Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

MỘT THOÁNG MEKONG

Trong những ngày nghỉ lễ khá dài cuối tháng tư, thành phố đang ồn ào náo nhiệt trở nên vắng vẻ như những ngày Tết khi phần đông cư dân thành phố đổ xô đi về quê hoặc du lịch. Trời nắng chang chang và ngột ngạt thế này ai cũng muốn tìm cách đi đâu đó, một thành phố biển, cao nguyên, vùng quê... tìm không khí thoáng mát để hít thở. Riêng tôi và các bạn cũ thời đại học chọn đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà du khách nước ngoài thường gọi là Mekong Delta.
Trong lớp có 2 người quê ở Gò Công. Nghe các bạn quảng cáo hết lời xứ Gò Công mà chưa đi được, nay có dân địa phương hướng dẫn nên không cần phải đi theo tour du lịch, chúng tôi chỉ tự thuê xe mà đi.
Nói đến Tiền Giang, ai cũng biết rằng đây là cái vựa trái cây lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều trái cây đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, bưởi Long Cổ Cò ( Cái Bè ),  sầu riêng Ngũ Hiệp ( Cai Lậy ), thanh long Chợ Gạo, khóm Tân Lập ( Tân Phước ) v.v..., riêng Gò Công có dưa hấu và sơ ri. Ngoài ra còn có bờ biển dài 32 km và bãi bồi ven biển là nơi lý tưởng để nuôi các loài thủy hải sản như nghêu, sò, hến, tôm, cua v.v... Còn có chợ nổi Cái Bè, một trong hai chợ nổi tiếng của miền Tây là chợ  nổi Phụng Hiệp - Cần Thơ và Cái Bè - Tiền Giang, có từ thế kỷ 18.
Ngày nay có nhiều con đường đi về Gò Công. Thay vì đi đường cao tốc Trung Lương, chúng tôi đi theo quốc lộ 1A. Theo đường này, phải đi qua phà Mỹ Lợi ( Cầu Nổi ) qua sông Vàm Cỏ trong lúc cầu Mỹ Lợi và quốc lộ 50 đang xây dựng nối liền Tiền Giang với Long An và thành phố HCM. Đến phà Mỹ Lợi, ngồi chờ hơn 1 tiếng rưỡi đoàn xe mới xuống phà được. Từ ngày có cầu Mỹ Thuận, các chuyến phà từ bắc Mỹ Thuận ngày trước nay được kéo về nơi này nên Cầu Nổi trở nên tấp nập hơn xưa.

Phà Mỹ Lợi, Gò Công

Trong lúc chờ phà, tôi đi loanh quanh ngắm nghía những hàng quán bên đường, biết được một trong các đặc sản của Gò Công là lạp xưởng ( hay lạp xường, đọc theo giọng Quảng Châu của "lạp trường" ). Tôi ghé một ngôi nhà nhỏ ven đường, một người đàn bà lớn tuổi đang chuẩn bị phơi lạp xường tươi lên giá. Thấy tôi lại gần, bà vui vẻ giải thích: "Lạp xường nhồi xong là đem phơi nắng cho nó khô từ từ, chừng 2 - 3 ngày là ăn được rồi đó nghen cô! ". Nhìn qua hàng quán bên cạnh, nhiều dây lạp xường đã khô, ánh màu đỏ bóng nhẫy trông thật hấp dẫn.

Lạp xường tươi


Lạp xường phơi khô

Phà qua đến Gò Công, chúng tôi đi vào thành phố. Thành phố nhỏ, nhưng ngăn nắp sạch sẽ, hai bên đường là cơ quan hành chính, trường học, nhà thờ. Một số dinh thự mang dáng dấp công sở, biệt thự thời Pháp còn lại. Nhiều ngõ phố có nhà thờ, hội quán của một số bang hội người Hoa vì cộng đồng người Hoa ở đây khá đông, có nhiều bang như Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Phước Châu, Hẹ v.v... Và nếu Hội An của miền Trung có khu phố cổ thì Gò Công của miền Nam cũng là nơi còn nhiều nhà cổ nguyên vẹn. Cây cối xanh tươi nở đầy hoa với màu đỏ của phượng vỹ, tím của bằng lăng và đỏ của hoa gạo. Chúng tôi đi ngang qua lăng mộ và đền thờ Trương Định, vị thủ lĩnh chống Pháp gốc Quảng Ngãi, đã sống và từng lấy Gò Công làm bản doanh, và mất tại Gò Công. Tiếp đến là Lăng Hoàng Gia - nhà thờ và lăng mộ  Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thân sinh Thái hậu Từ Dụ, và dòng họ. Người dân Gò Công rất hãnh diện khi triều Nguyễn có 3 người đẹp tiến cung trở thành hoàng hậu thì xứ Gò đã có đến 2, đó là Đức bà Từ Dụ và Nam Phương Hoàng hậu. Về văn học, Gò Công còn tự hào có nhà văn Nam bộ nổi tiếng Hồ Biểu Chánh, người đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại và sự hình thành của thể loại tiểu thuyết trong giai đoạn phôi thai. Còn nhớ lúc nhỏ trong số tác phẩm của ông, tôi đã rất mê "Ngọn cỏ gió đùa" và "Cay đắng mùi đời" mà nhà văn đã phỏng dịch theo 2 tác phẩm nước ngoài "Những người khốn khổ" của Victor Hugo và "Không gia đình" của Hector Mallot. Cái tài của ông là đã biến nhân vật và chi tiết trở thành rặt chất Nam bộ đến nỗi người đọc dường như quên đi đó là tác phẩm nước ngoài.

Cù lao Tân Phú Đông

Cô bạn xứ Gò Công rủ chúng tôi ghé thăm một người chị họ ở cù lao - Huyện Tân Phú Đông. Để đến đó, chúng tôi phải qua phà Tân Long. Trưa nắng gắt, nghỉ chân tại nhà chị Ba, chúng tôi được đãi dừa tươi hái từ trong vườn dừa. Cậu con trai của chị Ba thoắt một cái đã leo tọt lên một cây dừa hái trái ném xuống. Chú bé con trai cậu ta khoảng 5 tuổi lon ton đi nhặt, mỗi lần chạy đi hai tay chú bé xách được 2 trái dừa. Phần chặt dừa do cô con dâu đảm trách. Nhìn tay cô gái thoăn thoắt chặt dừa trong khi anh bạn trong nhóm cũng bắt chước nhưng cứ lóng nga lóng ngóng, chúng tôi suýt xoa thán phục. "Đúng là dân xứ dừa"! Nước và cơm dừa ngọt lịm làm dịu đi cái nóng trưa hè. Vừa uống nước dừa, chúng tôi ngồi nghe anh bạn xứ Gò thao thao kể về các món ăn đặc sản. Không biết các món này ngon như thế nào, nhưng cứ nhìn miệng anh vừa kể vừa "nhóp nhép" là thấy ngon rồi! 
Món thứ nhất là món mắm còng. Anh kể, còng chỉ lột vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, ngày duy nhất trong năm, thì làm mắm mới ngon. Nghe anh kể rành rẽ quá, tôi hỏi anh bạn làm mắm thế nào, anh ... ú ớ: Không biết người ta làm thế nào, đó là bí quyết gia truyền, chỉ biết còng ngon nhất là còng lột vào đúng ngày Tết Đoan Ngọ, còn nay người ta ngâm vôi cho còng lột, không ngon bằng!
Món kế tiếp là món chuột dừa. Một lần nghe cô bạn trong nhóm kể khi phái đoàn giúp xây cầu ở miền Tây, bạn được chiêu đãi món chuột dừa, tôi đã sởn da gà vì nhớ lại món chuột sâm mà bà Từ Hy Thái hậu đời nhà Thanh đã từng chiêu đãi đoàn sứ giả nước Anh. Ngờ đâu khi kể lại cho cậu con trai nghe, chú chàng cũng reo lên "Ồ ngon lắm mẹ ơi, lúc nhóm chúng con đi Đồng Tháp khám bệnh từ thiện cũng đã được chiêu đãi món chuột dừa". Anh bạn còn hào hứng kể: Loại chuột này chỉ sống trên thân cây dừa, ăn toàn dừa non mới ra nên rất ngon và béo. Muốn bắt chuột, chỉ cần cho 2 con chó đứng hai bên dưới gốc dừa, rồi rung cây, chúng sẽ tự rơi xuống đất. Thịt chuột dừa ngon hơn thịt gà. Đặc biệt món chuột dừa rô ti ngon tuyệt! Lần này thì không cần phải hỏi cũng biết anh bạn thừa sức tự làm được món này, chỉ có điều chắc chắn là tôi ... không dám ăn!
Còn một món đặc sản nữa mà các bạn nhắc nhau khi về sẽ ghé chợ mua, đó là mắm tôm chà. 
Người miền Tây hiếu khách đến thương! Chị Ba gần 80 tuổi vẫn thoăn thoắt đi lại dọn thức ăn đãi khách. Người con trai thì ngạc nhiên kể : Không biết có thần giao cách cảm gì mà sáng nay tự dưng con thấy kỳ lắm, nên đã mua một con vịt về kho sả. Chị Ba nói lần gặp gỡ này trăm năm có một nên khách thích ăn gì cứ nói cho chị biết. Vậy là hải sản tươi ngon từ biển Gò Công cách cù lao chừng chục mét được đem đến ào ào, nào nghêu, sò huyết, tôm và cua, tất cả đều tươi xanh nên khi hấp lên rất ngon. Đặc biệt tôm rất to, vỏ mỏng mà thịt tôm săn cứng.  Sò huyết được rang với me chua ngọt. Cả đoàn hớn hở vào bàn, thưởng thức hải sản Gò Công.

Ong ruồi

Người con trai chị Ba bê ra một hũ rượu ong ruồi đãi khách. Dường như trong nhà có món gì ngon họ cũng sẵn lòng đem ra mời. Anh ta còn chỉ cách làm, lấy cả tổ ong lẫn ong cho vào hũ ngâm với rượu. Uống rượu này trị được nhiều thứ bệnh như khớp, phong thấp v.v...
Cô bạn quê Gò Công còn đế thêm các món "độc":
"Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi,
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng!"
Rời nhà chị Ba, chúng tôi hẹn ngày trở lại mà trong lòng cũng nghĩ chắc khó có dịp nào khác, nhất là tập trung khá đông đủ bạn bè như hôm nay. Xe chở chúng tôi ra biển Gò Công. Ở đó có một cái cầu cảng mới xây khá dài cho tàu bè cập vào bờ. Biển cách thị xã khoảng 15 km. Vì là bãi bồi, nên nước biển không được sạch, thế nhưng biển cũng tràn ngập người xuống tắm trông rất vui mắt giữa trưa nắng chang chang.

Biển Gò Công và cầu cảng

Đường vào cồn Thái Sơn - Mỹ Tho


Trên sông Tiền Giang

Chúng tôi đã không đủ thì giờ để đi về Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho.  Muốn vậy, phải lưu lại thêm 2 ngày nữa. Lần trước tôi đã có một ngày ghé Mỹ Tho. Đó cũng là một chuyến du lịch sinh thái đáng nhớ. Du khách nước ngoài rất thích đến Mỹ Tho vì được di chuyển nhiều trên sông rạch, được nhìn thấy cuộc sống bản địa. Đi tàu trên sông Tiền, rồi chuyển qua xuồng máy len lỏi giữa rừng đước. Ghé cồn Thới Sơn, thăm vườn trái cây,  nghe đờn ca tài tử Nam bộ, xem làm kẹo dừa, rồi tham quan cồn Phụng, một cù lao nổi giữa sông Tiền, thuộc Bến Tre, xưa là nơi tu hành của giáo chủ đạo Dừa - Nguyễn Thành Nam. Trên một diện tích 1.500 mét vuông, các di tích  kiến trúc thời đạo Dừa vẫn còn được giữ nguyên như sân 9 con rồng, Tháp Hòa Bình ( Cửu Trùng đài ) với kiến trúc huyền bí và có phần kỳ dị như vị đạo sĩ ấy. Không rõ có phải chỉ là tin đồn mà tôi đã nghe kể lúc sinh thời ông đạo này 10 năm mới tắm một lần, ngồi dưới gốc dừa và tắm bằng nước dừa!



Di tích Đạo Dừa

Trên những cù lao này, người dân sống chủ yếu bằng nghề thủ công mỹ nghệ làm bằng dừa, và trồng cây ăn trái. Tôi biết một số công ty chuyên sản xuất loại hàng mỹ nghệ bằng dừa từ thân, xơ, lá, vỏ đến gáo dừa để làm ra nhiều mặt hàng như đũa, tô, muổng, nĩa, giỏ, thảm xơ dừa ... do nhiều lần cùng tham dự hội chợ thủ công  mỹ nghệ. Họ thật sự đã biết tận dụng cây dừa thân thương của quê hương không bỏ sót chút nào.
Nghỉ một ngày, tôi lại lên đường đi Rạch Giá, thành phố biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cách Sài gòn 250 km, đi xe cũng mất 6 tiếng đồng hồ. Lần này đi theo đường cao tốc Trung Lương, qua Cái Bè thì đến cầu Mỹ Thuận rồi rẽ phải đi về hướng  Sa Đéc - Đồng Tháp. Nếu đi thẳng  từ cầu, sẽ được về thăm lại Vĩnh Long, nơi tôi từng dạy học 2 năm sau khi ra trường. Đã hơn 30 năm, không còn nhớ gì nhiều, chỉ còn lại trong ký ức ngôi trường nằm giữa khu đồng không mông quạnh và dòng sông phía trước. Nhớ  những cô học trò xinh đẹp trong sáng như cánh cò trắng đồng bằng sông Cửu Long, những cậu học trò miền Tây hiền lành chân chất nhưng "dũng khí" thì không thua chàng Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu khi sẵn sàng  đứng ra "bảo vệ" cô giáo trẻ mới ra trường xem ra tuổi còn nhỏ hơn các cậu. Không quên chú Ba trưởng phòng tổ chức năm nào đã giúp tôi lấy lại được hộ khẩu chuyển về Sài gòn  cùng cô bạn dạy cùng trường môn Hóa có nhà làm bánh kẹp  nước dừa ở bên kia cù lao mà lần nào ghé qua cô cũng biếu cho một bịch bánh thơm phức mới ra lò.

Cảnh quê Gò Công

Ngày đó từ Sài gòn xuống, tôi rất thích đi chợ. Đó là thời điểm rất khó khăn nhưng chợ Vĩnh Long tôm mực tươi lúc nào cũng sẵn, gạo trắng dẻo thơm ê hề, giá lại rẻ.  Mỗi lần qua phà Bắc Mỹ Thuận  tôi thường lang thang trên quãng đường dài hơn 1 cây số để ngắm dòng người chờ qua phà lúc nào cũng đông như nêm, cùng cả một thiên đường cây trái, từ mít, bưởi đến xoài, ổi khi mua  thường được bán theo chục 12 trái chứ không bán theo ký. Ở đó còn có món hủ tíu  Nam Vang mà tôi rất thích. Từ  chợ còn có con đường đi qua bên kia cù lao, nơi có vườn mận đỏ chín trái dài bằng bàn tay được tha hồ ăn không tính tiền trước khi mua. Quả thật, nếu bạn quen với những người dân miền Tây, sẽ thấy tính khí họ cởi mở,  tốt bụng; ăn nói bộc trực, thiệt thà chân chất "thẳng như ruột ngựa"; sống không lo toan lắm cho ngày mai . Tôi nghĩ có lẽ do ảnh hưởng của môi trường sông nước miền đồng bằng, ruộng cò bay thẳng cánh, vườn cây trái bốn mùa, biển bạc luôn sẵn tôm cá ...đã khiến con người Nam bộ trở nên hiền hòa dễ chịu.
Đến Lấp Vò, xe qua phà Vàm Cống rồi trực chỉ Kiên Giang, đi qua nhiều xã, huyện trước khi đến Rạch Giá vào giữa trưa. Trời vẫn nắng gắt, nhưng dường như không khí vẫn rất thoáng do có gió biển thổi về. 
Hai ngày lưu lại Rạch Giá để làm việc, không phải đi chơi, tôi biết mình sẽ rất tiếc nuối nếu không có được vài hình ảnh đẹp lưu lại. Buối sáng dậy sớm tôi đã đi một vòng xem thành phố. Nhiều con đường  mới mở rộng, xe cộ khá tấp nập. Tôi chọn những con đường nhỏ, vắng, có nhiều hàng cây bóng mát và quán ăn bên đường nhưng không dừng lại vì sợ không đủ thời gian.



 
Rạch Giá trong sớm mai
 
Đi qua một chiếc cầu nhỏ, rực rỡ với hàng phượng vỹ đỏ dọc bên sông, dưới ánh nắng ban mai tôi sửng sốt khi nhìn thấy một quang cảnh tuyệt đẹp như trong phim ảnh trước mắt mình. Đó là một chiếc tàu chiến kiểu cổ, hiên ngang nằm bên bờ sông, nổi bật giữa những tàu bè khác. Đến gần hơn mới biết đó là chiếc tàu Espérance – tàu Hy Vọng của Pháp mà thủ lĩnh nghĩa binh chống Pháp Nguyễn Trung Trực từng chỉ huy quân binh đốt cháy trên vàm sông Nhật Tảo vào năm 1861, nay vừa được một hãng phim phục chế vào năm ngoái 2011 để quay một bộ phim lịch sử về Ông Nguyễn.  Đối diện phía bên kia đường là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực, đó cũng là ngôi đền thờ Nam Hải đại vương ( Cá Ông ), nơi ngư dân Rạch Giá từng bí mật thờ vị anh hùng họ Nguyễn sau ngày ông bị Pháp hành hình tại bưu điện Rạch Giá năm 1868. Sống làm tướng chết làm thần, ông được người dân nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long lập đền thờ cúng và hàng năm đều tổ chức lễ cúng giỗ. Thật ngạc nhiên, cụ Nguyễn vốn gốc người Bình Định.



Tàu Espérance phục chế

Đền thờ Ông Nguyễn

Rời ngôi đền thờ sau khi ghé vào tham quan và lễ bái, tôi đi dọc bờ sông ngắm nhìn quang cảnh đầu ngày của thành phố vào buổi sáng. Trên sông, tấp nập tàu thuyền qua lại. Biển Kiên Giang có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi. Có nhiều tàu du lịch đang neo chờ khách thuê tàu đi ra các hòn đảo. Có tàu đi ra Phú Quốc. Có tàu đi hòn Tre, hòn Phụ Tử v.v... Xa hơn 95 km về phía Tây Bắc là Hà Tiên, vùng đất thập cảnh thiên phú, sơn thủy hữu tình. Dọc bến tàu, những người khuân vác đang chuyển những bao gạo, can nước mắm xuống đường. Vài chiếc xe kéo chất đầy dừa tươi chạy qua. Cánh đàn ông ngồi dài bên bờ sông uống cà phê, ăn sáng chờ mối hàng. Đàn bà tất tả đi lại bán buôn. Giữa đường có 2 người khách du lịch "Tây ba lô" đang dừng lại mua bánh mì. Vài gánh hàng rong bán xôi, bánh cam, chuối nướng dọc đường. Tôi dừng lại ở một gánh bánh cuốn và tầm bì, ngạc nhiên vì thấy bánh có màu đen. Nghe tôi nói chưa bao giờ ăn món này , cô bán hàng vui vẻ giải thích: "Bánh lá mơ đó cô!  Cô biết lá mơ không? Lá xay nhuyễn trộn chung với bột rồi làm bánh. Cho con nít ăn bánh cuốn lá mơ, bánh tầm bì lá mơ có thể giải nhiệt, giúp nhuận trường". Bên cạnh là một nồi xíu mại bốc khói, ăn với bánh cuốn và tầm bì.

Bánh lá mơ


Một góc phố Rạch Giá

Buổi sáng dạo chơi chấm dứt khi nắng đã lên cao. Đã đến giờ trở về khách sạn và làm tiếp một số việc trước khi về lại Sài gòn vào buổi trưa. Tôi tiếc không có đủ thì giờ để leo lên một chiếc tàu nào đó đi ra một hòn đảo như hòn Tre, hoặc thẳng tiến về Hà Tiên, chắc là đẹp lắm.
Miền Tây Nam bộ rất phong phú với đảo biển, rừng tràm, đước, nhiều di tích cổ còn lại, nhiều lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực phong phú của các bang người Hoa, Khơ me, Việt ... Du khách từ nơi xa đến thường rất thích tìm hiểu về cuộc sống, con người, văn hóa bản địa qua các lễ hội, sinh hoạt đền chùa và tôn giáo. Xem trong chương trình các tour du lịch thì các điểm đến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khá thu hút khách du lịch là Cù lao xanh sông Tiền, Cái Bè, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Sa Đéc, Cao Lãnh, Châu Đốc, Hà Tiên và Phú Quốc. Gần đây là An Giang với rừng tràm Trà Sư, nơi có những cánh đồng ngập nước và thảm bèo xanh ngắt rất đẹp.
Chỉ là một "thoáng" thôi khi đi qua những thành phố biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi nơi chỉ từ 1 đến 2 ngày, nhưng cảnh vật, cuộc sống và con người miền Tây Nam bộ đã gây nhiều xúc cảm trong lòng tôi cùng những nỗi niềm và mong ước khám phá bao nhiêu điều chưa biết.
Mekong ơi, xin hẹn một ngày trở lại!


Tháng 4, 2012
NGUYỄN DIỆU TÂM

Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm