Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

CHUYỆN VỀ MỘT CỤ BÀ

Bạn đã bao giờ gặp được một cụ bà 90 tuổi, quắc thước, có đôi mắt sáng, hai bàn tay linh hoạt, đầu óc minh mẫn, trí nhớ tuyệt vời ... nhớ cả hàng loạt số điện thoại, tên khách hàng, địa chỉ giao dịch v.v... Và điều quan trọng là dù nay đã 90 tuổi, cụ vẫn còn điều hành rất tốt việc kinh doanh đã làm trên ít nhất là 60 năm?
Tôi đã gặp được cụ bà ấy ngày hôm qua, trong tang lễ chồng bà.
Lúc tôi đến nơi, cụ đang ngồi trên chiếc ghế thấp trước cửa nhà, nơi tiếp khách đến viếng đám tang. Lưng cụ còng, nhưng dáng cụ ngồi trông vẫn rất khỏe khoắn với đôi mắt sáng. Làm lễ xong, chúng tôi ra ngoài ngồi xuống bên cụ, giới thiệu cho cụ biết chúng tôi là ai, quen biết thế nào với con trai cụ.
Trước đây, em trai tôi thường kể cho gia đình nghe về mẹ của một người bạn, một bà lão đã gần 90 tuổi vẫn làm kinh doanh rất tốt, một tay cụ điều khiển việc mua bán làm ăn từ trước đến nay. Dù ngày nay cụ không cần phải làm gì nữa, vì con cháu đã thành đạt, nhưng cụ vẫn chưa muốn nghỉ. Khách hàng quen thuộc lâu năm vẫn chung thủy với cụ.
Tôi rất ngưỡng mộ cụ bà, thật là một phụ nữ hiếm có.
Hỏi thăm sức khỏe cụ như thế nào, cụ trả lời: Không tim mạch, không huyết áp cao, không tiểu đường v..v.. Vì thế không cần phải uống thuốc.
Hỏi tiếp: Bác có bí quyết gì để giữ được sức khỏe và sự minh mẫn tuyệt vời đến thế ạ? Bác có phải uống sâm, ăn yến, uống thuốc bổ?
Cụ thong thả trả lời:
Không thuốc bổ, không uống sâm, ăn yến! Có lần mua yến cho ông ăn, nhưng ông không ăn, bác ăn, không thích, mà lại ... đắt nữa! 500 ngàn đồng chỉ có 1 lạng!
- Bác có tập thể dục không ạ?
- Có chớ! Sáng nào bác cũng thức dậy lúc 5 g. Đi bộ ra công viên cách nhà chừng 200 m.
Bác cho là nhờ bác còn ... làm việc các cháu ạ!
Tôi đùa: Cháu hiểu rồi, vì bác còn niềm vui làm việc, nhất là bác còn tự tay kiếm ra tiền vào tuổi này, nên bác vui phải không ạ?
Bà cụ reo lên và vỗ vào vai tôi: Đúng rồi! Cháu nói đúng!
Tôi lại hỏi tiếp: Có ai giúp bác trong công việc không?
Trả lời: Chỉ có nhờ con dâu đi thu tiền dùm bác thôi. Còn lại bác làm hết!
- Về thanh toán công nợ, có bao giờ bác gặp khó khăn?
- Có chứ! Có một "thèng", cả năm ni đòi tiền hoài không được!
- Bác giải quyết ra sao ạ?
Cụ vừa nhai trầu bõm bẻm vừa thản nhiên trả lời:
- Thì ... cho "hén" luôn chớ làm răng bi chừ!
Chúng tôi bật cười trước thái độ tỉnh bơ của cụ. Không tiếc, không giận, không cau có.
Đến phiên cô con dâu kể tiếp cho chúng tôi nghe:
- Cũng rất lạ các chị ơi. Buôn bán thì phải có cạnh tranh. Cũng mặt hàng đó, bao nhiêu người bán rẻ hơn mẹ, khách hàng không mua, lại mua của mẹ. Bán sỉ, người khác cho gối đầu, mẹ không cho, họ vẫn mua. Nhưng có khi gặp lô hàng mới giá cao không có lời, mẹ vẫn bán cho khách quen với giá cũ.
Khách đến viếng đám tang vẫn vào ra liên tục. Dường như tôi không thấy cụ bà đau buồn nhiều khi cụ ông bỏ bà ra đi trước. Dường như cụ hiểu phải chấp nhận rằng không sớm thì muộn, không trước thì sau, rồi một trong hai người sẽ là người ra đi trước. Và người ở lại sẽ làm tiếp những việc còn dang dở cho những người thân yêu của mình. Nhìn cụ ông thật đẹp lão trong di ảnh, tôi nghĩ thầm chắc cụ bà cũng có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc? Nếu như vậy thì có lẽ cụ là người phụ nữ hiếm có trên đời này thật.
Nhưng thật ra không hoàn toàn như thế. Cụ là người vợ thứ hai đến với ông. Sau hiệp định Geneve, ông ở lại miền Bắc. 10 năm sau ông cưới người vợ thứ ba. Cụ sống ở miền Nam một mình nuôi con cho đến ngày gặp lại ông sau 1975.
Câu chuyện về cụ làm tôi xúc động và ngưỡng mộ. Tôi tin rằng cụ bà tôi gặp là điển hình của người phụ nữ Việt Nam đảm đang và nhân hậu từng quen với hy sinh và chịu đựng gian khổ trong chiến tranh. Và những đau thương nếu có, người phụ nữ ấy đã nén lại trong lòng chỉ để cho mình mà thôi.

* NGUYỄN DIỆU TÂM