nhà sư giỏi thơ văn, hội họa và mỹ thuật, đặc biệt nổi tiếng về thư pháp. Phần lớn những xây dựng ở rừng Thiền này được các sư thầy làm bằng tay, từ những cái am, đình, những ao sen, đến những chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc ngang qua hồ. Cả cánh rừng thơ mộng này nào đâu ông chỉ hưởng riêng mình, mỗi góc vườn xinh đẹp là một món quà tặng cho khách thập phương, mỗi câu thơ trên đá là một lời nhắn nhủ, là ánh sáng soi rọi vào hồn người trần thế. Trước đây ngoài đời Sư là thầy Nguyễn Duy Kha, từng là giáo sinh khóa 2 trường Sư Phạm Quy Nhơn. Xuất gia năm 1973, thọ giới Sa di năm 1973 và thọ giới Tỳ kheo năm 1977 tại chùa Tam Giới, Đà Nẵng. Sau đó Sư sáng lập chùa Huyền Không từ một mái lá dưới chân đèo Hải Vân năm 1978. Đến năm 1989, Sư thành lập Huyền Không Sơn Thượng II, rộng 50 ha., chính là nơi chúng tôi đang đến.

Lối vào Huyền Không Sơn Thượng

Con đường đất đỏ dẫn đến Huyền Không vẫn còn hoang sơ và gập ghềnh không dễ đi, thế nhưng khi đến nơi rõ ràng là một khung cảnh thần tiên thơ mộng đang hiện ra trước mắt mọi người.
Bước qua rừng thông mà lá thông vàng lót dày êm ái dưới mỗi bước đi, vừa đi vừa ngắm những ao sen trắng điểm hoa súng tím, tâm hồn tôi chợt dịu nhẹ một cách lạ lùng. Đi đến đâu ta có thể thấy thơ đến đó. Những câu thơ được khắc theo kiểu thư pháp bay bướm trên đá, trên gỗ... Tôi không ghi chép lại nổi hết tất cả những câu thơ đã rải trên đường, cứ mỗi khoảng cách vài mét là có một phiến đá, một tấm gỗ thông với thơ. Từ lối vào rừng Thiền là một bảng nội quy bằng thơ:
 "Là người lịch sự văn minh,
Giữ gìn chút cảnh chút tình sau đây:
Không nên đốn củi, chặt cây.
Không nên nhóm lửa lan lây cháy rừng.
Không nên xả rác lung tung,
Không nên câu cá, cũng đừng bẻ hoa.
.....
Để còn chút mộng chút mơ,
Để còn nét chữ câu thơ ... hồn thiền."

Nội quy

Không biết có phải vì cái bảng nội quy rất "thơ" đó hay không mà tuyệt nhiên trên quãng đường dài hơn cây số đến Am Mây Tía, nơi ở của tỳ khưu Giới Đức, mọi thứ đều đẹp đẽ, sạch sẽ dù rải rác đây đó tôi thấy có nhiều nhóm khách thập phương cùng đến viếng chùa. Cây cối được chăm sóc tốt tươi, hoa lá tưng bừng, trong nhiều cái ao bên đường những bông súng màu tím tươi vui khoe sắc. Chúng tôi đi qua những chiếc cầu bằng gỗ, một khu rừng thông, vườn trúc, thấp thoáng qua rừng cây những mái chùa cong cong hết sức nên thơ. 
Từ lúc bước vào rừng Thiền tôi đã nghĩ vị trụ trì này rất lạ. Rất tài hoa, lãng mạn khi tạo dựng được cả một khu rừng và cảnh chùa theo lối vườn Huế thi vị như thế này. Ngoài rừng thông, vườn trúc, vườn kiểng hơn 100 chậu non bộ, những ao sen hồng, súng tím, còn có cả một vườn lan khoảng 200 loại lan quý bốn mùa khoe sắc là Mặc Lan, Đông Lan, Tứ Thời, Hồng Điểm, Bạch Ngọc, Nhất Điểm Hồng, Đại Kiều, Tiểu Kiều v.v... cùng một vườn hồng phía trước với hàng trăm loại hồng: Hồng Bạch, Hồng Nhung, Hồng Vàng ... Rải rác đây đó là những mái am, ngay cả điện thờ Phật chính cũng nhỏ nhắn xinh xắn, kiến trúc đơn giản mộc mạc. Tất cả đều toát lên tinh thần và tâm hồn Việt, không chút lạ lùng ngoại lai. Tôi cũng nhận thấy ông chịu ảnh hưởng nhiều từ thơ Thiền của các vị thiền sư. Ngay bức tường đá trên đường vào là bài  thơ của thiền sư Viên Minh:
"Viết bài thơ trên cát,
Con sóng vỗ xóa đi.
Vô tình đâu nhớ được,
Mình viết bài thơ gì."

Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng

Nhóm bạn của chị tôi đã đi đâu từ lâu, tôi vẫn còn thơ thẩn trong rừng thông nghe chim hót và ngắm những bông hoa bên đường. Rồi tôi đi theo những câu thơ. Chợt cảm thấy như mình đang sống trong câu chuyện cổ tích lạc vào rừng xanh và tìm về nhà theo những viên đá đánh dấu được viết bằng thơ trên đường. Rất thích thú với một số câu thơ được khắc trên đá và gỗ trên đường vào:
"Bước đi ai nhớ dấu chân,
Khói sương khỏa lấp tiền thân thuở nào"
 
Ở một góc khác:
"Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ,
Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô”

Hay:
"Thương ai đá đứng, cỏ nằm
Khói sương cảo lục, con trăng cõi về". 

Rừng trúc

Trước cổng tam quan nhà chùa theo dáng cây trúc có một cái bảng gỗ "Phong Trúc Am" và hai câu đối buông hai bên:
"Rừng gió vi vu rớt một tiếng chim, sao tĩnh lặng.
Khóm trúc xào xạc, rụng vài chiếc lá, động vô thanh"
Thấp thoáng đã thấy Am Mây Tía:
"Hang xanh mây tía ẩn cư,
Phương này trăng nước thi thư tọa đàm"
Nơi đây treo rất nhiều thư pháp:
"Một cõi cỏ thơm, thơ núi lặng,
Bốn bề mây trắng bút non xanh."
Một số câu thơ nhắc nhở con người nhớ về cha mẹ:
"Cha cho gánh chữ ngần vai,
Mẹ cho giọt nắng soãi dài tuyết đông".
Hay chiêm nghiệm về cuộc đời:
"Đường đời vút cánh chim hồng,
Lối về chi sá bão dông tình đời".

Phương Thảo Địa

Tôi đi qua một khu vườn, cổng mang bảng gỗ "Phương Thảo Địa", lối vào vườn cỏ thơm. Ba chữ này có lẽ đã được Tỳ khưu Giới Đức lấy ý từ một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, nhà thơ đời Đường khi nói về thú ăn chơi tao nhã bốn mùa của thi nhân:
"Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi" (2)
Xin tạm dịch nghĩa:
"Xuân thăm miền cỏ thơm
Hạ ngắm ao sen biếc
Thu uống rượu cúc vàng
Đông ngâm thơ tuyết trắng"

Vườn hoa trước chánh điện chùa Huyền Không
 
Càng đi, tôi càng thấy rất thích những cái tên mà Sư thầy đã đặt cho từng khu vực, với những câu đối hay:
"Bút vẫy rừng không, mây gió buâng khuâng, trăng sáng chữ
Thơ chơi lũng vắng, khói sương lãng đãng, đá ngời văn!."

Ở Am Mây Tía:
"Thiền đạo vô ngôn hoa cỏ nói,
Kinh Thư đa nghĩa nước trăng cười"

Tại Nghinh lương đình :
"Lãng đãng càn khôn, thơ thắp con tim, tình ấm lại 
Phiêu bồng nhật nguyệt, thiền soi nét bút, chữ trong hơn"
Cùng hai câu thơ thật đẹp:
"Nghe đạo, hương rừng theo gió đến
Đọc thơ, trăng sáng vượt non về!"


Vì vậy muốn viết về Huyền Không có lẽ không cần phải tả tình tả cảnh nhiều, dường như những câu thơ của Tỳ khưu Giới Đức đã nói lên được hết vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Ta không ngửi và vẫn cảm thấy dường như mùi hương rừng đang ngào ngạt thoảng về. Ta không thấy mà vẫn tưởng như trên đầu non đã có vầng trăng tỏa sáng, thứ ánh sáng trong trẻo tinh khôi chỉ ở vùng rừng núi nguyên sơ mới có.


Thư Pháp Đình

 Thư Pháp Am, nằm đối diện với đồi thông bên kia Sơn Ảnh Hồ, là nơi trưng bày thư pháp và cũng là nơi để tao nhân mặc khách ghé thăm mặc sức họa thư pháp bằng bút tre trên giấy:
"Chữ chẳng là mây, thăm phố chợ, dạo non xanh, sương khói lơ thơ hòa khí bút
Thơ đâu phải nước, ngủ suối trăng, mơ sông biếc, rong bèo lác đác dệt tình văn"
Dễ thương nhất là hai câu được đặt ngay dưới thềm bước vào chánh điện lễ Phật:
"Xin khách để bụi dưới thềm,
Cho thơm cửa Phật, cho thiền nở hoa"
Hai câu này vừa dí dỏm, hiền hậu và rất thơ khi nhắc khách thập phương nhớ bỏ giầy dép bên ngoài, thật là dễ thương chưa thấy nơi đâu có.

Chánh điện Chùa Huyền Không
 
Phải nói rằng khi viếng thăm cảnh chùa Huyền Không, ngoài những bức thư pháp, tôi rất thích thú với những cái tên được đặt cho các am, đình ở đó như Am Mây Tía, Am Trăng Ngủ, Nghinh Lương đình v.v...
Nhóm các anh chị mà tôi đi cùng đều là giáo sinh Cao đẳng Sư Phạm Quy Nhơn khóa 7. Khi nghe các anh chị giới thiệu, sư thầy Giới Đức cũng nói rằng thầy là đồng môn khóa 2. Rồi thầy tặng cho chúng tôi mỗi người một cuốn Con Gái Đức Phật, một cổ sử truyện về "hành trạng của chư Thánh Ni và những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng" (3)
Thầy cũng giải thích vì sao có tên "Am Mây Tía", đó là lấy từ ý thơ Thiền của Vua Trần Nhân Tông, người đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc lên núi Yên Tử tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào đầu thế kỷ 14.

Am Mây Tía
 
Những bài kệ trong sách được tác giả diễn dịch hay như thơ. Thấy có mấy tập thơ đẹp tôi xin mua nhưng Tỳ khưu nói sách đã hết, đó là những tập cuối cùng còn lại nên thôi, lòng thấy tiếc.
Khi chúng tôi khen cảnh chùa quá đẹp, tỳ khưu nói rằng ông chỉ muốn đem đến cho khách thập phương niềm hạnh phúc của sự cảm nhận cái đẹp thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng đó là một mong muốn vô cùng từ bi, đẹp đẽ của một vị cao tăng đáng kính.  
Trên đường về, lòng tôi vẫn thấy nao nao vì những gì đã được chiêm ngưỡng. Một ngôi chùa đơn sơ, không đồ sộ, bằng gỗ rất khiêm tốn đơn giản, làm bằng tay đôi chỗ thật đơn sơ nhưng sao rất vấn vương lòng người từ cảnh vật đến lời thơ. Phải chăng do vị sư trụ trì tài hoa uyên bác đã thổi hồn vào cho thiên nhiên cảnh vật thêm hữu tình hữu ý? Tôi lại nghĩ đến những ngôi chùa đồ sộ ở thành phố với kiến trúc cầu kỳ nặng nề gây cảm giác chật chội nhức mắt. Về Huế, đi thăm chùa Thiên Mụ, nơi tôi đã quy y với Cố Thượng tọa Thích Đôn Hậu từ những ngày còn bé, dù còn phảng phất mùi hương kỷ niệm thời thơ ấu thường theo mẹ đến chùa nhưng dường như đã không còn cảm giác thanh tịnh thơ mộng như ngày xưa khi nay có quá nhiều đoàn du khách theo chương trình du lịch nhồi nhét cho đầy và mỗi lần đến tham quan chỉ được giới hạn trong chừng nửa tiếng để rồi vội vã xuống thuyền ngược dòng sông Hương về lại thành phố. Tôi cũng không thích các hàng quán thương mại và dịch vụ ăn theo du lịch ồn ào bên ngoài, đã làm mất đi nhiều vẻ tôn nghiêm và nét đẹp thơ mộng dưới chân chùa Thiên Mụ.

Mặt hồ soi bóng núi

Cái đẹp ở Huyền Không là cả một không gian Thiền tĩnh mịch, sâu lắng. Vắng vẻ vì khá xa thành phố, nhưng cảnh quan tạo cho du khách cảm giác trở về với thiên nhiên nên thơ mà rũ bụi trần. Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến, chỉ còn ước mơ:
"Tôi đang mơ giấc mộng dài,
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh"! (4)


NGUYỄN DIỆU TÂM
Tháng 8. 2012 

(1) Động Hoa Vàng - Thơ Phạm Thiên Thư
(2) Tứ Thời Thi - Thơ Thôi Hiệu
(3) Trích trong tác phẩm "Con Gái Đức Phật" của Tỳ Khưu Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(4) Mơ Giấc Mộng Dài - Nhạc Phạm Duy