Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

DẠO CHƠI CÙNG LỊCH SỬ VỚI OLD SYDNEY TOWN, AUSTRALIA


Old Sydney Town được xem như là một bảo tàng ngòai trời tại thành phố Somersby, gần Gosford tiểu bang New South Wales, Australia, là một tái tạo trung thành của buổi ban đầu sơ khai của thuộc địa New South Wales, trải dài từ năm 1788 đến 1810. Bảo tàng hoạt động từ năm  1975 đến 2003 thì đóng cửa.
Thành phố Sydney, thủ phủ của tiểu bang New South Wales, là thành phố lớn nhất, nổi tiếng nhất và lâu đời nhất của nước Úc. Nằm ở bờ biển phía đông của Úc, thành phố được thiết lập vào năm 1788 tại Sydney Cove do Sir Arthur Phillip người dẫn đầu Đoàn tàu Thứ nhất (First Fleet) đến từ Anh. Có ba nhóm thổ dân với ngôn ngữ khác nhau đã sinh sống tại đây ít nhất vào khoảng 30.000 năm. Người châu Âu bắt đầu để ý đến Úc từ khi Đô đốc James Cook tìm thấy Vịnh Botany vào năm 1770. Dưới chỉ thị của chính quyền Anh, một khu di dân cho những người tội phạm được Sir Arthur Phillip thiết lập vào năm 1788. Ông thành lập khu dân cư tại Sydney Cove trên cảng Jackson, đặt tên nơi đó theo tên của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, Lord Sydney Thomas Townshend, để công nhận vai trò của Lord Sydney trong việc giúp cho Arthur Phillip có giấy phép thành lập khu thuộc địa.
Vào năm 1969,  kiến trúc sư Frank R. Fox đã mua lại 65 ha đất tại Somersby gần Gosford với ý tưởng tạo ra một bản sao của lịch sử thành phố Sydney buổi ban đầu sơ khai. Ông muốn phản ánh lối sống của những người định cư đầu tiên trong những năm đầu của thực dân và cũng vì địa hình vùng đất này rất giống với cách bố trí ban đầu của Sydney.

Cổng vào thành phố cổ Sydney
Cối xay gió tại thành phố cổ Sydney

Một ngôi làng
Xe ngựa chạy trong thành phố cổ
Một bức tranh vẽ thành phố Sydney vào thế kỷ 18

Sau khi nghiên cứu cẩn thận, ông bắt đầu cho xây dựng vào năm 1972, dựa theo bản đồ thành phố Sydney của James Meehan vào năm 1803 và gồm hơn 30 công trình được tái tạo như thật theo bản gốc :
1- "Sydney Cove" - một nơi giải trí của Sydney Harbour
2- Nơi diễu binh
3- Nơi bắn súng đại bác
4- Nơi đấu súng lục và xét xử tội phạm
5- Tòa án
6- Nơi hành phạt
7- Các cuộc đua trâu, xe ngựa kéo
8- Những cửa hàng mỹ nghệ
9- Quán trà, nhà hàng nướng v.v..

Một số nhân vật trong ngôi làng cổ thế kỷ 18



  

       
   

 
    

 

Công viên được mở cửa từ 1975 do thủ tướng thứ 21 của nước Úc là ngài Gough Whitlam, sau đó phát triển bởi kiến trúc sư Frank Fox dưới sự trợ giúp của chính phủ liên bang và ngân hàng New South Wales. Chính phủ tiểu bang Wran đã về đầu tư ngay sau khi thủ tướng kế tiếp là ngài Malcolm Fraser lên cầm quyền vào cuối năm 1975.
Trong 28 năm qua hàng ngàn du khách đã đi trên đường phố Old Sydney Town với niềm xúc động và vui sướng khi được sống lại với quá khứ, được tham gia vào một cuộc phiêu lưu trở về lịch sử. Du khách có thể đi lang thang trên đường phố và khám phá những phong cách sống của thành phố Sydney vào thế kỷ 18, từ ngôi làng với những nông trại, đến những ngành nghề, được xem cảnh đội quân áo đỏ diễu hành, chứng kiến cuộc diễn tập và nghe tiếng đại bác như sấm rền, được xem một trận đấu súng lục gay cấn hay chứng kiến cảnh một tù nhân nổi loạn, được tham gia cảnh xét xử ở một phiên tòa, cảnh  tù nhân bị đánh đập, bị kết án và trừng phạt như bị treo cổ hay xử bắn .v.v.
Nhưng thật không may, vào ngày Thứ Hai 27 tháng 1, năm 2003  Old Sydney Town đã ngừng hoạt động. Người ta vẫn hy vọng rằng trong một ngày thật gần, bảo tàng lịch sử quý giá tái hiện lại lịch sử thời quá khứ nước Úc sẽ được hoạt động trở lại. Trong suốt 28 năm hoạt động, công viên đã được 6 triệu lượt du khách viếng thăm.




Tôi được may mắn tham quan Old Sydney Town vào năm 1993. Những gì được nhìn thấy thật hấp dẫn, thú vị và khó quên. Toàn cảnh quá khứ thời điểm từ 1788 đến 1810 được tái hiện rất sinh động bởi sự tham gia của hàng trăm diễn viên trong nhiều vai, hóa thân vào nhân vật không phải chỉ thu hẹp trên một sàn diễn của sân khấu kịch, mà ta có cảm tưởng như họ là con người đang sinh sống ở đấy, với cách ăn mặc, sinh hoạt của thế kỷ 18. Du khách được đi dạo chơi một cách tự do, có thể tùy thích ghé thăm một tiệm may, một xưởng gỗ, một trại hòm, một nông trại nuôi cừu, một hầm rượu, vào kéo ghế ở một nhà hàng với các món ăn truyền thống, thăm vài ngôi nhà mà bên trong nội thất rất cổ, với những căn phòng, bàn ghế giường tủ nhỏ xíu cho thấy người Úc vào thế kỷ 18 cũng chưa to lớn như ngày nay. Trên những con đường làng có thể nhìn thấy những thôn nữ, những ông chủ, người hầu qua lại, những chiếc xe ngựa chở hàng, xe trâu kéo. Thỉnh thoảng có một tốp lính đi tuần, súng vác trên vai. Bất ngờ có tiếng kêu la inh ỏi của một phụ nữ bị một tên trộm đột nhập vào nhà bắt trộm heo, gà. Rồi lính kéo đến lùng sục bắt trộm. Sau đó là màn giải tội phạm ra tòa. Tòa án cũng có vị chánh án oai nghiêm, có bị cáo trước vành móng ngựa, còn người dự phiên tòa là các đoàn khách tham quan được ngồi trên những thân cây lớn để chứng kiến tòa xử án. Một vài người nhịn không được đã khúc khích cười, thế là chánh án nghiêm mặt gõ búa gỗ cọc cọc xuống bàn và chỉ tay về phía phát ra tiếng cười : "Không được cười trong lúc tòa xử án!" Thế là mọi người đều cười ầm lên. Mọi chuyện đã xảy ra thật tự nhiên, thoải mái và vui vẻ như thể du khách cũng hóa thân vào vai diễn ấy, hay đang sống trong đời sống ấy. Cảm giác và trải nghiệm này, thật khó mà có được trong những cuộc tham quan bảo tàng hay di tích khác.

Old Sydney Town, nông thôn thế kỷ 18 - NDT

Cối xay gió thế kỷ 18   








Old Sydney Town - Với người lính áo đỏ


Old Sydney Town - Nông trại thế kỷ 18
  
Old Sydney Town - Bên ông chủ đồn điền thế kỷ 18

  
Old Sydney Town - cảnh lính áo đỏ lùng bắt kẻ trộm

 
Old Sydney Town - Cảnh tòa án thế kỷ 18

 
Old Sydney Town, nơi hành xử tội phạm thế kỷ 18

 
Old Sydney Town, nhà tù thế kỷ 18


Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn còn giữ  những tấm hình kỷ niệm đã chụp tại Old Sydney Town. Tôi luôn mong ước sẽ có ngày trở lại thăm bảo tàng này. Rồi một ngày, em gái tôi báo tin : "Chị ơi, Old Sydney Town bị đóng cửa rồi!"  Tôi cảm thấy buồn và hụt hẫng, vì vẫn mong ước có ngày trở lại thăm chốn xưa. Tôi tìm đọc nhiều thông tin liên quan vì sao một nơi giải trí bổ ích như vậy lại không thể tồn tại. Dù nơi này đã có chính phủ liên bang tài trợ, nhưng lý do để phải bị đóng cửa là bởi vì các hoạt động của bảo tàng trong suốt bao nhiêu năm qua đã không đem lại lợi nhuận mà còn bị thua lỗ quá lớn. Không có tài chính để tu bổ, nâng cấp, các công trình nơi đây đã xuống cấp trầm trọng, dần dần trở thành hoang phế. Nay người ta cần phải đầu tư cho những gì có thể mang lại lợi ích cao hơn, thí dụ như những trò chơi điện tử hiện đại, bởi dường như giới trẻ ngày nay không mấy quan tâm đến lịch sử nên bảo tàng đã không thu hút được họ.
Farewell, Old Sydney Town!
Đọc thêm : Tin này làm cho nhiều người xôn xao. Có nhiều bài viết về sự kiện này như sau:
Edmond Rose, ABC AM trong bài phỏng vấn " Old Sydney Town to close" nói rằng : "The reasons are myriad, but foremost is the perception that the new generation of clients weaned on computer graphics and games are more interested in instant gratification, rather than the introspection of history" http://www.abc.net.au/am/stories/s757135.htm
Khi được hỏi có cần sự trợ giúp của chính phủ, Stephen Large - CEO of the Port Arthur historic site in Tasmania, trả lời rằng "Absolutely! Once it's lost, it is gone and you can't get it back. "
"Vĩnh biệt Old Sydney Town"! ( "Farewell to Old Sydney Town forever" by Claire O'Rourke - The Sydney Morning Herald ) http://www.smh.com.au/articles/2003/01/24/1042911552312.html
Và hiện nay, Old Sydney Town chỉ còn dành cho điện ảnh.

 
  Sydney thế kỷ 20
Sydney, màu tím Jacaranda

Melbourne

Một góc Melbourne

Fairy Park, Melbourne
Thăm lâu đài Công chúa ngủ trong rừng, Fairy Park

Sydney
Bên hoa Christmas tree

Darling Harbour, Sydney

NGUYỄN DIỆU TÂM
Hình ảnh từ số 1->17 : http://www.oldsydneytown.com.au/
Ảnh 18->34 : Nguyễn Diệu Tâm

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

CHUYỆN CỦA HOA

Lúc còn nhỏ, tôi mê đọc truyện Khái Hưng. Những tác phẩm như Cái ấm đất, Cây tre trăm đốt, Ông đồ bể, Cóc tía, Lưu Bình Dương Lễ ... cho đến Gánh hàng hoa, Hồn bướm mơ tiên ..  là một số trong loại sách gối đầu giường của tôi. Đặc biệt là truyện "Bông cúc đen". Không hiểu vì sao cái "bông cúc đen" này cứ đi theo tôi từ thuở còn thơ cho đến bây giờ.
Truyện kể về một hoàng tử bị dì ghẻ ám hại. Bà tâu với vua cha là ở một miền xa có loại bông cúc đen quý giá và chàng đã phải lên đường đi tìm bông cúc màu đen. Không làm sao tìm ra, cuối cùng chàng mơ thấy những nàng tiên giáng trần đáp xuống khu vườn hoa muôn sắc trong một đêm trăng sáng. Có một nàng tiên sau khi hiểu nỗi lòng của chàng, bèn giúp chàng bằng cách cởi chiếc áo choàng đen của mình khoác lên một bông cúc trắng. Khi tỉnh giấc, chàng nhìn thấy một bông cúc đen thật sự.

Hoa Uất kim hương đen ( google.com )

Lớn hơn, tôi được đọc truyện "Uất kim hương đen" ( La tulipe noire ) của Alexandre Dumas (père), một tác phẩm lãng mạn đầy những cuộc phiêu lưu hấp dẫn, âm mưu thâm độc, chiến tranh chết chóc và tình yêu nồng thắm. Lại mơ màng đến bông hoa uất kim hương đen. Về sau này tôi được biết là người ta đã trồng được loại hoa đó. Còn "Bông cúc đen" dường như vẫn còn nằm mãi trong câu chuyện thần tiên của Khái Hưng.
Vào những ngày hè, tôi được cha mẹ cho đi Đà Lạt nghỉ mát với chị, có khi ở đó suốt mùa hè. Chúng tôi có một người dì sống cùng các con gái ở Trại Hầm, nhà trên đồi cao và phía sau là một thung lũng. Khu vườn lớn sau nhà bà trồng nhiều mận. Đến mùa hoa mận nở trắng thật đẹp. Cũng có mảnh vườn trồng các loại hoa hồng, cúc, thược dược, mâm xôi ( hortensia ) v.v.. Hầu như trên tất cả những con đường thanh vắng đi về trung tâm thành phố Đà Lạt, hai bên lề đường luôn có nhiều hoa cúc dại, loại hoa marguerite trắng có nhụy màu tím, rồi hoa bướm bay, hoa quỳ vàng... Trong nắng ấm ban mai những ngày có mặt trời, tôi sung sướng vừa đi vừa ngắm hoa. Tôi cũng thích cả những nụ tầm xuân hay ti gôn mọc dại trên các hàng rào, bờ tường. Đặc biệt, loại hoa tượng trưng của Đà Lạt là mimosa. Có vài con đường ngập tràn mimosa hai bên lối đi. Biết bao nhiều bài thơ, bài hát đã được sáng tác từ những cánh hoa mimosa ấy. Nói chung, hoa nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó.




Mimosa và vườn hoa Thung lũng vàng Đà Lạt

Tôi bắt đầu tập trồng hoa, dù nhà tôi lúc đó ở Qui nhơn không có vườn, không phải là thành phố có khí hậu lý tưởng cho hoa. Từ những balcon nhỏ có chút đất, tôi ươm những hạt giống violette, penseé .. Lúc nhìn thấy những bông hoa đầu tiên hé nở, lòng tôi cảm thấy thật sung sướng. Tôi không thích hái hoa đem vào nhà cắm trong bình, dù điều đó có thể làm cho căn phòng của mình tươi tắn hơn, vì tôi thấy rằng hoa chỉ đẹp khi rung rinh ngoài vườn, đẫm mình khoe sắc trong nắng sớm khi hạt sương đêm vẫn còn long lanh trên cánh hoa, hay kiêu sa về đêm làm cho người ta phải hồi hộp đợi chờ giờ hoa nở như dạ quỳnh.
Những bông hoa dường như là thế giới của những bé gái, thiếu nữ xuân thì và hoa đi theo người phụ nữ đến suốt cuộc đời. Không biết tự bao giờ những người đàn ông đã biết tặng hoa cho người bạn gái mà anh ta yêu mến? Không biết tự bao giờ, và bắt nguồn từ đâu người phụ nữ được ví von như những bông hoa? Một ý tưởng thật hay mà sao quý bà không dành một ngày nào đó trong năm để .. biểu dương tính "nịnh đầm" ngẫu nhiên nhưng mà có thật đến trở thành "truyền thống" đó của quý ông?

Hoa cẩm tú cầu ( Hortensia )

Nhan sắc, tuổi tác, tính cách người phụ nữ cũng ít nhiều được gắn liền với các loài hoa. Có khi nàng là "nụ tầm xuân nở ra xanh biếc" để khi "em có chồng anh tiếc lắm thay" từ thuở ca dao. Có khi nàng "như một nụ hồng, cầu mong chẳng lạnh lùng" (Ngô Thụy Miên). Hay nàng là "ngọc lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng" (Dương Thiệu Tước) hoặc huyền diệu như đóa "quỳnh hương" nở "trong vườn trăng vừa khép những đóa môi hôn" (Trịnh Công Sơn) ...
Từ người thiếu nữ thơ ngây e lệ như "hoa trinh nữ" cũng có khi được ví yếu đuối như "tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" .. hay người đàn bà sắc sảo như "bông hồng có gai"... liền kề với sự ghen tuông dữ dội khi ví von nàng như ... trái ớt!  "Ớt nào mà ớt chẳng cay"...
Ôi thật đáng yêu mà cũng đáng thương cho thân phận người phụ nữ! Tôi lại thắc mắc vì sao phụ nữ và hoa có mối tương quan. Quan niệm này hẳn bắt nguồn từ hình ảnh những đóa hoa nở thắm tươi trong vườn xuân được các chú chàng ong và bướm bu đến hút nhụy, rồi khi hoa đã tàn, nhụy đã tan, chẳng con ruồi nào .. đậu, theo quy trình cuộc sống! 

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo...

Hoa cúc trắng

Hoa pháo Đà Lạt


Nếu mỗi người đàn bà là một thế giới riêng không ai giống ai, thì bông hoa cũng có cuộc đời của nó. Có hoa chỉ nở vào mùa xuân thì cũng có hoa mùa hạ, hoa mùa thu và hoa mùa đông. Trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, tranh tứ bình "Mai, Lan, Cúc, Trúc" tượng trưng cho bốn mùa trong năm. Mùa xuân là hoa mai, mùa hạ là hoa sen, mùa thu là hoa cúc, và mùa đông là cây trúc. Các loại hoa ảnh hưởng từ văn hóa Trung quốc như mẫu đơn, phù dung, tượng trưng cho vẻ đẹp cao sang quyền quý.  Hoa, cũng như người phụ nữ, luôn là đề tài bất tận được khai thác trong thi văn, nhạc họa. Thử tưởng tượng cuộc đời này không có Hoa, hẳn buồn và trống vắng biết bao!

NGUYỄN DIỆU TÂM
Ảnh 1: Google.com
Ảnh 2,3,4,5,6,7,8,9,10: Diệu Tâm

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

CÓ NHỮNG GIẤC MƠ

Một chút tự sự: Tôi là người thích những giấc mơ và tất nhiên, đêm ngủ thường nằm mơ.
Có một bài hát dễ thương của nhạc sĩ Phạm Duy :
"Có ai nằm ngủ không mơ?
Biết em nằm ngủ hay mơ,
Nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên"....
Tôi nghĩ rằng mọi người đều mơ nhưng để nhớ lại những giấc mơ thì không phải ai cũng nhớ.

"The Knight's Dream" ( Giấc mơ thiên thần" ) - Antonio de Parada 1655

Trong nhiều giấc mơ tôi thường thấy những giấc mộng đẹp. Có khi thấy mình lang thang ở một vùng trời nào xa lạ, một thành phố, phong cảnh nên thơ nhưng lại thấy rất quen thuộc, hay bởi kiếp trước mình đã sống hoặc đã từng đến đó? Có lúc tôi thấy mình đang đứng trước một bức tranh thu, với cánh rừng ngập lá vàng, đẹp đến nỗi tôi đã bước hẳn vào trong tranh, rồi sau đó khi tôi đã "hóa thân" vào tranh thì chung quanh tôi là ngập tràn lá vàng mùa thu... Những giấc mơ có khi ám ảnh tôi đến nỗi đôi khi tôi chợt nhớ đến một câu chuyện nào đó, một hình ảnh nào đó mà không thể nhớ nổi đã bắt nguồn từ nơi nào, hay chính là từ trong những giấc mơ của mình.
Cũng có nhiều giấc mơ hết sức tâm linh. Lúc trẻ, nhiều lần tôi nằm mơ thấy đức Phật Quan âm đứng trên tòa sen trong một cái hồ, và ngài đã đưa tay đón tôi. Cũng có thể do có thời gian tôi đã vẽ rất nhiều ảnh Phật, mà thích nhất là bức Phật Quan Âm và Đồng tử.
Một lần, năm ấy tôi đang dạy học ở Vĩnh Long. Một hôm về nhà tôi nghe mẹ kể chuyện đồng cốt, tôi hơi nhăn mặt nói với mẹ: "Mẹ tin làm gì chuyện ấy!" Khoảng một vài tuần sau, lúc đang ngủ trong khu nội trú trường học ở Vĩnh Long, tôi bỗng mơ thấy có một người phụ nữ mặc áo xanh đỏ nhiều màu, từ xa đi đến phía tôi với vẻ mặt rất giận dữ. Trong giấc mơ, tôi đang thắc mắc không biết người ấy là ai, thì bà đã lao đến tôi rất nhanh và tát tôi lia lịa đến tối tăm mặt mũi, vừa tát vừa nói: "Không tin nè! Không tin nè!"... Tôi đã rất kinh hoàng và vùng vẫy dữ dội để thoát ra khỏi giấc mơ. Bừng tỉnh, tôi thấy mình rất mệt. Và tự dưng mắt tôi sụp nặng không mở lên nổi. Trời đã sáng, tôi nhào đến gương soi. Ôi trời ơi, mắt tôi sưng húp! Không phải sưng bình thường, mà càng lúc mắt trái càng sưng to. Kể cho mẹ tôi nghe, mẹ chỉ nói: "Con bị phạt rồi! Mỗi chiều tối, con hãy thắp nhang và cầu xin cô tha lỗi đi thôi". Tôi mang con mắt sưng này gần mấy tháng sau mới xẹp hẳn. Hú hồn, nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc về giấc mơ ấy. Vì sau đó vài năm, khi tôi đã quên giấc mơ này thì lại nằm mơ thấy người phụ nữ ấy, vẫn từ xa đi đến nhưng lần này bà mặc áo dài màu trắng và mỉm cười với tôi. Trong giấc mơ tôi đã không nhớ đó là ai, thì bà cười hiền hậu nói rằng: "Ta là người đã .. đánh con sưng mắt!"
Lúc đó chúng tôi đang chờ ngày lên một con tàu ra đi, tôi hỏi ngay bà rằng chuyến đi có thành công không, bà chỉ lắc đầu rồi biến mất. Và sau đó đã đúng như vậy thật. Chuyến tàu ấy đã không rời bến.
Lại có nhiều giấc mơ .. kinh dị. Năm con trai tôi học Y khoa năm thứ nhất, có lần cháu đem về một vật gì đó bọc trong túi nylon, đem thẳng lên phòng làm việc và nói với tôi: "Mẹ đừng mở ra xem mẹ nhé!" ... Ái chà, thà nó đừng nói, chứ nói như vậy làm cho tôi thật tò mò... Nhưng cũng nghe lời con, không mở! Đêm cháu vào phòng ngủ, mệt quá nên quên tắt đèn, và cả cái vật mà cháu đem về cũng quên cho lại vào bao. Thấy đèn còn sáng, tôi bước vào định tắt đèn thì eo ơi.. tôi đã nhìn thấy "cái đó" nằm trên bàn. Tôi run bắn người, định chạy vào phòng con gọi nó ra nhưng thấy nó đã ngủ say nên tôi đành vội chụp lấy cái bao bên cạnh và ụp lên trên vật lạ ấy. Bạn có biết đó là cái gì không? - Một cái sọ người khô!
Đêm khuya thanh vắng, chỉ có mình tôi lục đục thu dọn cho xong cái "hiện trường" kia, tôi tắt đèn rồi trở về phòng mình. Dĩ nhiên là khó ngủ. Lúc chìm vào trong giấc ngủ, khoảng 2 -3 giờ sáng, bỗng tôi mơ thấy một cậu bé chừng 10 -12 tuổi, khuôn mặt sáng sủa dễ thương, mặc sơ mi cộc tay cũng sạch sẽ, đứng xa xa nhìn tôi cười. Lại giật mình thức dậy, tôi cứ băn khoăn không ngủ được nữa. Đến sáng thằng con thức dậy thấy vật lạ nó đem về đã được đậy lại, cu cậu biết ngay là mẹ đã phát hiện đó là cái gì. Tôi chỉ hỏi nó một cách nhẹ nhàng:" Con ơi, con lấy cái đó ở đâu vậy con?" - Dạ, con mượn ở bệnh viện Nhi!" Tôi hết hồn khi nghĩ đến giấc mơ : - "Đem trả lại đi con." - "Dạ, con mượn về học mà, con trả ngay đây"... Từ đó cháu không dám đem về nhà nữa. Đối với các sinh viên Y khoa thì chuyện tìm tòi học hỏi trên cơ thể con người là chuyện bình thường. Cháu vẫn kể những lần thực tập mổ xác, các sinh viên nữ có người ngất xỉu, còn cháu trong thời gian đầu bị ám ảnh bởi mùi formol, đi đâu cũng nghe có mùi.  Riết rồi cũng quen! Một bác sĩ quen kể cho chúng tôi nghe chuyện tương tự năm anh còn là sinh viên Y khoa. Anh cùng vài người bạn thuê nhà trọ trong thời gian học, một đêm các anh cũng mượn ở bệnh viện cái sọ người về học. Đêm ấy bà chủ nhà trọ không ngủ được, gõ cửa phòng anh mà hỏi:" Các cậu có đem cái gì lạ về nhà không?" Khi nghe bà gõ cửa, các anh đã giấu biến cái sọ dưới gầm giường nên nói ngay:" Không có!" Bà quay ra. Lát sau lại quay lại:" Có không? Sao tôi cứ nhắm mắt ngủ là thấy có người đòi .. trả lại đầu cho tôi?"... Rồi bà hăm he:" Này, có đem cái gì về thì mau mà trả đi nghe không?" Các anh hết hồn, đang đêm cũng phải xách vật ấy đi mà trả lại bệnh viện.
Và tôi còn nghe kể nhiều chuyện, có chuyện rất xúc động: Ở một bệnh viện nhi của thành phố, có một người mẹ trẻ đem đứa con gái nhỏ đang ốm nặng vào bệnh viện rồi nói dối "Con chờ ở đây nhé, mẹ đi một chốc thôi rồi sẽ trở về".. Nhưng cô ta đã bỏ trốn luôn, các y tá trong bệnh viện đã chăm sóc cho đứa bé gái bất hạnh ấy. Bệnh nặng quá, ít lâu sau đứa bé mất. Sau này có tin đồn rằng vào buổi tối, nhiều người thường bắt gặp một đứa bé gái ngồi khóc ở hành lang bệnh viện. Hỏi thì bé trả lời: "Con chờ mẹ con. Mẹ nói là chỉ đi một chút thôi rồi quay lại với con nhưng con cứ chờ hoài".. Tin đồn đó bắt nguồn từ đâu? Từ một giấc mơ của một cô y tá nào đó đã từng chứng kiến cảnh cô bé qua đời trong niềm hy vọng không nguôi là người mẹ sẽ trở lại? Hay đã có ai nhìn thấy rõ ràng linh hồn cô bé lang thang vất vưởng ở đó, nói đúng ra là "ma"?
Một số người kể về người thân khi sắp mất, hay đã mất rồi, họ thường nằm mơ thấy người ấy về báo mộng, như là một cái "điềm". Hay đây là thần giao cách cảm?

"The Nightmare" ( Cơn Ác mộng ) - John Henry Fuseli 1781

Nghe vậy, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ, có linh hồn hay không, giấc mơ có liên quan hay không, có thật không?
Có người giải mã được giấc mơ. Cũng có người có khả năng thôi miên và người được thôi miên sẽ kể lại vanh vách những gì trong quá khứ, kể cả từ kiếp trước.
Tôi còn nhớ năm lớp 12 được học nhiều môn triết học ngoài Tâm lý, Đạo đức còn có Siêu hình học. Tôi thích những chủ đề về Duy tâm, Huyền bí ... Giấc mơ được định nghĩa là "những trải nghiệm, ảo tưởng trong trí óc con người trong lúc ngủ".  Giấc mơ nằm ngoài sự điều khiển của chúng ta nên thường không có thật. Nhưng cũng có nhiều giấc mơ mà trong đó ta biết là mình đang mơ, hoặc không biết đang mơ. Có những giấc mơ có lẽ bắt nguồn từ những mong muốn, mơ ước của con người. Có những giấc mơ khủng khiếp do từ sự ám ảnh, sợ hãi nào đó mà ta gọi là "Ác mộng". Có những giấc mơ ấn tượng và nhiều cảm xúc có thể tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho con người, như trong âm nhạc, văn chương hay hội họa. Một số câu chuyện thú vị về giấc mơ như nữ văn sĩ người Anh Mary Shelley vào thế kỷ 18 đã viết cuốn truyện kinh dị Frankenstein với một số ý tưởng từ trong giấc mơ của bà. Ca sĩ Paul Mc Cartney của the Beatles nói rằng sau một giấc mơ, anh đã tỉnh giấc với bản nhạc Yesterday vang lên trong đầu.
Một họa sĩ đã vẽ một loạt tranh trừu tượng với chủ đề "Giấc mơ". Tôi hỏi anh làm sao vẽ được những giấc mơ? Nhiều lần tôi mơ đến những cánh rừng mùa thu với sắc vàng lộng lẫy, nhưng rất khó để vẽ lại những gì đã "nhìn thấy" trong giấc mơ đã qua khi mình không phải là thiên tài!
Tôi nhớ lại có lần đã lâu, có một chị Việt kiều nhờ tôi vẽ một bức chân dung cho bà ngoại. Chị chỉ có một bức ảnh 4*6 cm đen trắng nhỏ xíu. Chị yêu cầu tôi vẽ lớn theo qui cách 40*60 cm và cho màu. Tôi vẽ gần xong, đến màu áo thì tôi bí không nghĩ ra là màu nào. Thường áo các bà cụ già thì màu đen, nâu, gụ v.v. Đêm đến lại nằm mơ thấy một bà cụ chít khăn kiểu miền Bắc, mặc áo dài màu nâu sữa. Sáng đến chỗ làm, tôi pha ngay màu nâu sữa. Đến ngày lấy hàng, chị Việt kiều đứng sửng sốt nhìn bức tranh: "Em vẽ bà ngoại chị giống quá! Ôi màu áo nữa. Bà chị lúc còn sống rất thích và hay mặc màu nâu sữa như thế này!"... Tôi có thoáng chút rợn người.
Con trai tôi cũng thường nói: "Con hay nằm mơ mà sau đó ít lâu thường xảy ra những chuyện như con đã mơ thấy!"
Đúng vậy, con người ai cũng mơ. Mơ rồi quên, hoặc mơ để nhớ. Trăn trở về giấc mơ, có lần tôi đã viết một bài thơ, về "số phận":
.."Có những giấc mơ hóa thành sự thật,
Có những cuộc đời bỗng chốc biến thành mơ"!..

"Tôi đã mơ một giấc mơ", bài hát trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” ( Les Misérables ) phỏng theo tác phẩm cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, do nhạc sĩ Claude-Michel Schoenberg sáng tác vào năm 1980, cũng là câu chuyện đời của nữ ca sĩ Susan Boyle khi cô cất tiếng hát "I dreamed a dream" trong cuộc thi Britain's Got Talent 2009. Bài hát đã làm thay đổi cuộc đời cô, cho "giấc mơ hóa thành sự thật":

“I had a dream my life would be
So different from this hell I’m living
So different now from what it seemed
Now life has killed the dream I dreamed”…
Tạm dịch:
"Tôi đã mơ một giấc mơ về cuộc đời tôi
Thật khác với địa ngục trần gian tôi đang sống
Thật khác với những gì xảy ra trong mộng
Dường như cuộc đời đã giết chết giấc mơ của tôi"... 


* NGUYỄN DIỆU TÂM

HUYỀN THOẠI VÀ NHỮNG NGÔI ĐỀN ANGKOR

Huyền thoại về Angkor kỳ bí bắt nguồn từ thế kỷ 9 đến 15, không chỉ có Angkor Wat, Angkor Thom, Bayon, Phnom Bakheng, mà còn có trên dưới 600 công trình với rất nhiều ngôi đền và di tích khác nằm rải rác trong khu rừng sâu thẳm rộng hơn 45 km2 như Banteay Srei, Banteay Samré, Baphuon, Preah Khan, Preah Ko, Ta Prohm, Ta Keo, Terrace of the Elephants ( trường đấu voi ), Terrace of the Leak King v.v..
Banteay Srei (hay Banteay Srey) là một ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 để thờ thần Hindu là Shiva. Trong một số trường phái Ấn Độ giáo khác, Brahma, Vishnu và Shiva đại diện cho ba khía cạnh thần thánh của Ấn Độ giáo và hợp chung thành bộ tam thần ( Trimurti ). Trong trường phái tư tưởng tôn giáo này, Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Shiva là đấng hủy diệt hoặc biến đổi.



BANTEAY SREI , "ngôi đền của phụ nữ" nằm gần đồi Phnom Dei, cách 25 km về phía đông bắc của nhóm các đền đã từng thuộc về các kinh đô cổ đại của Yasodharapura và Angkor Thom. Banteay Srei được xây chủ yếu bằng đá sa thạch đỏ. Những công trình này nếu so sánh với các công trình Angkor thì chỉ như vật thu nhỏ, tuy nhiên ngôi đền cũng rất nổi tiếng, và được nhắc đến với các tên "viên ngọc quý", hoặc "trang sức của nghệ thuật Khmer".


Nghệ thuật điêu khắc trên đá sa thạch đỏ trên khắp các bức tường của Banteay Srei

Banteay Srei biết đến là một trong những ngôi đền có nghệ thuật điêu khắc tinh vi

Điêu khắc thần Shiva trên các bức tường Banteay Srei

Ngôi đền là là bức tranh tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc trên đá ong và sa thạch đỏ. Bản thân ngôi đền được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật trên đá với những bức phù điêu hoa văn một cách tinh tế và khéo léo từng chi tiết nhỏ. Đầu tiên ngôi đền này có tên là Tribhuvanamahesvara - nơi đây được xem là trung tâm hình ảnh của tôn giáo. Bao bọc xung quanh ngôi đền có rất nhiều tháp mà người ta gọi là Isvarapura.
Về sau, tên gọi của ngôi đền mới được sửa lại là Banteay Srei. Tuy nhiên, so với việc xây dựng từ ban đầu, nó được chính thức xây dựng và mở rộng lại vào thế kỷ thứ 8, mãi đến những năm sau đó, các họa tiết trong đền mới được điêu khắc vào thế kỷ thứ 12 và ngôi đền chính thức hoàn thành trọn vẹn vào thế kỷ 14.
Đền Banteay Srei là tuyệt tác của nghệ thuật tôn giáo Balamon Ấn Độ. Đền gồm ba lớp, qua cầu đá đi vào cổng đền là vòng ngoài, đến cầu đá thứ hai qua hào nước (nay không còn) là cổng vào vòng giữa và cuối cùng là vòng trong gồm các đền thờ và hai toà kiến trúc gọi là "thư viện". Trước ảnh nối với trung tâm đền là các tượng người bảo vệ đền. Các tượng này thật ra chỉ là tượng sao bản, tượng cổ nguyên thủy hiện nay được giữ bảo quản ở Viện Bảo tàng Quốc gia Phnom Penh. Trên mi cửa ở cửa hành lang điện sảnh là những điêu khắc tỉ mỉ. Có nhiều hoa văn trên đá như hoa lá, các con Phật sư hay những con sư tử và các vị thần linh được điêu khắc một cách tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trên sân nhỏ giữa đền ở vòng trong có ba đền thờ: kiến trúc đền thờ phía Bắc thờ thần Vishnu, đền trung tâm và đền phía Nam thờ thần Shiva.
Ngôi đền chính thức bị quên lãng sau nhiều thập kỷ liên tiếp cùng chung số phận với hơn 45 cụm di tích khác trong quần thể Angkor. Sau đó ngôi đền chính thức được phát hiện vào năm 1914 bởi các nhà khảo cổ người Pháp.

Người giữ đền Banteay Srei phải là phụ nữ


TA PROHM là tên gọi hiện đại của một ngôi đền tại Angkor, được xây theo phong cách Bayon phần lớn vào cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, ban đầu được gọi là Rajavihara. Tọa lạc cách Angkor Thom về phía đông được xây dựng bởi vua Jayavarman VII vào năm 1189 dài 1 km, rộng 700 m, tốn 5 vạn lượng vàng, 5 vạn lượng bạc và nhiều đá quý. Sau khi lên ngôi vào năm 1181, Jayavarman VII lao vào một chương trình lớn lao là xây dựng các đền đài. Ta Prohm là một trong những ngôi đền đầu tiên được xây dựng, bia ghi là vào năm 1186. Tên đầu tiên của Ta Prohm là Rajavihara (đền Hoàng Gia). Jayavarman VII đã xây dựng để tôn vinh hoàng tộc của mình. Hình ảnh nguyên của ngôi đền thể hiện Prajnaparamita, sự thông thái, là mô hình thờ mẹ nhà vua. Các đền ở phía Bắc và phía nam thể hiện người có uy tín của nhà vua và anh trai nhà vua. Tương tự Ta Prohm có đền thể hiện Lokesvara là một mô hình thờ cha nhà vua. Sau khi triều đại của đế chế Khmer đi xuống, đền Ta Prohm rơi vào sự quên lãng và nó được phát hiện trở lại vào đầu thế kỷ 20.


Đền được nhà vua xây dựng để tưởng niệm mẫu thân là Jayarajachudanami. Ngôi mộ Mẹ trong đền, bốn bức tường bằng đá có gắn kim cương. Tương truyền những đêm trăng sáng, những hạt kim cương phản chiếu rực rỡ khiến cho ngôi đền càng tăng thêm vẻ diệu kỳ. Khi  Jayavarman VIII lên ngôi đã hủy những hình ảnh liên quan đến Phật giáo để thờ vật linh của đạo Bà La Môn. Có thể nói Ta Prohm bị tàn phá hủy hoại các tượng thờ nhiều nhất. Trong suốt nhiều năm liên tiếp, đền chịu bao thăng trầm của lịch sử, quan trọng nhất là cuộc tấn công của quân đội Miến Điện và quân đội Xiêm vào cuối thế kỷ 13. Ngôi đền bị đổ nát, rất nhiều cổ vật trong đền bị quân đội Xiêm lấy mang về nước. Quan trọng nhất là những viên kim cương tại gian chính điện đã bị cậy đi mất. Hiện nay, phía trong gian chính điện vẫn còn vết tích của nơi đặt kim cương.
Hiện nay trong đền chỉ còn linga và yoni. Nơi đây còn có đền “vỗ ngực” - nghe âm thanh vọng lại khi vỗ vào ngực mình. Thuở xưa nhà vua sùng đạo Phật, thường đến nơi đây những đêm rằm để cầu nguyện.







Bố trí của Ta Prhom về cơ bản là giống dạng đền “phẳng” của đền Khmer, với 5 bờ tường hình chữ nhật bao quanh điện thờ linh thiêng trung tâm. Giống như hầu hết các điện thờ Khmer, Ta Prohm hướng về phía Đông. Tường ngoài cùng có khuôn viên 1000 m × 650 m nhưng bây giờ đã bị bao phủ bởi cây cối.
Ta Prohm có ít phù điêu. Một trong các giải thích về sự thiếu hụt này là do các tác phẩm nghệ thuật bị tàn phá gởi những người bài trừ thánh tượng Hindu. Công trình đồ sộ này chia làm nhiều tháp chính, tháp phụ và các khu vực trung tâm hay gian điện thờ. Bị rừng già bao phủ và gần như bị các cây tung nuốt trọn nên số phận của đền và đền Preah Khan gần giống như nhau. Tuy nhiên, xét về mức độ tàn phá, Preah Khan bị các cây tung phá hoại nhiều hơn nên đền Preah Khan có cảm giác kỳ bí hơn rất nhiều. Nhưng do Ta Prohm nằm gần hơn Preah Khan nên được viếng thăm nhiều nhất. Ở trung tâm của các tháp thờ có các linga và yoni đặt ở giữa của chánh điện. Bên trong các tháp, gạch đá nằm ngổn ngang, và hiện nay công việc trùng tu ngôi đền vẫn còn đang tiếp diễn.

Đa cổ thụ giết chết cây chủ rồi mọc lên giữa đống đổ nát trong đền.
Người ta còn nghĩ rằng những rễ cây này giống mái tóc của mẫu hậu, do hình ảnh nguyên của ngôi đền thể hiện Prajnaparamita, sự thông thái, là mô hình thờ mẹ nhà vua.
Người ta cho rằng đây là dấu tích nơi gắn kim cương ngày xưa.




Các điêu khắc đá hình tượng Apsara tại Ta Prohm

Đền Ta Prohm bị hủy hoại bởi thời gian trong chiến tranh và bị thiên nhiên hủy hoại. Cổ thụ mọc xen lẫn bờ thành, rễ xuyên phá làm đá sụp đổ. Cảnh tượng hùng vĩ nhất chính là rễ của các cây tung và kơ nia ôm gọn cả ngôi đền như nuốt trọn. Cảnh đền có vẻ điêu tàn hoang phế nên đoàn phim Hollywood đã chọn nơi đây để quay bộ phim Tomb Raider do nữ diễn viên Angelina Jolie đóng vai chính. Các rễ cây cổ thụ khổng lồ mọc trùm lên những tòa tháp đổ nát khiến ngôi đền càng thêm kỳ bí.

 Các rễ cây cổ thụ khổng lồ mọc trùm lên những tòa tháp đổ nát

Đền Ta Prohm còn nổi tiếng với tên gọi Lăng mộ Hoàng hậu: nơi những cây cổ thụ vĩ đại bao phủ nhiều công trình tạo nên những hình thù cổ quái và hấp dẫn. Tại đây còn có một hành lang kỳ bí, đi bên trong nó, nếu đập nhẹ tay lên ngực sẽ nghe được tiếng đập vọng về rất mạnh qua những bức tường thành.

Một phụ nữ Campuchia bán nhang cho khách cúng đền

Có tất cả hai đường để vào đền - cả hai cổng đều bắt buộc du khách đi bộ để vào rất xa - du khách vào một cổng và ra một cổng - đền rất rộng lớn và đổ nát. Khu vực trùng tu du khách không thể tham quan, một số cây Tung đang có nguy cơ mục nát và ban quản lý cố gắng cứu nó bằng mọi cách.
Những công trình vĩ đại được xây dựng vào thời gian này đã làm cho nhân lực và vật lực trong nước bị khánh kiệt, thuế má và sưu dịch ngày càng đè nặng lên đầu nhân dân, làm cho quần chúng lao động vô cùng cơ cực và oán than. Tuy nhiên những công trình kiến trúc đồ sộ và vô cùng tốn kém đó cũng nói lên được sức sáng tạo của những người Khmer thời cổ. Dưới đời vua Jayavarman VII, sức sáng tạo đó rõ nét nhất qua việc xây dựng khu chùa Banteay Chmar, một trong những ngôi chùa đẹp nhất của Campuchia. Theo ước tính của G. Groslier trong cuốn "Angkor - Người và đá "thì "chỉ riêng việc xây dựng ngôi chùa cũng đòi hỏi bốn vạn bốn nghìn công nhân làm việc trong tám năm, mỗi ngày làm mười giờ. Còn như việc trang trí cho ngôi chùa thì cũng cần đến một nghìn thợ điêu khắc làm việc suốt trong hai mươi năm"
Nhiều đền chùa khác được xây dựng ở các tỉnh xa xôi : đền Wat Norko ở Kompong Cham, Đền Ta Prom ở Bati và rất nhiều đền khác tại Lopburi, Ratburi, Phetchaburi, Muong Sen v.v. tất cả đền nằm trên đất nước Thái Lan ngày nay. Trong những công trình kiến trúc quy mô đó, tập trung nhiều nhất ở kinh thành Angkor Thom và vùng phụ cận. Đó là một kinh thành với những bức tường thành dài 12 km, những hào sâu bao bọc, những cổng lớn hướng về bốn phương trời và đền Bayon ở trung tâm; đó là đền Banteay Kdei, đền Ta Prhom, đền Neak Pean, đền Preah Khan, được coi là những viên ngọc của nghệ thuật kiến trúc Khmer. Ở đây người ta không thờ vua-thần với những tượng linga bằng vàng như dưới các đời vua trước, mà người ta thờ pho tượng Jayavarman VII khổng lồ bằng đá dưới dạng Quan Âm Bồ Tát. Phía Đông Angkor Thom còn có các đền Banteay Kdei, đền Ta Prom thờ tượng bà hoàng thái hậu, tượng vị cao tăng thầy học của nhà vua cùng với trên 260 pho tượng khác. Ở phía bắc Angkor Thom có đền Prei Khan thờ tượng vua chúa, trong đó người ta tìm thấy bia đã nói trên đây tường thuật lại buổi lễ đang quang cũng như những công trình xây dựng đường sá và bệnh viện của nhà vua.




Một số ngôi đền khác tại Angkor
Chiếc cầu cổ thế kỷ 10

Vì Angkor có quá nhiều di tích kỳ vĩ như thế nên ngày nay lượng du khách đến tham quan càng lúc càng tăng lên đến hàng triệu người mỗi năm đến nỗi nhà cầm quyền phải báo động vì sợ rằng du lịch có thể làm hủy hoại kỳ tích.
Tôi cũng tin rằng trong số đông du khách ấy sẽ có nhiều người muốn trở lại vài lần, vì nếu chỉ đi thăm Angkor trong một ngày, hai ngày hoặc thậm chí cả tuần lễ cũng vẫn không đủ. Không chỉ làm cho thế giới sửng sốt bởi các kiến trúc lạ kỳ cùng với vô số các điêu khắc tỉ mỉ tinh tế trên khắp các bức tường đá từ bàn tay hàng ngàn nghệ nhân tài hoa qua nhiều thế hệ, mà từ đó du khách có thể "nghe" được từ những chuyện thần thoại Hindu, sử thi Ấn Độ Mahabharata và Raymana, những thiên anh hùng ca qua hình ảnh những chiến binh dũng cảm đã chiến thắng quân xâm lược, đến những vũ điệu thần tiên từ 1.700 tiên nữ Apsaras được chạm khắc trên toàn bộ các công trình Angkor là cả một rừng câu truyện cổ thần bí hấp dẫn. Riêng về Apsaras, theo truyện kể dân gian, các nàng còn được gọi là Nữ thần Thịnh Vượng vì mỗi khi các nàng múa hát thì vạn vật lại được sinh sôi nẩy nở. Đến nay, hình tượng Apsara được coi như là tài sản, linh hồn của đất nước Campuchia. Công chúa Norodom Buppha Devi ( con gái quốc vương Norodom Sihanouk ) là người có công lớn trong việc bảo tồn, phát triển và giới thiệu đến khắp thế giới các điệu múa tiên nữ.

Viết theo nhiều tài liệu tổng hợp từ nguồn Wikipedia.
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm