Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢI THÍCH VỚI CON TRẺ

Tôi không biết phải xoay xở thế nào với những gì diễn ra sau cuộc nói chuyện về cái chết, vì thế mỗi khi nhắc đến chủ đề này, tôi thường cố gắng hướng sự chú ý của Sonya sang chuyện khác, hoặc trả lời mơ hồ kiểu như "Ông bà đã đi rất xa con ạ".
Tôi không thích thú gì khi phải chờ 5 năm nữa để nói cho con gái về thế giới bên kia. Tôi không biết sau cái chết là gì và không nghĩ rằng chúng tôi cần phải biết, nhưng tôi rất sợ phải nói với con gái về điều đó. Dì của tôi mất lúc tôi mới 10 tuổi, bố tôi cũng qua đời sau đó một năm. Bố dượng tôi mất khi tôi 16 tuổi. Tôi nhớ mẹ đã cố gắng giải thích về cái chết cho tôi, dùng những từ như "yên bình" và "nhẹ nhõm", khiến tôi càng thêm bối rối.
Tôi biết Sonya rất để ý đến các tiểu tiết nên khó có thể chấp nhận những mô tả mơ hồ. Nhưng nếu tôi bịa ra một bữa tiệc trên bầu trời hoặc một vùng đất với những cây kem và các cô tiên, con bé sẽ không hỏi nữa.
Chồng tôi, Jay, chọn cách nói rằng đó là một bí ẩn, rồi sau đó tháo nút bằng những câu hỏi. Jay là người đã ôm tôi tại lễ tang của mẹ, và vài tháng sau đó, chúng tôi hẹn hò. Tôi từng hét lên với anh rằng anh không bao giờ hiểu được thế nào là mất mát cả. Có thể là anh không hiểu thật, nhưng có phải tôi hiểu nhiều hơn chỉ vì tôi đã trải qua nó trước đó?
Sáng thứ bảy hôm đó, trong khi Sonya đang say sưa vẽ hình trái tim, tôi đã bắt chuyện với con gái:
"Này con gái, con có nhớ mẹ nói là khi nào chúng ta có thể đến thăm bà Jonie và ông Roger không?"
"Có ạ".
"À, mẹ nhầm đấy. Thực sự là chúng ta không thể làm điều đó, vì ông bà đã mất cách đây rất lâu rồi".
Sonya cười và nói: "Không, ông bà không chết".
"Có, họ đã mất rồi con ạ", tôi nói tiếp. "Và sau đó ông bà trở nên vô hình, nhưng chúng ta có thể nghĩ về họ và ngắm những bức ảnh của họ. Có người nói rằng sau khi chết rất thú vị, có người lại nói rằng rất yên tĩnh".
"Nếu con có câu hỏi gì hoặc muốn trao đổi gì về chuyện này thì chúng ta có thể nói vào bất cứ lúc nào nhé", Jay tiếp lời.
Sonya nhún vai và quay trở lại với tác phẩm nghệ thuật của mình. Jay và tôi chầm chậm đứng lên. Chúng tôi không dám chắc thông điệp của mình đã được con bé thấu hiểu. Nhìn Sonya không có vẻ gì là buồn bã cả, nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn đập tay nhau ăn mừng phía trên đầu con bé. Khủng hoảng đã được ngăn chặn.
Cho đến cuối mùa thu năm ngoái, vào sinh nhật 40 tuổi của mình, Shoshana, bạn tốt nhất của tôi, trèo lên một mỏm đá ở sân sau và giải thích về một trò chơi cho lũ trẻ con. Shoshana được chẩn đoán đang mắc bệnh ung thư giai đoạn 4. Tôi đã từng chứng kiến cô ấy chống lại tất cả các bác sĩ và những chẩn đoán bệnh, nhưng khi nhìn Shoshana loạng choạng cạnh con lừa bằng giấy, tôi biết bạn mình đang chết dần.
Bằng cách nào đó mà không phải do tôi nói, Sonya cũng nhận thấy điều đó. Tôi đã cảnh báo con bé về việc Shoshana đội một chiếc mũ lớn và trông rất mệt mỏi.
Khi chúng tôi trở về nhà sau bữa tiệc, Sonya bắt đầu nhắc đến cái chết bất cứ khi nào có thể. 
"Nhà mình chụp ảnh đi", tôi nói. 
"Nhưng nhà mình đã chết", Sonya đáp.
Hoặc khi Jay đang ôm con bé trong tay và nói: "Một ngày nào đó bố sẽ nhảy điệu này cùng con trong đám cưới con gái nhé". 
"Nếu bố không chết trước lúc đó", Sonya đáp.
Sau đó, khi chúng tôi đang chơi trong công viên, tôi nhận được cuộc gọi. Shoshana đã qua đời. Nhà của cô ấy bây giờ là bầu trời trong xanh kia, hoặc cũng có thể cô ấy đang ở dưới những bóng cây.
Đây là câu chuyện mà tôi thực sự rất sợ phải nói. Đó là mất mát đầu tiên mà tôi và Sonya cùng trải qua. Không ai chịu trách nhiệm và không ai có lỗi cả. Đó là một phép ma thuật khủng khiếp: vừa ở đây một phút, thoắt đã sang chỗ kế tiếp, và chỗ tiếp theo sau đó, rồi mãi mãi. 
Jay và tôi ngồi trên vỉa hè và giải thích rằng, cô Shoshana đã qua đời. Điều này giúp cơ thể cô ấy không còn đau đớn, nhưng cũng khiến chúng tôi không còn được gặp cô ấy nữa. Tôi nghe thấy bản thân mình đang dùng đúng những từ mơ hồ mà mẹ tôi từng nói với tôi cách đó hàng chục năm: "yên bình" và "nhẹ nhõm". 
Tôi cố gắng thuyết phục mình như khi còn là cô bé 5 tuổi, rằng đó là sự thật, rằng Shoshana có thể sống ở một nơi tốt hơn. Khi tôi bắt đầu ngập ngừng, Jay nói rằng tôi có thể buồn một chút. Và một lần nữa, chúng tôi lại bỏ ngỏ cho Sonya đặt câu hỏi.
Sonya hỏi tôi liệu có thể cho con bé thấy tôi buồn như thế nào bằng cách dùng tay đo không. Tôi đưa hai bàn tay ra cách nhau một khoảng bằng vai của mình. Sonya nghiên cứu thước đo nỗi buồn của tôi và gật đầu. "Ok, chúng ta vẫn có thể ăn kem chứ mẹ?", con bé hỏi.
"Có chứ", tôi buột miệng, dù đó đã là cây kem thứ 10 trong buổi sáng. 
Đó là điều duy nhất tôi cảm thấy mình có thể trả lời chắc chắn. Đúng vậy. Nhìn nụ cười ngọt ngào của con gái, nghe con hát trên vai của Jay, ngửi mùi lá mới vẫn còn ẩm ướt từ đêm hôm trước. Đúng thế. Đó là những gì có ý nghĩa để ta tiếp tục sống mà không cần đi tìm những câu trả lời.

ABBY SHER
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/lam-the-nao-de-giai-thich-voi-con-tre-ve-cai-chet-2941859.html

William-Adolphe Bouguereau ( 1825-1905 ) - The Difficult Lesson, Oil 1884

Đọc câu chuyện trên đây, tôi nhớ đến bé Sarah con gái 3 tuổi của cô em gái lúc mẹ tôi mất. Bình thường bé loanh quanh trong nhà và thỉnh thoảng săn sóc bà ngoại bằng cách gọi người lớn khi phát hiện có con kiến nào đó đang bò đến gần bà, hoặc sau khi cô giúp việc cho bà ăn xong thì cháu đòi giúp bà ngoại uống thuốc. Ngày bà ngoại mất, mẹ cháu cho cháu sang nhà hàng xóm chơi, buổi tối khi về nhà không nhìn thấy bà trên giường nữa, cháu hỏi cô giúp việc: Bà ngoại của con đâu rồi? Không ai dám trả lời câu hỏi của bé. Cô giúp việc nói khe khẽ: Bà ngoại đi chơi rồi con ạ! Nhưng cháu đã phát hiện ra chuyện khác thường với bà ngoại khi thấy nhà có rất đông người đến viếng lễ tang. Cháu từ trên lầu nhìn xuống và lại hỏi: "Có phải bà ngoại đang nằm trong cái hộp đó không? Tại sao ai cũng nhìn vào cái hộp đó?" Mặt cháu có vẻ lo sợ. Cô giúp việc vội đem cháu vào phòng và khóa cửa lại. Những ngày sau thì lại càng khó giấu. Nhà luôn đông người và mọi người trong gia đình đều mặc những chiếc áo "lạ". Có nhiều hoa và nhang đèn. Hình bà ngoại đặt trước cái "hộp". Cháu không chịu qua nhà hàng xóm nữa mà đòi được tham gia với mẹ và các dì cậu vì nghĩ rằng bà ngoại đã ở trong cái hộp ấy. Sau đám tang, cháu nhìn thấy bà trên bàn thờ lúc nào cũng có nhang khói. Mỗi lần có ai đến nhà, cháu kéo tay đến bàn thờ và bảo: Thắp nhang lạy bà ngoại đi! Nhưng cháu vẫn thắc mắc: Bà ngoại đi đâu rồi hở mẹ?

* Nguyễn Diệu Tâm



Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

TỐNG BIỆT


"Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi"
Tống biệt được trích trong vở chèo Thiên Thai do Tản Đà sáng tác năm 1922. Nội dung vở diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân tết Đoan ngọ (còn gọi là tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), vào núi Thiên Thai (Chiết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì cả hai cùng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần thì không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai, thì không còn thấy các tiên đâu nữa...Kể từ đấy, họ cũng đi đâu biệt tích.
Ở bài Tống biệt, tác giả chỉ nói đến cảnh chia biệt đầy lưu luyến của Lưu-Nguyễn với hai nàng tiên, để qua đó "thầm gửi gắm niềm thương tiếc của mình đối với cái đẹp không bao giờ trở lại"
Tống biệt là bài từ khúc theo điệu Hoa phong lạc, rút từ vở chèo Thiên Thai, có thể coi là một bài toàn bích. Vì đây là vĩnh biệt (từ đây xa cách mãi), cho nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của một cặp tình nhân chia tay nhau giữ cảnh trời đất mênh mông...
Giới thiệu bài thơ này, thi sĩ Bùi Giáng có lời bình:
"Lá rơi - Hình ảnh của lìa tan, của ly biệt...Người đi. Khách phàm trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng khuâng...Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữa Đào Nguyên trăng sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào tâm hiu hắt...
Sực tỉnh rồi...còn đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy-Huê trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời...đem đi mộng cũ của lòng ta...Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín. Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi...
Bài thơ quả là có mang ý nghĩa tượng trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn thơ của tuổi mộng-Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ, để thắm mãi giữa đời...."
Nhà nghiên cứu Thạch Trung Giả phân tích:
..."Ngậm ngùi" là nỗi buồn sâu xa thấm thía, tuy không mãnh liệt đốt xét lòng người nhưng dư vang bất tuyệt. Trong cuộc tiễn đưa, bốn người đã ngầm biết không bao giờ gặp lại nên tình cảm của họ lắng sâu như thiên cổ.
"Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai"...
Diễn tả nỗi bàng hoàng của người thấy cuộc vui qua mau như giấc mộng. Trần ai xuất từ kinh Phật ví cõi đời ô trọc và vô thường. Để rồi từ đó mạch thơ chuyển sang thơ "Đá mòn, rêu nhạt/Nước chảy, huê trôi" cốt nói thêm rằng cuộc tan vỡ này không phải là ngẫu nhiên mà là theo định luật chung của vũ trụ. "Cái hạc" không những chỉ chiếc xe tiên mà còn ám tỷ hạnh phúc từ đây hoàn toàn mất hút. Tiếng "thơ thẩn" như tả một người đi lẻ loi. "Bóng trăng" có thể coi như là một linh hồn trầm tư cúi xuống chứng kiến nơi đã ghi dấu một cuộc tình duyên đẹp nhất và cũng bi thương nhất...Về mặt nghệ thuật, chữ dùng tinh vi, gợi cảm đến mức cuối cùng.
( Nguồn: Wikepedia )

Ảnh: Hoa Đào Mùa xuân ( Photo by Tam Nguyen Nguyễn Diệu Tâm )
Mến tặng "động tiên" Việt Hán I ĐHSP Saigon 1973-1977 Nga Le, Vân Đoàn, Kim Loan Tran, Dilinh Dang, Nguyet Nguyen, Tran Thi Cam Hong, Chị Thúy, Bạch Ngọc, Tuyết Lệ, Khánh Hòa, Đoan Trang, Tuyết Mai, Nguyễn Tuy, Hoàng thị Diệu, Hoang Coc, Lê Tuấn, Nguyễn Tùy .... và tất cả các bạn VH 1 năm xưa.
Tống Biệt là bài hát động tiên đã chọn làm "nhạc nền". 

Tống Biệt, Thơ Tản Đà, Nhạc Võ Đức Thu. Ca sĩ Thái Thanh:
http://nhacso.net/nghe-nhac/tong-biet.WFtWUktb.html