Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

TÌNH YÊU THỜI CON GÁI

Thời gian gần đây tôi được gặp lại nhiều bạn cũ thời trung học, đại học, những tưởng đã mất dấu từ sau nhiều biến cố, đổi thay hoàn cảnh. Kể cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện từ ngày xa cách nhau, chuyện gia đình chồng con, công việc, nhưng dường như đối với tất cả mọi người, kỷ niệm ngày còn cắp sách đến trường vẫn là những lưu luyến khó phai nhất, đẹp đẽ nhất. Từ chuyện những cái hộc bàn chứa đầy cóc, ổi, những thứ lương thực học trò; tấm bảng đen và những trò nghịch ngợm, sân trường với giờ ra chơi nhộn nhịp nhảy dây, banh đũa; tình bạn với những giận hờn yêu ghét như trẻ con, đến tình yêu đầu đời thơ dại qua những trang thơ tình viết bằng mực tím... Thật vô cùng dễ thương...

Ảnh minh họa: vnexpress.net

Có lẽ ai cũng khó mà quên mối tình đầu, cũng khó quên cả những tình cảm chỉ là rung động đầu đời, chưa biết chắc đó có phải là tình yêu? Để gọi là "mối tình đầu" thì còn phải xem xét lại thế nào mới được gọi là tình đầu, và thường chỉ có một. Nhưng những rung động thì có khi .. khá nhiều. Tôi có một cô bạn có thói quen liệt kê danh sách những người bạn trai, lần lượt từng người một dài lên đến .. 2 trang vở. Đến lúc cô đi lấy chồng thì tên người chồng tất nhiên là người .. cuối danh sách, với chữ STOP to tướng. Tôn trọng bạn, tôi chưa bao giờ hỏi bạn qua 2 trang vở ấy ai mới chính là người cô yêu, và là người yêu cô. Nhưng tôi không tin là .. tất cả. Trái tim con gái có thể yêu một lần, hay hai ba lần trong đời, nhưng nhiều quá thì rất khó. Bởi vì mỗi lần yêu là một lần .. rất mất thì giờ, nào là chỉ thích ngồi viết nhật ký nếu không viết thư tình; bâng khuâng với bất cứ hình ảnh gì lãng mạn, một chiếc lá rơi, một làn gió nhẹ; nhớ nhung dù chỉ mới gặp nhau đó thôi; nghi ngờ ghen tuông mỗi lần người ta lỗi hẹn, giận hờn không thèm trả lời thư đến, nước mắt ngắn dài trên gối, có khi không muốn làm chuyện gì khác vì hình ảnh người ấy cứ lảng vảng trong đầu ... Khổ nhất là thời gian chờ đợi giảng hòa, sao mà nó dài thế, mệt mỏi thế. Và khủng khiếp nhất là tâm trạng khi chia tay, tốn biết bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu nước mắt, trái tim như tan nát còn cơ thể thì rã rời! Ôi biết bao nhiêu là "tổn thất" như cản trở việc học hành, việc nội trợ giúp mẹ ở nhà. Vì vậy mà không ít cha mẹ đã rất lo lắng khi biết con gái mình đang yêu một ai đó..
Đang tuổi mới lớn không nhiều thì ít bạn nào cũng bắt đầu nghĩ đến bạn trai. Trước tiên là bạn cũ từ thời cấp 1, bạn hàng xóm, bạn của anh chị, cứ thế mà chọn lọc ra người nào .. đáng yêu nhất. Ngày ấy, vì học trường nữ sinh chúng tôi ít có cơ hội gặp các bạn nam sinh khác trường nên hình ảnh người nam bị để ý nhất là các thầy trẻ mới ra trường, còn độc thân. Thầy là hình ảnh một người đàn ông học thức, từng trải. Đứng trên bục giảng thầy càng uy nghi hơn trong mắt học trò. Thầy càng giảng bài hay và càng .. đẹp trai thì càng được ái mộ. Không ai dám nói ra nhưng tôi nghĩ rằng thầy giáo rất dễ được các cô học trò mơ tưởng.
Chúng tôi đi học ở trường nữ suốt ngày, ngoài các bạn có điều kiện đi chơi đây đó nhiều hoặc tham gia các sinh hoạt thanh niên, ban đêm nếu thường đi học ở những lớp học thêm về ngoại ngữ, toán, lý hóa v.v.. thì mới được quen nhiều bạn nam.
Và tôi cũng vậy. Năm 16 tuổi, trong lớp học thêm Pháp văn ban đêm, một hôm đang giờ học có một người mới vào. Nhìn thoáng qua thấy anh ấy dáng dấp thanh nhã, cao ráo, tất nhiên liền được "lọt vào mắt xanh" của tôi và cô bạn thân học cùng. Anh lại chọn chỗ ngồi ngay phía sau lưng tôi. Dần dần hơi quen quen, anh hay mượn tập vở chép lại những lời thầy giảng mà anh ghi chép thiếu, khi thì mượn cây bút, khi thì mượn cục gôm.. Mượn thì tôi cho, rồi thôi, không có gì hơn, dù trong lòng cũng đã cảm thấy có gì đó vương vấn. Đêm đi học về loáng thoáng thấy có bóng người đi theo đằng sau, tôi chỉ biết cắm đầu cắm cổ đi thật nhanh về nhà. Đường tối thui, dấu luôn tông tích người đi theo mình hằng đêm, cho đến hơn một năm sau, mới biết là .. anh ấy. Đó là vào năm 1972 mùa hè đỏ lửa cả nhà tôi tạm thời di tản vào Nha Trang, tình cờ tôi gặp lại anh ngoài phố, lúc ấy mới bắt đầu quen nhau và anh mới viết một lá thư thật dài .. thú tội việc "theo dõi" tôi suốt năm qua và cũng để tỏ tình. Tôi còn nhớ mình đã xây xẩm mặt mày, đọc đi đọc lại lá thư ấy không biết bao nhiêu lần, suốt mấy đêm khó ngủ, trằn trọc vì không biết trả lời ra sao. Ôi cái lần đầu tiên viết thư tình, sao mà khó dễ sợ! Giờ Việt văn trong lớp, tôi không sợ làm luận, mà sao trước một lá thư tưởng chừng đơn giản lại cứ loay hoay thở ra thở vào chẳng viết được thông suốt. Sau này đã lớn, tôi vẫn cảm thấy là viết thư tình khó! nhất là khi người ta đã bày tỏ tình cảm, và muốn biết "đối phương" nghĩ sao về mình. Khi bạn yêu, cũng khó trả lời liền "Em cũng vậy". Trong trường hợp bạn không hoặc chưa yêu, mà chỉ có cảm tình, hình như .. càng khó. Bởi vì nếu trả lời "không", bạn có thể sẽ mất người ấy trong lúc bạn đang cần phải xem xét lại con tim của mình, hoặc có khi không yêu nhưng đó là một người bạn tốt, bạn muốn giữ anh ấy như là một "người bạn đúng nghĩa" mà thôi. Tôi nghe nhiều người nói rằng "Giữa con trai và con gái không thể có tình bạn", thật là một câu nói "ám ảnh". Suy đi nghĩ lại, hay là "đối phương" muốn mình "kết thúc" sớm câu trả lời "Yêu hay là Không Yêu"?
Thời đó có 2 bộ phim mà tuổi học trò chúng tôi mê chết đi được, là "Roméo và Juliet" và "Love Story". Chúng tôi khóc vì nhân vật của Shakespeare và Erich Segal. Chúng tôi sưu tầm ảnh của Olivia Hussey và Léonard Whiting, Ali MacGraw và Ryan O'Neal cùng bài hát "A time for us", "Love Story". Một số trong những câu "học thuộc lòng" là "Love means never having to say you're sorry" ( Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc ) hay từ câu "To be or not to be" của Shakespeare trong vở kịch Hamlet, ai đó đã sửa thành "To love or not to love, that's the problem" ( Yêu hay không yêu, đó mới là vấn đề ). Tất cả cứ như là "kinh nhật tụng" của chúng tôi.
Tôi bắt đầu thích nghe nhạc Pháp, loại nhạc tình yêu. Những bài hát Aline, Je t'aime, Tous les garcons et les filles, Quand le film est triste. Ca sĩ Christophe, Adamo, Francoise Hardy, Sylvie Vartan ..  thời ấy là thần tượng. Như các bạn cùng trang lứa, tôi cũng nghiền ngẫm Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, đọc truyện Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, chép thơ Nguyên Sa, Từ Kế Tường, Mường Mán... Hình như biết thế, anh thường tặng cho tôi những cuộn băng cassette nhạc Pháp, những cuốn truyện tình yêu của tuổi mới lớn. Rồi lần đầu tiên trong đời, tôi được một người con trai mời đi uống café ngoài biển. Cũng như Qui Nhơn, Nha Trang có bãi biển dài và đẹp. Ngôi nhà chúng tôi đang ở có giàn hoa hoàng anh vàng trước ngõ, nằm gần bờ biển, nhưng tôi không dám ra gặp anh. Lại nát óc suy nghĩ : "Đi, hay không đi"! Mẹ tôi bắt đầu nghi ngờ tôi có bạn trai nên tôi không dám mở miệng xin phép mẹ. Trời, chắc là "khủng khiếp" lắm nếu mẹ nghe được lời xin phép ấy. Nghĩ mãi không tìm ra cớ gì để chuồn ra khỏi nhà ngày hôm ấy, tôi đành lỗi hẹn.
Mùa hè ở Nha Trang qua đi, gia đình tôi về lại Qui Nhơn và tôi bắt đầu vào năm học mới. Đây là năm mà chúng tôi phải ra sức học tập để chuẩn bị cho kỳ thi Tú tài Bán phần. Đó cũng là năm có nhiều sự cố về chiến sự xảy ra. Thanh niên bị gọi động viên. Nhiều người phải tạm ngưng việc học để tham gia quân ngũ. Những cô gái bấy giờ không ít thì nhiều đều dính đến "tình yêu của lính". Dù các khu căn cứ quân sự nằm xa thành phố nhưng cuối tuần rất nhiều lính Không quân, Hải quân, Bộ binh .. đổ về. Có cả lính Mỹ, lính Đại Hàn.
Giáng sinh năm ấy, có nhiều lính "mũ xanh" về thành phố. Chúng tôi gọi là "mũ xanh" vì không biết họ thuộc binh chủng nào, sau đó mới biết là các anh đang trong giai đoạn huấn luyện tại Đồng Đế, Nha Trang. Buổi sáng ngày Giáng sinh, một người lính mũ xanh đến nhà thăm cha tôi, đưa một lá thư của bố anh, là bạn cha tôi đang ở Sài gòn. Cha tôi vui lắm và thân tình mời anh trong những ngày lưu lại ở Qui Nhơn thì cứ tự nhiên đến nhà chúng tôi chơi. Chị tôi mời anh tối hôm ấy đến nhà ăn tiệc cùng chúng tôi. Đêm ấy anh đến cùng một người bạn thân cùng là sinh viên trường Luật Sài gòn bị tổng động viên, cùng binh đoàn "mũ xanh". Tôi cũng có mời 3 cô bạn gái. Bữa tiệc rất vui vẻ. Sau đó tôi và anh bỗng dưng trở thành "anh em kết nghĩa".
Những buổi sáng chiều còn lại trước khi binh đoàn "mũ xanh" rời Qui Nhơn, anh và người bạn thường đến trường đón tôi và cô bạn thân. Trời tháng 12 khí hậu ở Qui Nhơn khá đẹp và se se lạnh. Đi học tôi vẫn mặc áo dài trắng, nhưng có thêm áo khoác màu tím. Sau này màu áo tím ấy đi vào .. những lá thư của anh. Anh gửi cho tôi rất nhiều thư. Chữ anh đẹp, văn anh viết hay nên những lá thư từ chiến trường gửi về càng thêm quý. Trên đường hành quân, dừng chân đâu đó ngồi buồn anh lại viết. Qua những lá thư này, tôi được theo dõi tin tức chiến sự từ xa qua lời kể của một người lính. Anh vẫn lãng mạn kể cho tôi nghe cả vầng trăng non và những vì sao lấp ló qua mảnh ngói vỡ của những ngôi nhà hoang trên đường hành quân ghé tạm qua đêm, rằng "anh ước gì đó là ánh mắt của em". Anh tưởng tượng cả hình ảnh chiếc áo khoác tím đứng trên đỉnh đồi Lang Biang và đoàn quân đi ngang qua trong một buổi sáng nào đó mà bất chợt ngẩng đầu lên anh bỗng nhìn thấy. Anh còn nhắc lại hình ảnh tôi "ác như một pho tượng" khi có hôm anh đến nhà nhưng tôi để anh ngồi nói chuyện với chị tôi, còn mình thì ngồi thản nhiên học bài bên cửa sổ, chỉ vì tôi sắp thi học kỳ.
Từ năm lớp 10 C chúng tôi ra tập san Phù Sa. Lúc ấy cô bạn Lưu Ly làm trưởng ban báo chí. Qua năm lớp 11 thì đến phiên tôi. Vất vả nhưng cũng rất vui. Khi tập san in xong, chúng tôi phân công nhau đi bán trong trường, vào từng lớp, rồi kéo nhau đi qua các trường khác mà bán. Sợ nhất là đến các trường có đông nam sinh như Cường Để, La San. Cũng may chúng tôi được ủng hộ nhiệt tình nên rất phấn khởi. Tôi gửi cho ông anh "kết nghĩa" một cuốn. Vài tháng sau, tôi nhận được một cuốn tập san mà binh đoàn của anh làm, có mấy bài viết mà dù anh dùng bút hiệu, tôi vẫn đoán ra là anh, vì có .. màu áo tím của tôi trong đó cùng giọng văn quen thuộc.
Năm học lớp 12, những người "em gái hậu phương" vẫn được bình yên đến trường mỗi ngày, còn đa số các anh trai đều phải ra tiền tuyến. Người bạn trai của tôi lúc đó cũng đã nhập ngũ sau khi anh thi đậu Tú tài Bán phần. Lúc chia tay anh gửi cho tôi một lá thư buồn bã bi quan, rằng không biết còn có ngày gặp lại. Tôi gắng tìm lời an ủi anh, nhưng cũng nằm vùi mất mấy ngày.
Nhà tôi ở ngay Ty Ngân khố nên thường ngày ra vào gặp rất nhiều lính, nhất là vào ngày cuối tháng. Lúc ấy Ty Ngân khố Qui Nhơn là nơi chi tiền cho vùng 2 chiến thuật bao gồm các tỉnh Bình Định, Pleiku, Lâm Đồng, Di Linh, Phú Yên, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận v.v. nên hình ảnh người lính càng gần gũi vì ngày nào cũng thấy. Chiến sự càng khốc liệt, những người quả phụ chít khăn tang đến lĩnh tiền tử tuất càng nhiều. Nhìn quanh, tôi thấy các bạn tôi quen và yêu lính khá nhiều. Chị tôi đi dạy xa nhà, tận miền rừng núi Lâm Đồng. Chị cũng quen nhiều lính, toàn các anh Không quân, Võ bị Đà Lạt. Có anh chàng pilot đẹp trai hay lái chiếc máy bay quân sự vòng vòng trên bầu trời ngay sân trường để tìm chị. Đám học trò tiểu học hớn hở kéo nhau ra xem. Còn chị sợ hiệu trưởng phát hiện mình là nguyên nhân đã trốn mãi trong lớp không dám ló mặt ra. Tình yêu con gái vào thời chúng tôi lúc ấy đang đến gần với giai đoạn có nhiều rủi ro. Vài người bạn của chị có chồng là lính, có người đã thành quả phụ. Một người anh con bác, rất thân với tôi, cũng đã tử trận trong khoảng thời gian ấy. Một người anh lớn của bạn tôi, chuẩn bị đi Đức du học, cũng phải nhập ngũ, một năm sau anh tử trận, chôn vùi luôn tương lai rạng ngời. Người dì út còn giữ những lá thư anh viết về cho gia đình từ chiến trường, đưa cho tôi đọc: "Viết lá thư này không biết ngày mai con còn được viết nữa hay không? Đồng đội con mới hôm qua thôi nay đã nằm xuống. Ở đây cái chết thật dễ dàng dì ơi!..."
Thi đậu Tú tài Toàn phần, tôi vào Sài gòn thi đại học Sư phạm, trước tiên phải lấy bằng Văn chương Quốc âm ở Văn khoa. Người bạn trai cũ lúc ấy đã ở một nơi xa, chúng tôi dần ít gặp nhau dù thỉnh thoảng buồn anh vẫn viết thư cho tôi. Những lá thư ngập mùi thuốc súng, đạn bom. Riêng ông anh "kết nghĩa" vì gia đình ở Sài gòn nên thường về phép thăm nhà, lần nào cũng ghé lưu xá sinh viên thăm tôi. Có hôm đến không gặp, anh viết vội cho tôi vài dòng trên tờ giấy phép được về nhà 24 giờ. Có lần anh gửi một xấp thư dày cộm, mở ra đọc thì đó là nhiều lá thư anh viết hàng ngày cho tôi như nhật ký. Thỉnh thoảng từ trong giảng đường Văn khoa nhìn ra cửa sổ thấy anh đứng hút thuốc chờ tôi giờ tan học. Rồi anh rủ tôi đi uống café La Pagode. Ở đó có máy hát dĩa tự chọn. Chúng tôi cùng chọn những bài nhạc Pháp quen thuộc. Buổi sáng mùa thu lá me rơi nhiều trên đường Tự Do, nhìn ra khung cửa kính thấy công viên đầy lá vàng bên kia đường thật đẹp. Những giây phút ngồi bên nhau trong quán café chia xẻ chút tâm tình, chợt thấy thời gian quá ngắn và cuộc sống quá mong manh.
Rồi tôi có nhiều bạn mới, cùng trường có, khác trường có, và cũng có nhiều bạn là lính. Đi đâu cũng gặp lính. Tôi ở cùng phòng với 3 cô bạn khác, hết 2 cô có người yêu là Hải quân, một cô yêu Bộ binh, còn tôi đang quen một người bạn Không quân. Đêm Giáng sinh năm đầu tiên ở Sài gòn, "tứ cô nương" chúng tôi được các chàng lính mời đi party. Tiệc tan muộn quá, trên đường về đã đến giờ thiết quân luật, chúng tôi bị hốt hết vào đồn cảnh sát ngay bùng binh Quách thị Trang. Trong đồn cảnh sát, tấp nập và tha thướt những áo đầm dạ hội rực rỡ cùng màu xanh áo lính. Các ông bạn lính phải đứng ra bảo lãnh đến 4 g sáng chúng tôi mới được cho về. Thật là một đêm Giáng sinh nhớ đời. Thời gian ấy cô gái nào có người yêu là lính, đều sống trong lo sợ cho người yêu không biết sống chết xa nhau lúc nào. Ngày mai sẽ ra sao, chẳng ai trả lời được.
Tháng tư 1975, chúng tôi đã thực sự sống trong chiến tranh và mất mát. Tôi và các bạn cùng phòng đều lạc mất hết người yêu. Ngay cả các bạn gái cũng kẻ mất người còn. Nhiều biến cố dồn dập xảy ra làm chúng tôi phải mất một thời gian khá lâu mới bình tĩnh trở lại.
Nhiều năm đã trôi qua, bao nhiêu cay đắng dần phôi phai, bây giờ nhớ lại tình yêu thời con gái, vẫn thấy đầy ắp nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. Nhiều bạn gái của tôi tâm sự: "Tụi mình không may mắn khi tuổi trẻ rơi vào giai đoạn này". Có lẽ đó là tâm trạng chung cho con gái thời của chúng tôi. Nhưng rồi tất cả cũng qua, tôi luôn tự an ủi có thể mình mất cái này nhưng lại được cái khác. Biết đâu được rèn luyện thử thách qua nhiều cam go như vậy chúng tôi mới "lớn" hơn?
Tôi có may mắn là những người bạn trai cũ ngày nào của mình đều được thoát khỏi cái chết từ chiến trường trong những năm tháng chiến tranh ấy, nay sống an vui bên gia đình và công việc ổn định. Tôi cũng được gặp lại vài người trong số này, có khi tại Việt Nam, có khi tại nước ngoài, những gặp gỡ rất đỗi tình cờ và cũng rất lạ vì đã hơn 20, 30 năm qua không có tin tức, địa chỉ của nhau. Một người tìm đến nhà tôi ở Sài gòn qua bao nhiêu chỉ dẫn của bạn bè. Một người bay từ Mỹ qua Úc khi nghe tin tôi vừa đến Sydney. Một người lái xe từ Los Angeles đến San Francisco gần 7 tiếng đồng hồ chỉ để cùng nhau đi ăn một bữa cơm tối trong dịp tôi qua Mỹ làm hội chợ thương mại. Và khi gặp lại nhau, dường như thời gian xa cách đã biến mất, nhường chỗ cho tình cảm thật chân thành như đã từng có trong quá khứ.
Tôi lại nhớ đến câu "Giữa con trai và con gái không thể có tình bạn". Tôi nghĩ, đúng hay sai tùy trường hợp. Nhưng có phải tình yêu và những nghĩ suy thời con gái không giống với khi mái tóc bạn đã bạc mầu?

NGUYỄN DIỆU TÂM
 

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

O. HENRY VÀ CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG


Mùa thu lại trở về. Những cánh rừng như thay màu áo mới, đỏ dần, rồi tràn ngập sắc thu vàng lộng lẫy. Mặt đất từng lớp từng lớp phủ lá dầy lên dầy lên mãi... Có bước chân ai xào xạc trên lá khô, không phải gió, không phải chú nai vàng, cũng không phải của một người lang thang đi tìm kỷ niệm, mà là của thời gian.
Thời gian dường như dừng lại lâu hơn ở mùa thu, vì mãi vương vấn những chiếc lá vàng muộn màng còn sót lại của một mùa đẹp. Có con chim sâu nhỏ loay hoay tha chiếc lá về tổ, làm chăn ấm cho mùa đông. Người quét đường trầm ngâm khi thu lá khô về một chỗ. Tiếng mưa thu rơi tí tách trên lá. Ngày mai trời sẽ sang đông, đêm nay rừng chỉ còn những chiếc lá cuối cùng.
Cứ nhắc đến những chiếc lá vàng mùa thu tôi lại nhớ đến câu chuyện cảm động mà nhà văn O. Henry đã kể. Chuyện đọc đã từ rất lâu rồi, vẫn cứ làm vương vấn mỗi độ thu về. Cũng như Guy de Maupassant, những câu truyện của O. Henry nổi tiếng vì kết cuộc bất ngờ, nhưng có hậu hơn.
Một cô gái đang nằm trên giường bệnh đếm những ngày còn lại cuối cùng của cuộc đời. Hình ảnh cuộc sống duy nhất mà cô nhìn thấy mỗi ngày là từ nhánh dây leo trường xuân bên ngoài khung cửa sổ. Những chiếc lá vàng rơi dần theo mùa thu trôi. Năm, bốn, ba, hai, một ... Khi chiếc lá cuối cùng rơi rụng thì cô cũng sẽ vĩnh viễn xa rời thế gian này. "Trên cõi đời này, cái cô độc nhất là một linh hồn đang chuẩn bị sẵn sàng để đi xa trên hành trình bí ẩn của nó"...(*)
Và cô gái đau đớn chờ đợi giây phút cuối cùng của mình đang đến.
Cửa sổ mở, một buổi sáng lại bắt đầu. Chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó. Sự tồn tại của chiếc lá bé nhỏ sau cơn giông tố suốt đêm qua giúp cô gái thêm sức mạnh chống chọi lại với cơn bệnh của mình.
- Lá ơi, sao chiếc lá yếu ớt dường kia lại có thể phấn đấu chống lại mưa gió để tồn tại trên cõi đời này? Còn ta, ta là ai? Sao ta lại buông xuôi, thụ động chờ đợi ngày cuối cùng đến với mình? Số phận là gì? Ta có thể vượt qua số phận được hay không?...
Sự thật, đó là một kiệt tác của một người họa sĩ già, cô độc và "không thành công trong nghệ thuật" dù đã "bốn mươi năm cầm cọ mà vẫn không chạm được đến gấu áo Nữ thần của mình" (**)
Kiệt tác duy nhất và cuối cùng của cuộc đời người họa sĩ già đó, chỉ là một chiếc lá. Chiếc lá bé nhỏ cứu sống một con người. Chiếc lá thể hiện một tâm hồn cao thượng, nhân đạo cao cả khó tìm thấy trên thế gian này.
Dù sao, trong đời người họa sĩ già cô độc ấy, cuối cùng ông cũng đã toại nguyện vì đã làm nên một kiệt tác. Chiếc lá hẳn được vẽ rất đẹp, rất xuất thần bằng tất cả tấm lòng của người họa sĩ đến nỗi cô gái đã tưởng đó là chiếc lá cuối cùng thật sự, đem lại cho cô tràn đầy niềm tin yêu ao ước được sống. Và cuối cùng, cô đã sống. Nhưng để giữ cho chiếc lá vàng cuối cùng tồn tại, thì một con người lại phải ra đi mãi mãi :
"Bạn ơi, hãy nhìn chiếc lá nho cuối cùng trên bờ tường ngoài cửa sổ kìa! Ông ấy đã vẽ chiếc lá ấy vào cái đêm chiếc lá cuối cùng lìa cành"...(***)

Tôi cũng chỉ ao ước trong đời, sẽ có lần mình vẽ được chiếc lá ấy...


TÂM NGUYỄN
"The last leaf" - O. Henry
http://www.online-literature.com/o_henry/1303/

(*) The lonesomest thing in all the world is a soul when it is making ready to go on its mysterious, far journey.
(**) Bergman was a failure in art. Forty years he had wielded the brush without getting near enough to touch the hem of his Mistress's robe.
(***) Look out the window, dear, at the last ivy leaf on the wall.. He painted it there the night that the last leaf fell!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

SALVADOR DALI, MỘT HỌA SĨ THẬT SỰ

"A true painter is one who can paint extraordinary scenes in the middle of an empty desert.
A true painter is one who can patiently paint a pear in the midst of the tumults of history."
("Một họa sĩ thật sự là một trong những người có thể vẽ những cảnh khác thường ở giữa một sa mạc hoang vắng. Một họa sĩ thật sự là một trong những người có thể kiên nhẫn vẽ một quả lê giữa bối cảnh hỗn loạn của lịch sử" )

SALVADOR DALI ( 1904-1989 )

* Salvador Domingo Felipe Jacinto Dalí i Domènech, còn được biết đến với tên Salvador Dali, một trong những danh họa siêu thực nổi tiếng nhất vào thế kỷ 20.
Sinh ngày 11.5.1904 tại Figueres, Catalonia, Tây ban Nha
Mất ngày 23.1.1989 tại Figueres, Catalonia
Xuất thân từ trường mỹ thuật San Fernando, Madrid
Thuộc trường phái Lập thể (Cubism), Đa đa (Dada), Siêu thực (Surrealism)
Bên cạnh hội họa, ông còn được biết đến như một nhà nhiếp ảnh, điêu khắc, sản xuất phim.
Đoạt giải Oscar dành cho phim hoạt hình ngắn hợp tác với Walt Disney -"Destino"
Được Hoàng gia Tây Ban Nha trao tặng huân chương Isabelle.
Tác phẩm nổi tiếng nhất : The Persistence of Memory (1931)

* Bảo tàng Dali - the Teatre-Museu Dali, tại Figueres, Tây Ban Nha : nơi trưng bày thường trực bộ sưu tập gồm những kiệt tác của Salvador Dali do Reynolds A. Morse Eleanor Morse sưu tầm trong suốt khỏang thời gian 45 năm, gồm 96 bức tranh sơn dầu.
Bộ sưu tập cung cấp một cái nhìn tổng quan tuyệt vời về chủ đề chính các biểu tượng của tác phẩm Dalí từ năm 1917 đến 1970, đặc trưng bởi sự đa dạng, bao gồm những phong cách ấn tượng lập thể trong thời kỳ đầu sáng tác, từ trừu tượng qua chủ nghĩa siêu thực, những bức tranh sơn dầu siêu thực nổi tiếng nhất, những chủ đề về tôn giáo và khoa học trong thời kỳ cổ điển của nhà danh họa.
Ngoài 96 bức tranh dầu, bộ sưu tập bao gồm trên 100 tranh màu nước bản vẽ, 1.300 đồ họa, hình ảnh, điêu khắc và các tác phẩm nghệ thuật khác, cùng một thư viện lưu trữ tư liệu rộng lớn. Bảo tàng tổ chức luân phiên xen lẫn triển lãm định kỳ của bộ sưu tập cùng các triển lãm đặc biệt khác cho phép khán giả khi trở lại ghé thăm bảo tàng lần sau đều có thể xem được những tác phẩm mới.


Nguồn : Wikipedia

Self portrait (1921)

 The Basket of Bread (1926)

The Persistence of Memory (1931)

Premonition Of Civil War (1936)

Swans Reflecting Elephants (1937)

Metamorphosis of Narcissus (1937)


Basket of Bread (1945)

Christ of Saint John of The Cross (1951)

Crucifixion ( Copus Hypercubus ) 1954

The Hallucinogenic Toreador (1968-1970)

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

TỪ CHIẾC ÁO LEN MẸ ĐAN

Mẹ kể, ngày còn nhỏ, mẹ xa nhà lên Đà Lạt sống cùng dì Tùng. Ngoài giờ làm việc nhà phụ với dì, mẹ được dì cho đi học trường bà xơ ở Đà Lạt cho biết chữ. Mẹ cũng được học thêu thùa, đan, may. Mẹ khoe mãi chuyện được gặp bà hoàng hậu Nam Phương lúc bà đến thăm trường. Mẹ ngoan, xinh đẹp và học giỏi nên được các bà xơ cho ra đón hoàng hậu. Lúc đó, bà hoàng đưa tay xoa đầu mẹ và khen "con bé trắng trẻo xinh xắn quá"! Vinh dự ấy đi theo mẹ suốt cuộc đời, rằng có lần mẹ đã được gặp một bà hoàng hậu thật sự.
Ở Đà Lạt, hình như người phụ nữ nào cũng biết đan. Hai que đan cứ thoăn thoắt thoăn thoắt và cuộn len cứ mỏng dần, mỏng dần và chiếc áo len thành hình. Từ lúc còn thơ tôi đã để ý đến cuộn len và hai que đan của mẹ. Ngày ấy hai que đan làm bằng tre, về sau thay bằng hai que sắt, có màu, giúp sợi len trơn hơn, dễ đan hơn. Đêm đêm nằm trong giường tôi thích nghe âm thanh lách tách của hai que đan chạm vào nhau. Hé mắt hí hí nhìn, dáng mẹ ngồi yên lặng dưới ánh đèn chăm chú đan chiếc áo cho con. Con đông, mẹ cứ phải đan hoài. Hết áo len tay ngắn mặc mùa thu thì đến áo len tay dài mặc mùa đông. Rồi đến khăn quàng, vớ, mũ... Tôi thích những chiếc áo len mẹ đan cho mình, mặc vào được khen áo đẹp, tôi sung sướng lắm.
Tôi bắt chước mẹ đan áo cho búp bê. Tôi cũng có 2 que đan nhỏ xíu vừa với bàn tay nhỏ bé của mình. Mùa đông ở Huế rất lạnh, búp bê của tôi có áo len mặc. Được mẹ đan cho áo len kiểu nào thì búp bê của tôi có ngay chiếc áo kiểu đó. Tôi cũng đắp cho búp bê một cái khăn thay chăn, để nó ngủ cho ấm, giống hệt như mẹ đã lo cho tôi.
Ngoài áo len, mẹ còn may quần áo cho chị em chúng tôi. Tôi và em gái kế được mẹ may áo đầm giống nhau, mặc để người ta biết đó là 2 chị em. Lớn hơn một chút, tôi lại bắt chước mẹ may áo. Không biết đo theo người, tôi bỏ chiếc áo có sẵn lên vải, rồi cắt theo chiếc áo ấy, xong vào máy may tập may. Nhiều lần bị kim may đâm vào ngón chảy máu, có lần kim gãy đâm xuyên qua ngón tay, tôi cắn răng chịu đau, tìm cách rút đầu kim ra, máu chảy nhiều, dấu không cho mẹ biết sợ mẹ rầy không cho nghịch máy may nữa.
Năm học lớp 7 trường NTH Qui nhơn, tôi được học nữ công với cô giáo Thái Nhĩ. Cô thật là một người khéo léo, hiền từ và yêu thương học trò. Tôi rất thích giờ học với cô. Suốt từ năm lớp 7 đến lớp 12, chúng tôi được cô dạy rất nhiều bài thêu, đan, may. Từ các bài thêu rua, thêu chữ thập (cross stitch), mũi đột, thêu mũi cành cây, mũi quấn bọ (bullion stitch), thêu nổi, smock, v.v.. đến cách làm khuy nút, may mũ em bé, may áo v.v. Bài nào tôi cũng làm chăm chỉ và được cô cho điểm cao. Nhiều năm tháng trôi qua, tôi chẳng còn giữ được vật kỷ niệm nào từ những bài thêu may nữ công ngày ấy, ngoại trừ một chiếc khăn bằng vải tétoron, có thêu áp vải một đàn chim đang vui đùa ca hát cô cho làm năm lớp 9 thì phải. Không hiểu lý do vì sao chiếc khăn này đi theo tôi mãi đến ngày nay dù tôi đã trải qua nhiều lần dời đổi chỗ ở, và dù chiếc khăn đã ngả màu.

Bài thêu năm lớp 9, tổng hợp các mũi đột, quấn bọ, áp vải, may lộn mép khăn.

Khi lớn lên, tôi bắt đầu biết để ý đến ăn mặc như thế nào cho phù hợp theo tông màu, áo mặc sao cho đẹp, quần sao cho thẳng. Tôi cho rằng bộ quần áo đẹp là do cái "coupe", cho dù đối với kiểu nào, loại vải nào. Đi may rất nhiều tiệm may được giới thiệu, chẳng bao giờ tôi vừa ý. Những năm học đại học, gần nhà tôi có một chị thợ may khéo. Tôi gạ chị dạy cho tôi cách cắt đo theo người. Vậy là chị dạy cho tôi trong vòng một tuần lễ một số bài căn bản may áo sơ mi, quần tây, áo xẩm, áo tay raglan v.v.. trên giấy. Sau đó tôi tự cắt trên vải và may lấy. Dần dần từ những bài căn bản, tôi biến chế sang áo kiểu, áo đầm dạ hội và cả áo bà ba, áo dài. Có nhiều thợ may khi được học may áo sơ mi, quần tây thì họ cứ thế mà làm, khách hàng đưa may áo sơ mi có chút xíu kiểu cọ, họ cũng không chịu may. Khi thấy như thế, tôi thắc mắc thầm nghĩ "Tại sao? Vì họ may đông khách quá nên không cần vì ngại có thêm một chút kiểu vào sẽ mất công hơn? Hay tại không thích tìm hiểu hơn nữa trong nghề?". Với tôi, tôi chỉ từ chối những kiểu nào tôi chưa học đến, thí dụ veston và quần tây nam, chứ kiểu nào của phụ nữ tôi cũng "vọc " qua cả, từ đọc thêm tài liệu, học lóm các thợ may khác, hoặc tự ngồi suy nghĩ vẽ ra trên giấy, thậm chí may thử trên một miếng vải nào đó, miễn sao làm được thôi.

Áo len Đà Lạt ( Ảnh: Google )

Tôi may áo quần cho các em, cho cả nhà. Chị tôi lúc đó đang bán vải ở Tân Định, đem về vải dư cho tôi may áo trẻ con, chị treo bán khá chạy, chị bảo tôi "mát tay". Một ngày, em gái đang học ở ĐH Nông Lâm Thủ Đức về nhà nói "Bạn em khen em mặc đồ đẹp, tụi nó nói chị có nhận may không thì chỉ em cách đo, em đem vải về cho chị may". À, cũng hay đấy chứ, vì tôi có thể kiếm thêm tiền chợ cho mẹ. Vậy là trở thành thợ may mà thợ không được gặp khách! - Có ai "gan" như tôi không nhỉ? Cũng may là rất ít khi bị khách phàn nàn, dĩ nhiên cũng có vài lần phải sửa, nới rộng ra hoặc phải may bóp vào. Khoản này tôi nghi ngờ em gái tôi đo không đúng chính xác kích thước của khách, bởi vì nó .. không biết may! Kế tiếp khách hàng là bạn bè, là hàng xóm trong khu chung cư nhà tôi đang sống. Sau này khi tôi đã bỏ nghề may, một trong những khách hàng xóm có một cô bé ra mở tiệm may áo thời trang cũng khá có tiếng, gặp lại cô hỏi "Sao chị bỏ nghề may uổng vậy? Đã hơn mười mấy năm qua, em vẫn còn nhớ lúc đó chị may cho em mấy cái áo kiểu thật là xinh, em còn thích đến bây giờ".
Rồi tôi mở tiệm dạy thêu may. Em gái tôi dạy thêu, tôi dạy may. Lớp học cũng khá đông học trò. Được 2 năm, em gái tôi đi Úc. Buồn quá, tôi dẹp luôn lớp học, rồi theo chồng về xứ lạ.
Cái xứ lạ này ở tận ngoài đảo biển. Lúc mới đến, chúng tôi được ông ngoại chồng cho ở trong một căn nhà cổ ba gian. Ngoài vườn bên phải có một cây lê-ki-ma lớn đến mùa trái mọc sum xuê. Phía bên trái là một cái giếng cả xóm cùng dùng chung để giặt giũ, tắm rửa. Cách nhà vài chục mét là con sông nhỏ đổ ra biển. Leo lên cửa sổ nhìn ra xa xa thấy biển xanh và gió đưa mùi nước mặn vào cùng mùi tanh tanh của rêu biển.

Đảo ngọc Phú Quốc ( Ảnh: Google )

Ở chơi khoảng một tuần, tôi bắt đầu thấy buồn chân buồn tay vì không được làm việc. Một bà dì chồng gợi ý: "Con rảnh, dì cho con mượn máy may mà may đồ kiếm tiền nuôi con"! Nghĩ thấy cũng được, tôi mượn dì cái máy may. Chưa phải quảng cáo, các bà dì và con cháu bên chồng đem vải đến tới tấp. Ông ngoại có 2 bà vợ chính thức - chưa kể một vài bà ngoài luồng -.. các dì cậu tổng cộng đến thứ mười mấy. Các dì cậu đều đông con. Vì vậy những khách hàng đầu tiên của tôi đều là bà con. Một đồn năm, năm đồn mười, chẳng bao lâu gần như cả huyện đều biết đến "thợ may Sài gòn". Ở các tỉnh xa, dường như cái tên Sài gòn nghe oách lắm. Đó là những gì thuộc về văn minh, học thức, tiến bộ, giống như ở Sài gòn người ta hay nói về "bên Tây, bên Mỹ" vậy. Đã vậy tôi còn ngồi vẽ tay một cuốn "ca ta lô" gần 200 kiểu vì mỗi lần khách đến thường hỏi "Chị có kiểu gì mới không?" Tả miệng riết rồi mệt quá, tôi phải nghĩ ra cách vẽ catalog. Những năm đầu 80 kiếm đâu ra catalog thời trang, ngoài những cuốn có từ thời trước 1975, đã cũ và rách nát mà tìm cũng không ra! "Danh tiếng" tôi càng nổi vì có "ca ta lô". Tôi may từ áo bà ba, sơ mi, áo kiểu đến cả áo dài, đầm dạ hội, áo cưới, làm luôn việc kết bông hoa vào áo. Ban đầu sợ nhất là may áo bà ba tay raglan. Ở quê thợ may rất chuyên nghiệp may áo bà ba. Nhìn cái áo cổ viền nhỏ, thật mảnh với đường chỉ rất sát, tôi phục lăn. Thế nhưng người ta lại đồn tôi may cái "cúp" rất trẻ. Bí quyết chẳng có gì, chỉ là đường hạ eo tôi cho lên cao hơn bình thường, áo ôm trong khi thợ ở quê thường hạ eo dài, áo rộng. Vậy là các cô, bà lớn tuổi rất thích đến tôi may áo vì mặc vào "trông trẻ hơn gần .. chục tuổi". Đó là họ nói vậy! Còn tôi thì chỉ nghĩ đến cái đẹp. Rằng nếu khách hàng mặc một chiếc áo vào, nếu không đẹp, người thợ may phải tự suy nghĩ cái gì làm cho chiếc áo không đẹp, khắc phục được không, bằng cách nào? Thêm nữa, nếu người thợ may có thể tư vấn khách hàng nên chọn loại vải nào, kiểu áo nào cho phù hợp, đẹp thì càng tốt. Cũng có nhiều lúc khách hàng cứ khăng khăng chọn cái họ thích, dù không hợp, thì đành chịu thôi!
Ngày tôi nhận hai học trò học may đầu tiên ở cái đảo biển này, một sự cố xảy ra làm tôi choáng váng. Đó là việc đổi tiền bất ngờ ngay ngày hôm sau khi học trò vừa đóng tiền học cho tôi. Là khách vãng lai, tôi chỉ được phép đổi ít tiền. Tôi nhờ ông xã đi đổi, nhưng cũng chỉ đổi được một ít. Vậy là coi như tôi mất số tiền ấy. Đành dạy không công cho hai cô học trò đến 3 tháng.
Không lâu sau, tôi nhận được thư mời họp của xã. Phân vân không biết có nên đi, thắc mắc tại sao xã lại mời mình... Cuối cùng mới vỡ lẽ. Đến nơi họp có rất đông thợ may trong xã. Họ nhìn tôi với cặp mắt săm soi. Hóa ra tôi bị thợ may trong xã .. kiện, vì .. lấy khách của họ! Cuối cùng, xã cấm không cho tôi hành nghề, lý do .. tôi không phải người thường trú tại địa phương. Dù ông xã tôi thường trú ở đó, lại làm hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 duy nhất ở đó, tôi vẫn bị "áp lực" của thợ may địa phương là không được hành nghề.
Rồi một ngày, Phòng Giáo dục huyện đến gặp tôi đề nghị xây một trường dạy nghề để tôi làm hiệu trưởng. Tôi nói để suy nghĩ. Nhưng sau đó tôi đã từ chối và bỏ về Sài gòn. May mắn cho tôi là ở Sài gòn sau đó tôi đã có công việc tử tế và vô cùng yêu thích, đó là vẽ tranh tại một công ty sơn mài lớn của thành phố. Công việc lên như diều đến nỗi tôi không còn thì giờ nhận may thêm tại nhà vào buổi tối. Cứ như thế, hàng năm thay vì cúng tổ thợ may vào ngày 12 tháng chạp thì tôi lại cúng tổ sơn mài vào ngày 20 tháng chạp. Mỗi năm có 2 lần cúng tổ sơn mài, vào tháng sáu và tháng chạp AL.
Tôi hoạt động trong lĩnh vực này khá lâu, khoảng 12 năm thì chuyển qua phụ trách Phòng tranh của công ty vào năm 1995. Ba năm sau, lại có nhiều thay đổi buộc tôi phải rời nghề.

Áo cưới may cho em gái năm 1993 (Sydney)

Một ngày đẹp trời, tôi tiếp một đoàn khách 2 người Việt Nam và 2 người Pháp đến tham quan cửa hàng công ty, lúc đó tôi đang làm Trợ lý GĐ phụ trách về Mỹ Thuật. Người phụ nữ trong đoàn tự giới thiệu là Tổng GĐ của một công ty thời trang vốn đầu tư 100% của Pháp. Khi tham quan đã xong, bà nói với tôi bà đang cần một Trợ lý TGĐ Kinh Doanh và tôi có thể gặp bà vào ngày mai hay không? Vô cùng ngạc nhiên, tôi trả lời với bà rằng tôi có thể không phù hợp, vì tôi chỉ chuyên về "thủ công mỹ nghệ", không có kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực "công nghiệp". Bà chỉ đưa danh thiếp cho tôi và bảo tôi cứ đến, sẽ trao đổi thêm sau.
Đó là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp, học thức. Bà nói tiếng Pháp như gió. Sau này tôi biết thêm bà đàn piano rất hay, đã từng đoạt giải piano và là giáo viên dạy đàn. Đó là một trong những phụ nữ mà tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng.
Suy nghĩ cả đêm dài, sáng hôm sau tôi tìm đến công ty ấy, không cầm hồ sơ vì nghĩ chỉ đến "thử xem sao". Bà niềm nở tiếp đón tôi và nói chuyện rất lâu, gần 3 tiếng đồng hồ. Bà không cần phỏng vấn, không cần xem bằng cấp, không cần hỏi tôi biết làm những công việc gì? Trong phòng làm việc có nhiều giá kệ treo sản phẩm rất đẹp. Đó là mặt hàng may mặc thời trang, chuyên về lingerie ( áo ngủ và nội y ), thiết kế của Pháp, vải phụ liệu nhập, thợ Việt Nam may và gia công. Hàng may và xuất đi Pháp là chính. Có một điều gì đó làm tôi cũng thích thú, vì sản phẩm đẹp, tinh tế, sang trọng. Nhưng lúc đó tôi thấy mình chẳng có chút xíu kinh nghiệm nào trong công việc này, mà theo bà, tôi sẽ làm trợ lý cho bà và phụ trách mảng Kinh doanh - Phát triển các thị trường khác ngoài Pháp. Tôi nói với bà "Thưa chị, em không có kiến thức về mảng này chị ạ". Tưởng bà thất vọng, ngờ đâu bà chỉ mỉm cười: "Em sẽ được đào tạo. Chị nghĩ em cần có thời gian bàn giao ở công ty cũ. Em có thể suy nghĩ thêm. Chị cho thời hạn 01 tháng. Nếu có thể sớm hơn chỉ cần em gọi điện thoại báo tin cho chị biết."
Tôi trở về hơi choáng váng vì đề nghị bất ngờ này. Thời điểm đó công ty cũ tôi đang làm việc đã thay đổi rất nhiều trước đó 2 năm. Hàng trăm công nhân viên phải nghỉ việc. Chúng tôi cũng phải bỏ đi và tạm trú tại một công ty mới, tuy cùng ngành nhưng không nhiều gắn bó vì cơ cấu, chính sách khác hẳn trước. Tôi được phân công không mấy phù hợp và tôi đang nghĩ đến chuyện bỏ nghề nhưng chưa biết sẽ làm gì. Vào tuổi của tôi năm ấy thật không dễ đi xin việc ở một công ty mới. Vậy đây có vẻ là một cơ hội tốt. Hỏi ý gia đình và bạn bè, nhiều người khuyên không nên đổi nghề lúc đã lớn tuổi như thế này, vì bắt đầu một công việc mới sẽ đối đầu với rất nhiều khó khăn. Tôi biết rất rõ điều đó, nhưng trong hoàn cảnh tôi lúc ấy, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi công việc. Trong vòng một tháng thật là nhiều việc phải làm để bàn giao, cuối cùng tôi quyết định đi qua công ty thời trang ấy nhận việc.
Những ngày đầu tiên với công việc mới thật vất vả. Vừa phải tìm hiểu công việc vừa phải cấp tốc đi học các lớp học buổi tối về computer, ngoại ngữ, kinh tế thương mại , xuất nhập khẩu v.v.. Tôi ngồi chung với Phòng Kinh Doanh & Tiếp thị của công ty. Đó là một công ty lớn với nhiều phòng ban. Nhân viên hành chánh hơn 400 người. Khâu sản xuất hơn 2.000 công nhân may. Riêng phòng Kinh Doanh của chúng tôi có hơn 40 người, kể cả các em trong đội ngũ Bán lẻ. Lúc đó, các cửa hàng trên toàn quốc của công ty có hơn chừng 10 cửa hàng và 100 đại lý. Phòng Kinh Doanh chúng tôi luôn bận rộn, tất bật liên hệ khách hàng, giao hàng, kiểm tra đại lý, thanh toán v.v... Các phòng ban tôi liên hệ nhiều nhất là Phòng Thiết kế tạo mẫu (Modelism), Phòng Kế hoạch, Phòng Mua và Kho hàng. Giám đốc Thiết kế là một cô người Pháp, rất giỏi. Chính cô là người thiết kế cho các cửa hàng, sản phẩm mới cho thị trường nội địa. Tuy mẫu mã rất đẹp, nhưng về sau chúng tôi phát hiện việc nghiên cứu thị trường Việt Nam của cô có nhiều thiếu sót. Tuy chúng tôi tổ chức họp liên tục để điều chỉnh, nhưng có nhiều vấn đề đã xảy ra và khá muộn màng để khắc phục. Vậy là Phòng Kinh doanh cứ phải ôm đầu giải quyết vấn đề tồn kho.
Tôi nhập vào công việc lúc nào không hay. Tôi phải theo dõi và giải quyết tồn kho thành phẩm và tồn kho nguyên phụ liệu, vừa phải tiếp khách hàng các thị trường khác ngoài Pháp, vừa phải tự tìm hiểu, nghiên cứu những ưu và khuyết điểm của chất liệu sử dụng và sản phẩm công ty, đồng thời cũng nghiên cứu các sản phẩm của "đối thủ" cạnh tranh trong cùng thị trường.
Trong may mặc công nghiệp, khi muốn ra một mẫu mới, phải đặt mua vải theo số lượng tối thiểu (MOQ) trên 1.000 m mỗi màu, các nguyên phụ liệu khác như nút, thun (elastic), ren (lace), phải trên 20.000 m một màu. Có khi tìm màu đồng nhất cho nguyên bộ đồ không có, phải nhuộm màu. Vì vậy, nếu may không hết vải và nguyên phụ liệu, thì tồn kho nguyên liệu cứ dần dần nhiều lên. Hàng thành phẩm không bán được, sẽ nằm trong kho tồn thành phẩm.

Ren Pháp

Hơn một năm sau, cô giám đốc thiết kế người Pháp nghỉ việc về nước. Lúc này chúng tôi rất bối rối vì chưa có nhà thiết kế mới, không có hàng mới cung cấp cho các đại lý. Cái khó của thời trang là phải luôn thay đổi theo mùa. Một năm có bốn mùa thì nhà cung cấp phải liên tục đổi vải, đổi kiểu. Mùa xuân vải mềm, nhẹ, hoa tiết vui tươi, kiểu dáng thanh nhã thì mùa hạ vải mỏng hơn, hoa tiết vui mắt, màu sắc rực rỡ như nắng hè miền nhiệt đới, kiểu dáng "cởi mở". Mùa thu vải dày hơn, hoa tiết lãng mạn, nhẹ nhàng và mùa đông vải dày, màu sẫm, kiểu dáng kín đáo v.v. Cứ bán không hết trong mùa là phải sale off để ra mắt bộ sưu tập mới.
Tôi rất thích các kiểu từ Pháp gửi về. Được làm việc cùng các chuyên gia Pháp về lĩnh vực may mặc thật thú vị. Tôi biết được các thông số, định mức, khuôn rập, các chi tiết để lên một sản phẩm may mặc theo công nghiệp. Có lẽ nhờ biết may, tôi tiếp thu những điều này rất nhanh. Nhờ vậy mỗi lần làm việc với phòng may và tạo mẫu, tôi làm rất dễ dàng, có khi còn hướng dẫn lại cho thợ cách may một kiểu mới nữa.
Rồi rất bỗng dưng, tôi kiêm luôn công việc tạo mẫu. Thấy các em phòng Kinh doanh cứ than thở không có mẫu mới, đại lý không chịu lấy thêm hàng cũ để bán. Doanh thu giảm, các em ngồi rưng rưng nước mắt vì bị trưởng phòng "dập". Mà nào phải đâu tội do các em. Tôi hiểu lý do vì sao. Có giỏi ba đầu sáu tay cũng không dễ giải quyết sạch hết hàng tồn, dù đã giảm giá. Nhìn thấy những giọt nước mắt ngắn dài đó, tôi chịu không nổi. Vậy là một buổi sáng tôi vào kho hàng tồn nguyên và phụ liệu lấy tất cả mẫu vải, ren tồn kho cùng số lượng tồn của từng loại. Sau đó tôi phân loại ra, số lượng nào còn tồn nhiều sẽ giải quyết trước. Rồi tôi bắt đầu vẽ kiểu, áp từng loại vải ren vào xem có phù hợp không. Vẽ chừng 20 kiểu, tôi đem đến Phòng Tạo mẫu nhờ thợ may ra mẫu. Xong mẫu, bộ phận Tiếp thị đem đi chào hàng các đại lý lấy đơn hàng về. Tổng hợp đơn hàng, tôi gửi phòng Sản xuất. Hàng ra, Phòng Kinh doanh đi giao cho các đại lý. Trong tháng đầu tiên, doanh số tăng vọt. Chúng tôi nắm được kiểu nào bán chạy, lấy thêm đơn hàng sản xuất tiếp. Các em phòng Kinh doanh mừng quá cứ tíu tít nghe điện thoại, xuống kho lấy thêm hàng đi giao. Không khí rộn ràng, ai cũng vui. Cuối tháng họp nghe báo cáo doanh thu tăng, sếp ngạc nhiên hỏi lý do. Phòng Kinh doanh hăng hái trả lời: "Dạ nhờ có mẫu mới". Sếp lại hỏi mẫu mới đâu ra? "Dạ chị Tâm làm". Sếp sửng sốt vì thấy tôi chẳng nói gì cứ lẳng lặng mà làm. Có lần ông sếp lớn từ Pháp về, bà Tổng GĐ đem khoe loạt collection sử dụng vải tồn kho của tôi. Ông nói :"Đẹp đấy, nhưng hơi .. Vietnamien!"...
Có lẽ ông quen mắt nhìn hàng của Tây làm rồi, nhưng sản phẩm dành cho thị trường nào người thiết kế phải hiểu rõ. Có khi mẫu "tây" quá khó chấp nhận. Tôi còn nhớ có một mẫu do cô thiết kế người Pháp làm, cô "chơi" luôn hình chiếc bra trên ngực áo. Mẫu này bán rất chậm, vì tâm lý người Việt Nam ngại không dám mặc. Còn các size, cup cô cho sản xuất rất nhiều cỡ 85-90 B,C mà người Việt Nam nếu to béo như Tây thì đâu có nhiều. Về sau chính sếp lớn phải ra tay, bán hết tồn kho kích cỡ "vĩ đại" qua Algérie. Suy cho cùng, các mẫu tôi làm để giải quyết tồn kho bán rất chạy, vì đa số mẫu kín đáo, nhã nhặn có thể phù hợp với nhiều lứa tuổi, và có lẽ vì tôi là người Việt Nam, con mắt nhìn sản phẩm là cho người Việt Nam. Trong thiết kế, đôi khi bạn cần phải phá cách, cần mới mẻ, độc đáo, nhưng phải tùy trường hợp, hoàn cảnh, nhất là khi phải đáp ứng cho đạt doanh thu hàng tháng, bạn cũng sẽ phải chọn ra mẫu nào có thể phù hợp với số đông khách hàng mà thôi.



Bộ sưu tập Night wear LLP sử dụng NPL tồn kho năm 2000

Sau một thời gian ngắn, tồn kho nguyên liệu và phụ liệu giảm hẳn. Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận những đơn hàng trên các loại nguyên phụ liệu này đến nỗi nhiều loại đã hết, phải làm đơn đề nghị nhập vải tiếp. Làm được chuyện, lòng tôi thấy vui vui. Công việc vẽ mẫu phần nào giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ tranh sơn mài, dù thỉnh thoảng ban đêm tôi vẫn hay nằm mơ thấy đứng giữa phòng tranh, mùi sơn khó ngửi quen thuộc, sắc màu quen thuộc... Vì đó là "nghề" của tôi hơn 15 năm rồi.
Ngày ấy, khi phụ trách những thị trường khác ngoài Pháp, tôi lấy được đơn hàng của Đông Âu, của Trung Đông. Thú vị nhất là đơn hàng Trung Đông. Nhiều sếp trong công ty can tôi đừng mất thì giờ vì rất khó, chính họ đã nhiều lần thất bại. Ông khách hàng lại nhìn tôi than thở: "Tại sao, chúng tôi muốn bán hàng của công ty, launching sản phẩm công ty mà khó tiếp cận thế này?" Thấy ông ta than thở, tôi lại càng muốn cố gắng giúp đỡ. Cuối cùng mọi chuyện ổn thỏa. Ông ta đã chọn được nhiều loại hàng. Ngày tôi nhận được đơn hàng cũng là ngày ông ta gửi về những hình ảnh chụp showroom lộng lẫy ngay tại thủ đô Riyadh cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo của họ trước khi nhập hàng qua. Công ty này thuộc sở hữu của một tỷ phú Ả Rập. Lúc đó các sếp mới tin là sự thật. Còn tôi thì thấy rằng, nếu ngại chuyện khó bạn sẽ không bao giờ thành công. Trong trường hợp của tôi, ngoài may mắn, điều chính mình phải nỗ lực là sự kiên nhẫn, tấm lòng đối với công việc và công ty mình đang làm, cùng sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng.



 Một vài hình ảnh trong bộ sưu tập Nightwear của LLP sử dụng NPL tồn kho năm 2000

Cũng thật là vui khi đến ngày công ty tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Lúc này công ty đã dời về khu công nghiệp ĐN, rộng hơn nơi cũ rất nhiều, quy mô lớn hơn. Phòng Kinh Doanh chúng tôi được lệnh phải tổ chức trình diễn thời trang trong đêm lễ kỷ niệm. Gần 1.000 khách hàng được mời cộng thêm hơn 2.000 nhân viên công ty, cái sân lớn như bùng nổ. Chúng tôi ký hợp đồng với một nhóm 10 người mẫu và MC là Thanh Bạch. Phần trình diễn gồm 5 màn: Áo dài 1 màn, Underwear 2 màn, Nightwear 2 màn. Vì mục đích là giới thiệu sản phẩm mới nên các người mẫu được mặc áo dài mỏng để có thể nhìn thấy bên trong. Màn 2 và 3 vì trình diễn y phục "nhạy cảm" nên tôi phải chọn các loại kimono đi cùng tông màu cho kín đáo. Khi ra đến sân khấu, các người mẫu chỉ cần mở nhẹ chiếc kimono một chút thôi để thấy bộ đồ bên trong, đẹp như đồ tắm bikini vậy thôi nhưng vì lúc đó, các màn trình diễn underwear không được Bộ Văn hóa & Thông tin cho phép nên chúng tôi đành làm "nửa kín nửa hở". Riêng màn 4 và 5, vì tính chất "trình diễn", tôi tạo mẫu nightwear lộng lẫy gần như áo đầm dạ hội. Cuộc trình diễn thời trang ấy dù tổ chức lần đầu tiên còn nhiều vụng về nhưng cũng khá thành công. Giám đốc một siêu thị Pháp đã ngỏ ý mời tôi hợp tác tổ chức một chương trình trình diễn thời trang tại siêu thị để quảng bá sản phẩm sau đó. Còn bà sếp thì đã sung sướng quá đến bật khóc và ôm chầm lấy tôi khi tôi vừa từ hậu trường bước ra.
Đó cũng là thời gian hạnh phúc của tôi vì được làm việc và chia xẻ, chan hòa tình cảm cùng đồng nghiệp. Còn nhớ trong phòng Kinh doanh có vài nhân viên nam, còn lại toàn là nữ. Đầu tiên khi vào làm việc, một số chàng trai độc thân cảm thấy ngại ngùng khi nhìn thấy sản phẩm "underwear" của phụ nữ. Anh chàng trưởng phòng lấy tay nhón một chiếc áo bra như nhón phải con chuột. Giám đốc nhăn mặt: "Các em đừng nghĩ gì sâu xa, phải xem đây là sản phẩm". Khi quen rồi, anh chàng trưởng phòng thú nhận: "Ban đầu khi mình xách Samsonite đựng các "thứ" ấy đến làm việc với đối tác nữ, thật đỏ cả mặt, nhưng rồi .. cũng quen, nay thấy .. thích!" Anh chàng phụ trách tiếp thị trẻ tuổi thì nói : "Em cũng vậy, khi em phải đi tiếp thị đem rất nhiều mẫu, về nhà em không cho ai xem hết vì sợ ... hiểu lầm thằng này giờ toàn nghiên cứu .. underwear!" Cả phòng cười ầm. Chúng tôi đã cùng trải qua những ngày vui vẻ được làm việc bên nhau, thân thiết như một gia đình. Nay phòng Kinh doanh ngày ấy đã thay đổi, nhiều người đi làm công ty khác. Chàng trưởng phòng mở một loạt quán café ở thành phố rất thành công. TT làm cho công ty nước ngoài. TA chuyển qua một hãng tàu vận chuyển. Và tôi cũng đã từ giã ra đi để trở về với sắc màu. Nhưng khi nhắc lại những kỷ niệm thời gian này, lòng tôi vẫn cảm thấy rất ấm áp khi được sống trong môi trường làm việc rất tình cảm và đầy tính nhân bản đó. Tôi nghiệm ra một điều là người ta có thể làm được nhiều việc khác nhau, miễn là ở công việc nào, ta cũng phải hết lòng với nó. Có phải cuộc đời như tấm gương soi, ta mỉm cười với nó thì nó sẽ mỉm cười lại với ta?

* NGUYỄN DIỆU TÂM




CÁ TRÍCH PHÚ QUỐC


Cá trích, nguyên liệu của nhiều món ăn thông dụng của nhiều nước trên thế giới.
Riêng tại Phú Quốc, Việt Nam, cá trích được biến chế thành nhiều món đặc sản rất nhiều người ưa thích vì loại cá này cung cấp nhiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người.
Như tại nhiều vùng biển khác của Việt Nam, cá trích được sử dụng thường là cá tươi vừa đánh bắt xong, càng tươi cá càng ngon ngọt nên các món ăn càng hấp dẫn.
Một số món như sau :

1- Gỏi cá trích


Cá trích cạo sạch vảy rồi rửa thật sạch, bỏ ruột, đầu, lạng phi lê hai bên, thái mỏng ra từng miếng một.
Cho 2 thìa súp nước cốt chanh vào cá, ngâm khoảng 5 phút, sau đó vắt ráo.
Đun nóng chút dầu, phi thơm tỏi, cho hành tím thái mỏng vào xào vàng vừa. Trộn cá với hành tím, tỏi, hành phi, ớt xay, nước mắm, nước cốt chanh, đường.
Phụ liệu cần có : Bánh tráng nướng, rau sống, dừa khô nạo sẵn thành sợi.
Rau sống và dừa thì Phú Quốc luôn có sẵn trong những cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt bánh tráng Phú Quốc có hương vị riêng biệt so với những nơi khác, vừa dày vừa dẻo lại vừa to. Do vậy, khi cuốn với gỏi cá trích, bánh tráng không bị bể và ăn rất ngon miệng. Nước chấm gỏi cá trích cũng rất đặc biệt, gồm ớt, tỏi và đậu phộng rang, đâm nhuyễn rồi trộn lại với nhau, pha thêm nước mắm chính hiệu Phú Quốc sẽ tạo ra một hương vị vừa cay nồng, thơm lừng và khó quên khi chấm với gỏi cá trích.
Món ăn ngon quá, nên dân gian có câu:
"Nước mắm ngon đem dầm con cá trích
Anh có vợ rồi đứng xích cho xa"....!!
Ngoài cá trích, cũng có thể làm gỏi rất ngon với cá nhồng, cá bớp, cá đục, cá nù v.v.

2- Cá trích kho :
Món này rất ngon! Nếu ông xã của bạn không tự tay đánh bắt cá từ biển được thì hãy xách giỏ ra chợ sớm sẽ mua được cá tươi từ ghe đánh cá của ngư dân cập vào bờ chợ. Muốn mua cá rẻ chịu khó .. nhảy xuống ghe. Còn ngại không dám thì chờ khi bạn hàng lấy cá lên bờ rồi mua, giá có hơi đắt tí xíu (:-) ... Nên mua từ 1 đến 3 ký nếu nhà đông người.
Cá làm sạch, cho vào rổ để thật ráo nước rồi xếp lớp vào nồi. Nước mắm Phú Quốc và đường cát đổ vào ngập cá. Cứ 1 nước mắm thì từ 1/4 đến 1/2 đường cát tùy khẩu vị các bạn muốn ăn ngọt nhiều hay ít. Dân Phú Quốc cũng thích dùng đường thốt nốt. Tuyệt đối không đổ nước và không dùng bất cứ thứ gia vị nào khác như muối, tiêu.
Bắt nồi lên lò than. Để lửa riu riu suốt một ngày. Tự động cá vàng đều, xương mềm rục mà con cá lại cong cứng, đường và nước mắm thấm vào cá ươm màu nước mắm Phú Quốc rất đẹp.
Có thể để dành ăn dần. Ăn với cơm cùng canh khoai mỡ hoặc cháo nóng. Tuy món ăn rất dân dã nhưng ngon lắm, bạn sẽ khó mà quên!
Tuy nhiên, khi mình không sống bên cạnh biển như Phú Quốc, Vũng Tàu, Nha Trang hay Qui nhơn thì làm sao có cá thật tươi xanh mà ăn. Đó là những gì tôi nhớ trong ký ức thời gian lúc còn ở Phú Quốc luôn được ăn cá, mực, ghẹ tươi xanh ngon quá mà thôi. Nay không ở gần biển thì mình cũng có thể làm cá có sẵn còn sống bán ngoài chợ, tất nhiên cá đông lạnh thì không ngon bằng rồi, nhưng dẫu sao có còn hơn không! Cá kho kiểu này, nếu không dùng cá trích có thể dùng cá ngân chỉ, bạc má, cá nục, cá bống hay cá cơm cũng ngon lắm. Vì kiểu kho dùng nước mắm Phú Quốc nguyên chất, không ngon sao được! Kho cá có nhiều kiểu kho, kiểu Huế thường kho tiêu, miền Nam kho tộ. Có khi làm một nồi cá hú, cá thu có hành phi với dầu (thay mỡ), sốt cà chua, nước mắm ngon, đường tiêu muối vừa ăn là ngon rồi. Lâu lâu ăn cơm với cá kho đúng điệu bạn sẽ thấy rất ngon miệng. Dân gian có câu: "Mẹ với con như cơm với cá" mà.
Ngoài ra, còn có món lẩu cá trích với măng chua, cá trích sốt cà v.v.. Chỉ riêng với cá trích, những người phụ nữ Phú Quốc có thể chế biến lên đến 30 món. Còn nhiều món ăn đặc sản với cá như bánh canh cá, bún cá cà ri v.v.
Có dịp, xin mời các bạn ghé thăm đảo ngọc Phú Quốc. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, mà còn nhiều loại khô nổi tiếng như mực, cá khô thiều.