Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

RẰM THÁNG TÁM VÀ CHIẾC BÁNH TRUNG THU

Còn một tuần nữa là đến ngày rằm Trung thu. Các bạn mình có thích ăn bánh Trung thu không? Mình nghĩ là sau này bánh trái có quá nhiều và đủ loại trên thị trường và người ta ít thích ăn ngọt nên bánh Trung thu cũng ế hơn ngày xưa, khi chúng ta còn nhỏ phải không? Ngày đó, mình cũng thích rước đèn, làm lồng đèn, ăn bánh Trung Thu. Còn bây giờ hình như ... không thích nữa, chỉ nhớ mà thôi!
Hai hôm trước, có một ông khách hàng quen cũ - Mr Lee, từ Singapore qua VN, mời đi ăn tối. Sau khi ăn ở Wrap & Rolls ( quán này bán toàn món ăn cuốn như chả giò, bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh xèo cuốn rau cải, v.v... ) thì đi uống cafe nhưng vì sợ uống cafe ban đêm không ngủ được nên mình nói muốn ăn kem. Đến tiệm kem Fanny gần đó của 1 người Pháp làm rất đẹp phần trang trí bánh và ice cream. Ngạc nhiên khi thấy họ làm cả bánh Trung thu bằng kem va chocolate. Hình này mình lấy từ website của họ. 


 
Tiếc không đem theo camera. Mr Lee có lấy điện thoại chụp hình - lúc ăn nửa chừng rồi mới nhớ là rất nên chụp hình cái bánh. Tiệm đã đặt cái bánh trên dĩa sứ trắng, có lót caramel vàng nâu, vài lát dâu màu đỏ tươi và một nhánh rau mint xanh ( bạc hà ). Đẹp nhất là một đóa hoa sen trắng ngà đặt bên cạnh, cánh sen bằng chocolate trắng, có cả nhụy sen thật, nhưng nhỏ xíu bằng đầu ngón tay út thôi. Cô gái quản lý tiệm kem giải thích nhụy sen này được lấy từ một loại sen nhỏ xíu ( mình thì nghĩ có lẽ là nhụy hoa súng ). Tiệm còn dọn thêm 1 bình trà sen thơm ngát và 2 chung trà cũng nhỏ xíu đường kính chừng 2 cm. Riêng bánh Trung thu thì vỏ bánh bằng chocolate nâu, bên trong nhân là ice cream dừa, nhân "trứng hột vịt muối" thì bằng xoài và sầu riêng màu vàng. Có 4 loại bánh Trung thu kem tươi ở Fanny:
01- Kem trà xanh, Vani Macadamia và Cam, Sô cô la trà xanh và kem tươi.
02- Kem sô cô la đen, hạt phỉ và cà phê sô sô la, sô cô la sữa và kem tươi.
03- Kem sầu riêng, Xoài và Dừa, Sô cô la đen và kem tươi
04- Kem sữa chua Dâu, Stracciatella, Chanh dây Sô cô la trắng và kem tươi.
Phần trang trí đẹp, kem ăn ngon. Ngồi ăn cái bánh, uống chung trà bé tí xíu mình vừa thấy vui vui như được trở lại thời trẻ con chơi đồ hàng, phá cỗ đêm rằm Trung thu, vừa có một cảm giác thú vị khi vừa ăn vừa tìm hiểu nguyên liệu của chiếc bánh Trung thu kem tươi này.
Mr Lee có chụp hình mình bên dĩa bánh nhưng đã gửi qua điện thoại, chưa gửi qua mail thì ông lại đi Cambodia. Cả ông ta và mình đều ấn tượng và thấy vui với cách mà tiệm kem Pháp đã phục vụ khách hàng như thế này.



Thật ra, cũng khó có kiểu bánh nào nhái theo chiếc bánh Trung thu mà hấp dẫn, ngon bằng chiếc bánh Trung thu truyền thống của Việt Nam, dù xưa nay nói đến bánh Trung thu chỉ có hai loại chính là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh thường mang hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, biểu tượng của sự đoàn viên và hạnh phúc của gia đình. Tiếp đến là hình vuông tượng trưng cho đất. Rồi người Hà Nội lại chế biến ra thêm hình cá chép, rồi hình con lợn ỷ mang ý nghĩa thăng tiến và sung mãn rất quen thuộc trong dân gian. Bày cỗ Trung thu có mâm bánh trong đêm hội trăng Rằm với người thân trong gia đình là minh chứng cho sự sung túc của một gia tộc.
Bánh Trung thu loại bánh nướng truyền thống với vỏ bánh mềm. Nhân thì có nhiều loại, đậu xanh, đậu đen, khoai môn, hạt sen, lạp xưởng, vi cá, gà quay thập cẩm v.v... Về sau, người ta đã làm bánh Trung thu bằng rau câu, cũng màu sắc phong phú, nay có bánh Trung thu với chocolate và kem tươi. Những sáng kiến "ăn theo" chiếc bánh truyền thống này cũng có vẻ hay hay nhưng theo mình, không thể thay thế được chiếc bánh truyền thống vì nó đã có một lịch sử quá dài.


Bánh Trung thu hình lợn đàn
 
Bánh Trung thu hình cá chép
 
Bánh Trung thu hình lợn con
Bánh Trung thu rau câu

Không thể thiếu trong đêm rằm tháng tám bên mâm cỗ Trung thu, là chiếc bánh, là những chiếc đèn lồng. Một trong những truyền thuyết về Trung Thu là chiếc đèn kéo quân, ngày xưa từng được làm để dâng tặng vua chúa, với phần trục bên trong là đèn được thắp sáng tượng trưng cho sự soi đường chỉ lối của nhà vua.
Về lịch sử bánh trung thu, bạn có biết tại sao phải ăn bánh Trung thu vào rằm tháng tám? Bánh Trung thu có lịch sử và được lưu truyền cho đến ngày nay như thế nào?
Mình tìm được một tài liệu về lịch sử chiếc bánh từ trang dantri.com, xin chia sẻ với các bạn sau đây:
" Theo cổ tục, người Việt trong quá khứ đã từng ăn bánh chưng, bánh dầy vào Tết Nguyên Đán; bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn Thực; rượu nếp, bánh tro, bánh ú Tết Đoan Ngọ; heo quay cúng ngày Rằm Tháng Bảy; bánh dẻo, bánh nướng vào Tết Trung Thu; uống rượu cúc vào tiết Trùng Cửu.
1- Từ huyền thoại đến biểu tượng:
Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ ba trong năm. Về thời điểm, nó tương đương với dịp Tạ Ơn của mùa thu gặt hái trong văn hóa Tây phương, nhưng trên ý nghĩa của triết lý đạo giáo Á Đông, qua hành động thưởng thức vầng trăng thu lớn, vàng và đẹp trong một thời tiết mát mẻ lý tưởng, con người đã cảm thấy mình đã hài hoà một cách tuyệt vời với đất trời vũ trụ.
Từ hình ảnh tròn của vầng trăng, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng: đó là chiếc bánh tròn mà người ta gọi nó là Nguyệt Bính hay Bánh Vầng Trăng. Ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt Bính sẽ là vô nghĩa.
Trên mặt ngôn ngữ, người ta lại liên kết cái ý niệm "Tròn" (viên) của Trăng với cảnh quây quần "đoàn viên" của con người qui tụ ăn mừng để thưởng Trăng. Rồi từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng "Nguyệt lão" chắp mối tơ hồng để trai gái kết hôn.
Vầng trăng dịu dàng tượng trưng cho nguyên lý Âm, chủ về phụ nữ, nên vào đêm rằm Trung Thu, phụ nữ Trung Hoa thường bầy tiệc cúng Trăng với hương đèn và mâm ngũ quả cùng Nguyệt Bính, đặc biệt nếu cúng dưa hấu thì không nên bổ đôi mà phải lấy dao tiả thành hoa sen (vì kiêng cữ ý niệm "phân qua" tức là chia rẽ phân ly). Tục này truyền qua VN ngoài Bắc trở thành tục bày cỗ thưởng nguyệt với bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả trong mùa, đặc biệt phụ nữ trong nhà có dịp trổ tài phụ xảo nữ công bằng cách gọt đu đủ thành các thứ hoa nhuộm phẩm sặc sỡ hay nặn bột thành những con giống như tôm, cua, cá.
Một điểm đặc biệt là trên nắp các hộp bánh Trung Thu bán ở thị trường thường vẽ những bức hoạ như Hằng Nga Ngọc Thố Quảng Hàn cung hay Đường Minh Hoàng du Nguyệt Điện để thể hiện những huyền thoại liên quan đến mặt trăng.
Huyền thoại thứ nhất là nhân vật Hằng Nga (còn gọi Thường Nga), vợ của chàng Hậu Nghệ, người có tài bắn cung đã bắn hạ tám vầng mặt trời cho thế gian khỏi nóng như thiêu đốt mà chỉ còn chừa lại một vầng cho con người có ánh sáng ban ngày mà thôi.
Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu ban cho viên thuốc trường sinh để sống lâu bảo vệ thế gian. Nhưng Hằng Nga lại lén ăn cắp thuốc này và bay tuốt lên mặt trăng. Trên mặt trăng, Hằng Nga làm bạn với một con thỏ ngọc đứng dưới gốc cây. Không khí trên mặt trăng vốn lạnh buốt nên do đó được gọi là Quảng Hàn cung. Hằng Nga bị lạnh nên phải ho làm viên thuốc trường sinh văng ra khỏi họng. Nàng bèn nghĩ nên lấy viên thuốc này giao cho con thỏ giã nhỏ ra thành bột mà rắc xuống thế gian mà để thiên hạ cũng được trường sinh.
Huyền thoại thứ hai là về vua Đường Minh Hoàng là người rất muốn luyện phép tu tiên. Chính tục lệ treo đèn và bầy cỗ vào đêm rằm tháng Tám vì đó là ngày sinh nhật của ông nên truyền cho thiên hạ khắp nơi phải làm thế để mừng cho ông. Chính vào đêm rằm này, ông ra lệnh cho viên đạo sĩ La Công Viễn làm phép thế nào để ông du hồn lên chơi trên mặt trăng. Truyền thuyết kể rằng đạo sĩ này đã cho ông uống một liều thuốc gì đó rồi nói vua kê đầu vào một cái gối đặc biệt trong một khung cảnh mờ ảo có đốt hương trầm phảng phất. Quả nhiên, nhà vua trong chốc lát thấy hồn mình nhẹ nhàng bay bổng lên vùng Nguyệt Điện rồi chứng kiến một đoàn tiên nữ lả luớt nhảy múa ca hát trong những bộ xiêm y theo bảy sắc của cầu vồng. Lúc tỉnh dậy, nhà vua bèn nhớ lại bắt chước mà sáng tác ra khúc nhạc Nghê Thường Vũ Y Khúc (Nghê là cái cầu vồng, Thường là cái xiêm váy). Khúc nhạc này rất nổi tiếng và lưu dấu trong thi văn hậu thế và ngộ thay, vua Đường Minh Hoàng đầy nghệ sĩ tính lại được giới nghệ thuật ca vũ Trung Hoa đời sau suy tôn là "Thánh tổ" của nghề nghiệp của họ. (Lấy con mắt hiện đại mà xét, rõ ràng là đạo sĩ La Công Viễn đã cho vua Đường Minh Hoàng dùng tối đa những thứ ma tuý dược qua rượu uống và thuốc sinh ảo giác LSD qua sự ngửi hít khói trầm hương.)
2- Bánh Trung Thu qua lịch sử:
Chưa có tài liệu nào nói về chiếc bánh mặt trăng lúc khởi thủy. Tuy nhiên nếu dựa vào bài Chiêu Hồn ca của Tống Ngọc vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên viết để khóc thầy mình là Khuất Nguyên thì chiếc bánh chiên bột gạo luyện mật nhân thịt được kê ra trong danh sách thực phẩm để cúng cũng chưa có thể là chiếc bánh mặt trăng.
Mãi về sau, vào khoảng thế kỷ thứ 6, trong một tài liệu thực phổ, chiếc bánh này được tả là làm bằng bột mì sợi lên men, gần giống như bánh Trung Thu bây giờ, nhưng thông tin này cũng không có gì là chắc chắn lắm.
Nếu dựa vào thi văn của thi hào Tô Đông Pha thời Bắc Tống (960-1126), thì đã rõ ràng nói đến "chiếc bánh nhỏ tròn như mặt trăng được ăn nhấm nháp, vừa dòn vừa xốp, nhân bằng đường và thịt ngọt."
Như vậy, ta có thể kết luận chiếc bánh Trung Thu đầu tiên xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thế kỷ 11.
Đến đời Minh (1368- 1643), thì những chiếc bánh Trung Thu Nguyệt Bính chắc chắn đã chính thức thịnh hành và còn được gọi là Đoàn Viên Bính.
3- Giai thoại về cuộc khởi nghĩa đêm Trung thu:
Vào khoảng đầu thế kỷ 14, Trung Quốc bắt đầu chịu sự xâm chiếm và nằm dưới sự cai trị hà khắc của nhà Nguyên Mông cổ.
Trong bao nhiêu năm, từng nhóm nhỏ người Hán nổi lên chống phá đều bị dẹp tan, mãi đến về sau thì mới có vị lãnh đạo là Chu Nguyên Chương dựng cờ khởi nghĩa. Trong bước đầu, ông chiêu tập binh mã và thu hoạch nhiều chiến thắng, nhưng đến một giai đoạn ông vấp phải một trở ngại rất quan trọng là khó mà chiếm được thành Tô Châu chiến lược để làm đầu cầu then chốt đánh thốc vào Nam Kinh. Chu Nguyên Chương rất buồn phiền nhưng quân sư của ông là Lưu Bá Ôn bèn đưa ra một mưu lược sau:
Lưu Bá Ôn cải trang thành một vị đạo sĩ và lẻn vào nội thành Tô Châu, loan tin đồn rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời sắp cho 5 vị Ôn Thần giáng xuống để gieo tai ương cho dân trong thành. Dân chúng vô cùng hoang mang hoảng hốt. Nhưng vị đạo sĩ giả mạo bèn khuyến dụ người ta muốn tránh tai ương thì tới am cốc của ông mà cúng lễ xin giải nạn trong ba ngày.
Cứ mỗi người đến và ra về đều được đạo sĩ ban cho một chiếc bánh mặt trăng hộ mạng. Đạo sĩ nghiêm trọng căn dặn rằng bánh chỉ được bẻ ra ăn vào đúng tiếng trống đầu tiên của canh ba đêm rằm Tết Trung Thu, phải làm đúng như vậy thì mới khỏi tai ương. Vài ngày sau, đúng vào đêm rằm khi tiếng trống canh ba đầu tiên đã điểm, mọi tín đồ của đạo sĩ bẻ bánh ra thì thấy bên trong có giấu một mảnh giấy viết “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, nhờ vậy người dân đã nhiệt liệt hưởng ứng, và lật đổ được nhà Nguyên. Cũng từ đó, bánh Trung thu đã trở thành một món ăn không thể thiếu mỗi dịp rằm tháng Tám...."
* Nguyễn Diệu Tâm
( Hình ảnh và nguồn tham khảo: Google )