Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

NGÀY XUÂN ĐI THĂM NHỮNG KHU VƯỜN YÊN TĨNH

Khi những tờ lịch mỏng dần vào những ngày cuối năm, từ đầu tháng chạp âm lịch trở đi, cũng là lúc nhà nhà xôn xao chuẩn bị đón Tết. Tôi còn nhớ ngày trước mẹ tôi đã phải lo trước cả tháng. Không chỉ lo cho cái ăn cái mặc của con cái, thức ăn ngày Tết, quà cáp biếu xén ơn nghĩa, còn lo cho việc cúng kiếng chùa chiền, đi thăm mộ ông bà, người thân đã mất. Vì theo quan niệm và phong tục người Việt Nam ta, đây cũng là dịp tổ tiên ông bà trở về sum họp với gia đình. Bàn thờ được lau chùi sáng loáng, hoa quả nhang đèn bánh trái chưng bày trong những ngày Tết luôn đầy đủ. Từ sau ngày 23 tháng chạp đưa Ông Táo về trời là liên tục cúng kiếng, nào là cúng tất niên, cúng rước ông bà về ăn Tết, cúng giao thừa, rồi cúng mồng một, đến mồng ba cúng đưa ông bà đi...
Theo thông lệ, trong gia đình tôi, các anh chị em thường rủ nhau đi thăm mộ cha vào ngày 25 tháng chạp. Từ ngày ấy trở đi trên những con đường về nghĩa trang luôn đông nghẹt người đi tảo mộ, người tất tả  đi về quê, xe chở hàng tấp nập ra vào thành phố, có lúc nghẽn đường vì kẹt xe dài hàng mấy cây số, nhất là quãng đường đi về hướng Gò Dưa, Thủ Đức. Có lúc xe không vào được nghĩa trang, công an phải chận đường điều khiển giao thông từ bên ngoài, mọi người đành cuốc bộ mấy cây số, trên tay ai cũng ôm hoa, nhang đèn đi cúng. Ngày ấy những con đường chưa tráng nhựa, bụi đỏ bay lên mù trời, nắng trưa càng gắt, khi vào đến nghĩa trang ai nấy đều mệt phờ. Tuy nhiên, tôi lại thấy thích khung cảnh ấy, làm tôi nhớ đến ngày còn bé được theo cha mẹ đi tảo mộ ngày lễ Thanh Minh ở Phan Thiết, ở đó chỉ có mộ ông ngoại tôi. Ngày ấy thì đi bằng xe ngựa, đồ cúng rất nhiều từ hoa quả nhang đèn đến thịt quay, bánh trái.

Khu vườn yên tĩnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Gò Dưa, Thủ Đức

Ở nghĩa trang Gò Dưa, phía đối diện mộ cha tôi bên kia đường là khu vực nghĩa trang Quảng Bình. Có một ngôi chùa ở đó. Cuối một góc vườn là mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng chúng tôi ghé qua thăm và thắp nhang. Nơi ấy đúng là một "khu vườn yên tĩnh", chỉ có những cánh hoa chuỗi ngọc màu tím và lá khô rơi nhẹ xuống trên cỏ, những con bướm lượn quanh lặng lẽ, người nhạc sĩ tài hoa nằm bên cạnh mộ mẹ ông, bức tượng của ông hiền hòa nhìn cuộc đời, còn mộ mẹ ông thì nằm dưới hình tượng một con cá, có dòng chữ của ông khắc trên mộ bia những lời thương yêu về mẹ:
"Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng ở tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hy sinh cả tính mạng. Đó là mẹ tôi.
Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi thứ ân sủng quí giá nhất. Đó là mẹ tôi.
Nếu có ai  bảo với tôi rằng ở một nơi nào đó có người xem con mình vừa là mục đích đầu tiên vừa là mục đích cuối cùng của đời mình thì tôi tin chắc rằng người đó không ai khác hơn là mẹ tôi".


27 Tết. Tôi và con trai đi về hướng Hạnh Thông Tây, Quận Gò Vấp viếng mộ ông bà bên nội cháu. Ngày trước, thường là bà nội cháu hay đi. Năm nay bà trở bệnh không đi được nữa, mẹ con tôi thay phiên.
Đó là nghĩa trang thuộc cộng đồng Phú Quốc, Hà Tiên. Ngày trước khu vực này rất hoang vắng, nay trở lại tôi thấy rất lạ, đẹp hơn, đường đã lên nhựa, và những con đường nhỏ dẫn vào nghĩa trang đều tấp nập mua bán hoa kiểng, tạo thành một khu chợ hoa đẹp của ngày Tết.


Chùa Nghệ Sĩ, Hạnh Thông Tây - Gò Vấp

Ngôi chùa và nghĩa trang Nghệ Sĩ nằm cạnh bên nghĩa trang cộng đồng Phú Quốc, Hà Tiên, khoảng 25 năm trước không có hàng rào ngăn cách như bây giờ. Mỗi lần đi thăm mộ bố chồng, tôi thường tò mò đi qua và nhìn những tấm bia xem những nghệ sĩ nào đã được nằm ở đó. Tôi không phải là dân ghiền cải lương nhưng ngày trước thỉnh thoảng tôi cũng có xem một số vở hay như Tiếng trống Mê Linh do cô Thanh Nga diễn vai Trưng Trắc rất oai nghi xinh đẹp, tôi cũng mê cô tương đương như mê cô Kim Cương và vở kịch Lá Sầu riêng. Ngày nghe tin cô Thanh Nga và chồng bị ám sát chết, mọi người đều bàng hoàng. Lúc đó tôi đang dạy học ở Vĩnh Long, đài phát thanh cứ phát đi phát lại các vở cải lương cô đã đóng, trong đó có vở Tiếng trống Mê Linh. Xa nhà, những buổi trưa không có giờ dạy, nằm dài trong khu nội trú nghe tiếng cô hát đến đoạn Hai Bà Trưng làm lễ tế chồng, buồn não nuột, như đứt ruột đứt gan!
Còn nhớ lúc sau án mạng vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, lúc họ đã được chôn cất rồi, có nhiều tin đồn rằng cô Thanh Nga rất linh thiêng. Có người bảo đêm đêm cô Thanh Nga trở về diễn cải lương trên khu mộ của mình. Một lần có cô bé học trò kể cho tôi nghe, tôi hỏi ai thấy? Cô bé bảo một sư cô thấy. Tôi lại hỏi tiếp: Thấy lúc nào? - Sư cô nghe đồn, nên đi xem, vào nửa đêm cô Thanh Nga mới hiện lên! Tôi lại hỏi "Thấy gì, ra làm sao?" - "Chỉ là mờ mờ, nhưng cũng có vang tiếng đàn hát ...!" Có lẽ cô Thanh Nga mất đi giữa lúc nhiều khán giả ái mộ cô quá nên tin đồn cứ lan xa.
Hôm nay trở lại, khi thăm mộ ông bà xong tôi ghé qua chùa Nghệ Sĩ. Ngôi chùa đã khác trước rất nhiều, đẹp đẽ hơn, ngăn nắp hơn. Đó cũng là một khu vườn yên tĩnh rộng lớn, có nhiều cây cối, thêm mai đào cúc mùa xuân đón Tết nên càng rực rỡ. Nơi đây chỉ dành cho các nghệ sĩ cải lương yên nghỉ. Đằng trước là mộ bà Phùng Há, người đã khởi xướng và vận động các mạnh thường quân chung tay mua đất để làm nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ cải lương vào năm 1958. Có bảng chỉ dẫn đến từng khu vực một, như hướng vào mộ bà Phùng Há, cô Thanh Nga v.v... Đầu một lối vào, có một tấm bia rất lớn khắc tên hàng trăm các nghệ sĩ đã được chôn cất ở đây. Ngoài nghệ sĩ Phùng Há, Thanh Nga, còn có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Năm Châu, Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Hà Triều, Hoa Phượng, Minh Phụng, Tấn Tài, Hữu Phước, Hùng Cường, Thanh Thanh Hoa v.v... Một diễn viên điện ảnh được lọt vào đây là Lê Công Tuấn Anh. Tôi có cảm giác như nơi đây các nghệ sĩ nổi tiếng một thời đang cùng sống và sinh hoạt với nhau, đùm bọc nhau trong ngôi chùa yên tĩnh này. Ở đó những đóng góp tiền bạc của Phật tử, khách thập phương sẽ được dành làm quỹ từ thiện, giúp đỡ các nghệ sĩ nghèo, cô độc không người thân thuộc, khi họ bệnh hoạn cũng như khi qua đời, chùa sẽ lo chu đáo mồ yên mả đẹp.
Có một câu được viết trên con đường nhỏ dẫn vào nghĩa trang: "Hôm nay các bạn, ngày mai chúng tôi"... Thật ngậm ngùi, nhưng đó lại là sự thật.

Một góc đường chợ hoa Hạnh Thông Tây, Gò Vấp

Quanh những con đường thuộc khu vực Hạnh Thông Tây này, nếu bạn đến vào dịp trước Tết sẽ thấy cảnh tưng bừng khi người đi mua hoa và thăm nghĩa trang rộn rịp. Hoa bày bán quanh các ngôi mộ. Hoa đem về nhà trang trí, chưng cúng trên bàn thờ ông bà. Trong màn khói nhang nghi ngút vào những ngày Xuân, người sống đón người đã khuất về nhà ăn Tết để linh hồn không bơ vơ...
Rời chùa Nghệ Sĩ đi ra đường hoa Gò Vấp, tôi thấy lòng bâng khuâng. Dường như bao giờ đi thăm mộ trở ra, tôi cũng có cái cảm giác có chút thẫn thờ khi nghĩ đến sự sống và cái chết. Giàu có, nổi tiếng, hay nghèo đói, vô danh, cuối cùng đều gặp nhau nơi đây. Cái nghịch lý là đôi khi người ta sống thường ít hay không muốn nghĩ mình sẽ có thể biến mất trên cõi đời này bất cứ lúc nào, để biết yêu quý cuộc sống này nhiều hơn...


Mùa xuân 2013
* NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
 


Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

CHIẾC CẦU TÌNH YÊU

Chuyện kể rằng: 
Ở Paris có một chiếc cầu 
Cho những người yêu nhau thề nguyền hẹn ước
Khắc tên nhau trên những ổ khóa sắc màu
Khi đã ném chìa xuống đáy sông Seine
Là trăm kiếp ngàn đời mãi yêu nhau (*) ...

Ngày lễ Tình nhân,
Anh nói với em
Dù ta chưa từng đến sông Seine,
Chưa từng đến bên chiếc cầu Tình Yêu
Nhưng em ơi! 
Chìa khóa anh đã ném dưới đáy sông sâu,
Sẽ không có gì ngăn cách chia rẽ đôi ta.
Kiếp này và cả muôn đời sau ...

Có một ngày em đã đến sông Seine,
Bên chiếc cầu Tình Yêu với rất nhiều ổ khóa
Có phải tất cả những người yêu nhau đã đến đây
Và khóa đời nhau bằng cách này?
Bây giờ họ ở đâu?
Bao nhiêu người vẫn còn yêu nhau?
Bao nhiêu người đã ly biệt?

Em muốn tìm lại chiếc chìa khóa mà anh đã ném,
Trả lại cho anh!
Cho em trở về ngày tháng cũ,
Ngày Lễ Tình nhân anh tặng em đóa hoa hồng 
Nước mắt em đã rơi xuống cánh hồng long lanh như hạt thủy tinh
Cảm ơn tình yêu của anh!
Chỉ xin đừng khóa đời nhau
Đừng giam giữ em trong lồng son
Trong tháp ngà
Với chìa khóa bằng vàng
Có nghĩa lý gì khi ổ khóa vàng vẫn còn kia,
Mà tình yêu thì đã mất?

Yêu dấu ơi,
Nếu anh biết rằng ...
Em chỉ muốn làm con chim nhỏ,
Cho em được tự do
Bay đến và đậu bình yên mãi trên vai anh ...

Valentine 2013
NGUYỄN DIỆU TÂM

(*) Ở Paris có chiếc cầu đi bộ được gọi là "The Pont des Arts" nối liền từ Louvre đến Institut de France. Chiếc cầu bắc ngang qua giòng sông Seine tạo thành một cảnh quan tuyệt đẹp ở đường chân trời thành phố Paris. Chiếc cầu cũng nổi tiếng vì những "ổ khóa tình yêu" được gắn trên thành cầu. Các đôi tình nhân khắc tên nhau trên ổ khóa, móc vào thành cầu và ném chìa khóa xuống sông Seine để minh chứng cho tình yêu bất diệt. Cũng như ở nhiều nước khác, ở Đức cũng có một chiếc cầu với những "ổ khóa tình yêu" như vậy, tên là Hohenzollern Bridge.
Theo CNN ( updated on Monday, January 7 )






Le Ponts des Arts, Paris - By Stanislas Lepine